Người giúp cho dân bản không còn phải chụp ảnh ghép đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đối với người dân tộc Mông ở Hang Chú - xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La thì cái nghèo, cái đói cứ quẩn quanh như mây khói không bao giờ tan.
Trước đây, họ chỉ gửi ước ao giàu có qua những bức ảnh ghép đầu của mình với quần áo, nhà cửa, xe cộ của người dưới xuôi. Có một già làng đã thay đổi dần điều ấy khi cái giàu đang thực sự lan rộng ở bản…  
Đi tìm con đường thoát giàu ảo
Ông là Giàng A Chu - nguyên Chủ tịch xã, giờ là một già làng ở Pa Cư Sáng A. Năm 1972 khi đã 15 tuổi ông được cử đi học ở Trường đào tạo cán bộ dân tộc Mèo (Mông) ở huyện Thuận Châu, hồi ấy vẫn thuộc khu tự trị Tây Bắc. 18 tuổi ông về nhà lấy vợ rồi nhờ có chữ mà được cử làm Chủ tịch xã. Làm Chủ tịch xã vùng cao hồi ấy rất khổ bởi mỗi lần họp phải đi bộ 2 ngày liền qua con đường độc đạo nhỏ như một sợi chỉ chạy vắt qua bao núi cao, đèo sâu, bao vực thẳm điệp trùng mới ra được đến thị trấn huyện, nơi bước chân của người Mông bước trên đất bằng mà cảm giác vẫn chênh vênh như bước trên đá núi.
Ông Chu (ngoài cùng bên trái) vận động dân bản theo nếp sống văn minh
Quê ông bốn phía đều chạm núi, ngửa mặt lên là chạm mây, 100% dân thuộc diện hộ nghèo, cái đói cứ bủa vây bản trên, bản dưới như một lời nguyền truyền kiếp. Tiếng là Chủ tịch xã nhưng ông cũng nghèo như ai, vừa công tác xã hội vừa phải đi cày để nuôi đại gia đình đông tới 11 nhân khẩu.
Mấy năm về trước, có cánh thợ ảnh ngoài thị trấn vào tận bản chào hàng dịch vụ chụp ghép đầu người Mông với quần áo, nhà cửa, xe cộ đẹp đẽ của người dưới xuôi. Mỗi tấm ảnh bé con con 20x30cm giá 150.000 đồng. Vì nghèo khổ quá nên ai cũng muốn có một bức ảnh ghép đầu của mình với nhà cao cửa rộng, xe cộ, quần áo đẹp của người khác để ngắm cho quên đi cái nghèo, cái khổ trước mắt. Giàu ảo giống như cơn sướng ảo của thuốc phiện vậy, có sức gây nghiện ghê gớm! Nhà ông Chu cũng có một tấm ảnh ghép đầu như thế nhưng không thể khiến cho ông nguôi ngoai đi khát vọng làm giàu thực sự.

Ghép đầu của người Mông vào quần áo, nhà cửa, xe cộ đẹp đẽ của người dưới xuôi, cánh thợ ảnh ngoài thị trấn đã thu bộn tiền khi đánh đúng tâm lý của đồng bào là thích giàu ảo, giàu trong tưởng tượng để quên đi cái nghèo khổ, khó khăn trong thực tại.


