Những điều khó tin ở Ấn Độ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu chỉ biết đến Ấn Độ qua phim ảnh, thì đó hẳn là một đất nước tuyệt đẹp, với những công trình đồ sộ, những mỹ nam mỹ nữ với đôi mắt to đen láy đẹp lộng lẫy... Nhưng, khi đặt chân đến và đi tận cùng những ngóc ngách của mảnh đất này, mới thấy có quá nhiều điều kỳ lạ, nhiều khi tưởng chừng đối nghịch nhau... 
Tục lệ tắm nước sông Hằng vào mỗi bình minh luôn được người Ấn duy trì bao thế kỷ qua
Nghèo ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ 6
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ đã vượt qua Pháp trở thành đất nước có nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ấn Độ sẽ thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2022. Thế nhưng, ở đất nước 1,34 tỉ dân này vẫn đầy rẫy những người nghèo, người vô gia cư...
Khác với sự lộng lẫy thường thấy trên những bộ phim Ấn Độ, tôi cùng những người bạn đồng hành “choáng váng” khi chạm vào thực tế. Từ những tỉnh, thành như Varanasi, Japur, Agar... đến cả thủ đô New Delhi, sự nghèo khó của người dân nơi đây hiển hiện mọi lúc mọi nơi. Mức sống cực thấp nên giá trị đồng tiền cũng thấp hơn so với những gì mà tôi hình dung.
Khi đến khu chợ ven thủ đô New Delhi, lập tức chúng tôi bị “dội” một gáo nước lạnh bởi thực tế quá khác xa những gì trong tưởng tượng. Những con đường nhỏ hẹp và bẩn thỉu, đầy nước thải và phân bò. Những món ăn được trưng ra phía trước các quầy hàng, ruồi bu kín đen. Rau củ được trưng ra giữa những lớp bụi dày đặc mà mắt thường cũng có thể nhìn thấy. Từ “nhếch nhác” được dùng cũng không... xứng tầm để mô tả khu chợ nằm trong khu dân cư này. Vậy mà người Ấn vẫn vui vẻ mua bán, mời chào và ăn uống say sưa trước các hàng quán. Không mua được gì, chúng tôi vội vã thoát ra giữa những con hẻm chằng chịt.
Người vô gia cư ngủ ở sân nhà ga thủ đô New Delhi
Sáng sớm hôm sau rảo bộ trên đường phố của thủ đô New Delhi, từ chỗ trọ đến ga tàu lửa để đi xuống Japur, chỉ khoảng hơn 1 km nhưng dọc đường đi tôi bắt gặp nhiều người vô gia cư ngủ trên vệ đường. Xung quanh nhan nhản ruồi, phân bò và bụi bẩn... Thỉnh thoảng những đứa trẻ cáu bẩn, không mặc quần, không mang dép chạy chơi trên đường phố. Vài người phụ nữ rách rưới bế con níu xe xin ăn trên đường phố thủ đô.
Khi đặt chân tới nhà ga, giữa nền gạch, hàng trăm người vô gia cư đang nằm xếp lớp, say giấc nồng giữa ồn ào hối hả. Phương Mai, cô gái Việt đến Ấn Độ 5 - 6 lần đã quá quen với cảnh tượng này chia sẻ với nỗi kinh ngạc của tôi, nhưng cô cũng không quên giục đi nhanh ra sân ga bởi không ai nhường cho bạn và bạn có thể nhỡ chuyến tàu. Và quả vậy, những người Ấn với những kiện hàng nặng trĩu sẵn sàng gạt bạn qua một bên để chen lên phía trước, dù chỉ là một bước chân. Chỉ cần sơ sẩy một chút, bạn đã bị đẩy xuống cuối hàng và thất lạc bạn bè ở nhà ga đông kìn kịt...
Khi tàu chạy, tôi như trôi về quá khứ xa lắc lơ qua những ô cửa tàu. Những căn nhà cũ kỹ, tồi tàn ven đường tàu với cuộc sống lạc hậu của vài thập niên trước vẫn còn lưu giữ như những thước phim quay chậm. Từng nhóm người ngồi cùng nhau ăn trầu, tám chuyện; những căn nhà làm dịch vụ giặt ủi sử dụng bàn là than để ủi đồ...
Ở Ấn Độ, cái đẹp đan xen cái xấu, sự hào nhoáng đi kèm với sự cáu bẩn dù cùng trong một khu phố. ẢNH: DIỆU HIỀN
Ở Agar, Ali - tài xế lái xe tút tút - đón chúng tôi với vẻ ngoài hầm hố, áo quần cáu bẩn và ánh mắt hơi hung dữ khiến khách có phần e sợ. Suốt trên đường đi từ khách sạn đến pháo đài Amber Fort, cậu nhún nhảy, hát hò và gọi những cậu bạn đồng nghiệp ầm ĩ. Cậu lái xe bất chấp, tốc độ cao, lạng lách đánh võng điêu luyện. Có những khi chúng tôi phải hét lên vì những tưởng chiếc tút tút đã đâm thẳng vào xe tải phía trước... Gần như mạnh ai nấy đi, giao thông hỗn loạn. Khi đã quen với tốc độ và cách chạy xe bất kể đường phố của Ali, tôi mới bắt chuyện. Ali, 22 tuổi, theo nghề lái xe tút tút đã 2 - 3 năm nhưng thu nhập làm từ sáng đến tối cũng chỉ đủ lo ngày 3 bữa cơm. “Ai cũng vậy mà, người lao động nặng và nghèo khó ở đây đều sống vậy, nên tôi thấy cũng bình thường... Cứ sống vui vẻ vậy thôi”, Ali ra vẻ lạc quan.