Năm 2005 một lần Bí thư Tỉnh ủy Sơn La lúc đó là Thào Xuân Sùng lên chúc Tết ở bản, ông nhận định nơi này có thể trồng thảo quả được, sau này sẽ tìm cách để cho dân bản giống. Chờ đã lâu mà chưa thấy dự án về, nghe người ta nói bên huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai người Mông đã biết cách trồng thảo quả làm giàu nên năm 2006 ông Chu đã quyết chí đi một phen xem sao.
Bắt đầu từ 5h sáng, với hành trình đưa xe máy lên thuyền vượt sông Đà ngược theo hướng thành phố Sơn La rồi đi qua huyện Quỳnh Nhai vắt sang huyện Than Uyên cuối cùng hơn 6h chiều ông cũng đến được huyện Văn Bàn sau khi vượt hơn 200km đường núi và một lần thủng xăm phải dắt bộ hàng cây số mới tới được chỗ vá.
Đói khát, mệt lả nhưng khi nhìn thấy nương thảo quả với từng chùm, từng chùm lúc lỉu, đỏ mọng dưới gốc ông mừng muốn khóc. Ông quỳ xuống bốc một nắm đất xem đất nơi này có giống đất ở quê mình không rồi lại leo lên núi xem độ cao có giống ở quê mình không, con suối, con khe, cái cây, cái cối có giống ở quê mình không: “Từ cây trẻ đến cây già đều giống với cây ở rừng núi Hang Chú quê mình nên tôi tin là cây thảo quả cũng phù hợp khi trồng tại bản mình”.
Vậy là vét nốt số tiền trong túi có được ông mua 15kg giống thảo quả về chia cho dân bản 10kg còn mình ươm 5kg, nuôi mộng làm giàu. Dù đã cuốc đất, làm cỏ rất kỹ trước khi gieo nhưng do thiếu kinh nghiệm, ươm ở đúng chỗ khô quá nên chỉ có khoảng 20% hạt chịu nẩy mầm.
Ông Chu bên rừng thảo quả
Thất bại nhưng không nản chí, năm 2007 ông lại dẫn một đoàn dân bản gồm 12 người đi xe máy theo đúng lộ trình năm trước để tiếp tục hành trình gian khổ hơn 200km lấy giống thảo quả về. Lần này ông cẩn thận tìm những vạt đất ẩm ướt ven suối để gieo hạt rồi lại phủ lá khô lên giữ ẩm cho vườn ươm. Kết quả là hạt mọc được 70%.  
Mày cứ trồng trước, được tiền tao mới theo
Khi ông đi vận động dân rằng: “Bản mình nương ngô không có, ruộng cũng ít nên không ra tiền nhưng đất rừng còn nhiều, các dòng họ theo tôi đi trồng thảo quả sẽ giàu” thì nhiều nhà lắc đầu. Kể cả người em ruột Giàng A Cu cũng bảo: “Để mày trồng lên được, bán được tiền thì nhà tao mới trồng”. Chỉ có 30 hộ theo ông thử nghiệm trồng thảo quả. Lúc đầu diện tích thảo quả của ông có 5ha và một vài ha của các nhà khác rồi dần dà cả bản Pa Cư Sáng A với hơn 90 hộ người Mông họ Giàng thuộc các chi họ, thờ các ma khác nhau đều đua nhau trồng cả...
Mỗi dịp đi đám ma, đám cưới ở các bản gặp ai ông cũng hỏi: “Có trồng thảo quả chưa? Nếu có đất mà chưa có giống, chưa biết kỹ thuật thì về nhà tôi”. Một vài người tin, theo ông về nhà được mời cơm, đãi rượu, được chỉ bảo tận tình từ kỹ thuật đến cấp luôn giống cho với giá rẻ.
Những chùm thảo quả mới thu hoạch
Trồng thảo quả 1 năm 2 lần phải đi phát cỏ, mất 3 năm tức đúng 6 lần phát cỏ thì cây cho quả và phải sang năm thứ 5, sau 10 lần phát cỏ mới cho quả nhiều. Mùa đông năm 2015 khi cây thảo quả trên rừng đã bắt đầu cho quả bói hứa hẹn có tiền thì ông Chu phải đưa bố đi bệnh viện huyện chữa bệnh, 2 tuần sau mới về đến nhà. Lúc ấy một đợt băng giá khắc nghiệt đã ập đến, tuyết phủ trắng mái nhà, tuyết vít ngọn cây, cành cây trĩu xuống, gãy răng rắc chẳng khác gì trận cuồng phong. Vội chạy lên rừng xem thảo quả thì thấy cây chết hàng loạt như bị luộc chín. Không có khói mà mắt ông bỗng cay xè, nước mắt chảy ra dàn dụa.
Trong mấy năm trồng thảo quả ông đã phải bán hết cả đàn trâu để lấy vốn mong đổi đời nhưng giờ kết quả lại ra thế này? Nước mắt ông chảy ra ở trên rừng về đến nhà đã vội khô vì phải giấu vợ, giấu con. Muộn phiền khiến cho suốt 3 ngày liền cái tay của ông không buồn cầm bát cơm lên để ăn, cầm chén rượu lên để uống. “Ông trời không ủng hộ mình, mất bao công sức chăm sóc mấy năm ròng mà chẳng có thu hoạch gì cả”. Ông nghĩ thế bởi đinh ninh rằng đám thảo quả đã chết hết nhưng 2 tháng sau, trong một buổi đi rừng bỗng thấy từ dưới những gốc cây khô nhú lên những cái mầm bụ bẫm như ngón tay của trẻ con. Mừng trong bụng không để cho người khác biết, ông chạy về bản báo tin: “Lên rừng mà xem thảo quả của nhà mình có mọc lại không còn nhà tôi đã mọc lại rồi đấy”.
Bán tín bán nghi nhưng mọi người vẫn lên rừng thăm thì quả thật thấy thảo quả đã mọc lại, vụ sau thì lác đác cho thu. Năm 2017 ông hái 2,5 tấn thảo quả bán được hơn 60 triệu đồng, năm 2018 ông hái hơn 7 tấn thảo quả bán được gần 200 triệu đồng. Ở bản ông nhà nào ít cũng thu được 30 triệu, nhà trung bình thu được từ 40 - 50 triệu đồng trở lên. Từ nghèo đói, con đường tiến lên giàu có đang ở ngay trước mắt mọi người - điều trước đây dù cho nằm mơ giữa ban ngày họ cũng không dám nghĩ tới.
Ông Chu đang hỏi thăm một người đi lấy củi
“Có thảo quả là có quần áo mới, xe máy, ti vi mới, sửa sang được nhà cửa. Tết này gia đình nào có lợn thì mổ còn không nuôi được vẫn có tiền để mua thịt về ăn, không phải nhịn như trước nữa”. Ông Chu vừa cười vừa nói như vậy khi dẫn tôi leo núi lên thăm những vườn thảo quả mọc dưới những cánh rừng lúc nào cũng lờ mờ mây khói của Hang Chú.
Xóa hủ tục ma chay tốn kém

Đám tang từ lâu là quả núi vô hình đè lên lưng của người Mông, nặng đấy mà không thể hất đi nổi. Nhà nào có người chết là mỗi con trai phải góp một con trâu, bởi thế mà có gia đình phải mổ tới 5 - 6 con trâu, tốn kém tới hàng trăm triệu đồng, khiến con cháu mắc nợ cả đời. Cùng với mấy cựu cán bộ là Giàng A Nếnh, Mùa A Giạng, ông Chu đã tiên phong trong việc tổ chức đám ma cho bố mẹ với chỉ 1 con trâu, phá tan cái lệ khách đi viếng có thịt trâu chia, xỏ lạt mang về. Cán bộ đi trước, làng nước theo sau, nhiều đám ma ở Pa Cư Sáng A giờ đây không còn mổ nhiều trâu nữa.

Dương Đình Tường (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.