Sự phân hóa giàu nghèo quá rõ rệt. Dù là đất nước có nền kinh tế phát triển, cái nghèo vẫn đeo đuổi số đông người dân...
Điểm sáng văn hóa
Ở Ấn Độ, văn minh hiển hiện song hành cùng những hủ tục lạc hậu đến oái oăm. Nhưng có một điểm sáng có thể nhìn thấy, đó là sự trân quý của họ dành cho văn hóa.
Chỉ cần đến những di tích cổ của người Ấn, từ thủ đô New Delhi đến Japur hay Agar..., đủ thấy những con người dù nghèo khổ đến cùng cực vẫn luôn chung tay bảo tồn. Thật khó tin khi phân bò đầy đường phố, rồi rác thải, ruồi nhặng, ồn ào... nhưng khi bước vào những di tích, dù nhỏ hay lớn, bạn đã lạc sang một thế giới khác. Sạch sẽ, sáng láng và lặng lẽ. Từng chi tiết được gìn giữ công phu, cẩn thận như báu vật...
Đền Taj Mahal ở Agar xây dựng năm 1632, hoàng đế Shah Jahan vì tiếc thương người vợ Mumtaz Mahal qua đời nên xây ngôi đền đồ sộ này để tưởng nhớ nàng. Công trình do những kiến trúc sư giỏi, công nhân lành nghề và những nghệ nhân đến từ đất nước Ba Tư, châu Âu và Đế chế Ottoman. Xây bằng đá cẩm thạch trắng, đền đã được tưởng tượng ra và nổi tiếng như một loại châu báu thật sự, phản chiếu nhiều màu sắc trong suốt ngày đêm. Như để gợi nhớ sự yếu mềm và tính tình hay thay đổi ở người phụ nữ, đền có màu hồng vào lúc bình minh, sáng trắng vào buổi trưa, ngả sang ánh vàng vào buổi chiều tà, lung linh huyền bí dưới ánh trăng. Đến ngày nay, đền Taj Mahal vẫn được gìn giữ công phu, dù đã bị thiệt hại nhiều do chiến tranh. Người Ấn xem đó là một đền đài vững chãi của văn hóa, của tình yêu nên gìn giữ như báu vật...
Một trong những pháo đài đồ sộ của Ấn Độ là Amber, được Raja Man Singh I ra lệnh xây dựng năm 1592 và được cải tạo vài lần trong nhiều thế kỷ. Nhiều con đường nhỏ hẹp dẫn dắt đến pháo đài đồ sộ có mặt tiền làm bằng đá sa thạch đỏ rực và cẩm thạch trắng tinh khiết, đắt đỏ và hiếm. Những đền thờ với khung cảnh hồ nước, cây cảnh tạo hình đẹp như bức tranh cổ. Pháo đài không hề bị xâm hại, mất cắp những vật phẩm quý, dù không phải nơi nào cũng có người bảo vệ. Người Ấn đến đây đều tỏ rõ sự tôn nghiêm và trân trọng từng góc nhỏ của các di tích.
Tất cả những di tích mà tôi đi qua, đều để lại một ấn tượng sâu sắc về sự gìn giữ, trân quý từng di tích văn hóa của người Ấn. Tưởng chừng có sự đối lập giữa cuộc sống ồn ào, nghèo nàn và lạc hậu với sự tỉ mỉ gìn giữ từng di tích cổ xưa như bảo vật. Nhưng không, đó hoàn toàn là bản chất văn hóa sâu xa của người Ấn, trân trọng những gì của quá khứ...
Và cùng với các di tích là những hủ tục cổ xưa vẫn được “duy trì”, như tục hỏa thiêu khi chết bên sông Hằng, sống sinh ra tắm nước sông Hằng thì chết cũng về với sông Hằng, coi bò là thần, cúng chào bình minh và cúng cảm ơn mẹ sông Hằng vào mỗi hoàng hôn...
“Những cái nôi văn minh khác đều bị tàn phá ít nhiều bởi thiên tai, và những cuộc cách mạng, bởi những biến động lịch sử. Riêng ở việc bảo tồn sống động này, liệu ta có phải biết ơn tính bảo thủ của người Ấn” (trích Namaska - Xin chào Ấn Độ, Hồ Anh Thái).
Diệu Hiền (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...