Ksor Ní-người đồng chí nhiệt tâm với cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Anh Ksor Ní là người đồng chí thân thiết của tôi trong suốt những tháng năm kháng chiến đến tận lúc về già. Tâm huyết cả đời anh đều dành cho cách mạng, cho quê hương; với anh em lại hết sức cởi mở và hòa đồng”-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Ngô Thành bộc bạch.
Tôi tìm đến nhà gặp ông Ngô Thành vào một buổi trưa đầu năm mới. Sau khi nghe vị khách trình bày lý do cho chuyến ghé thăm đường đột không hẹn trước, ông Thành bỗng khựng lại đôi phút, nét mặt đổi sắc. Thì ra, ông vẫn chưa hay tin người đồng chí thân thiết của mình-Ksor Ní-vừa qua đời ở tuổi 95 vào rạng sáng 15-2. Rồi dường như hiểu rõ sinh-lão-bệnh-tử vốn đã là quy luật, ông Thành ngồi xuống, kể với tôi bằng chất giọng đượm buồn: “Vài lần trước đến thăm, anh Ksor Ní đã không còn nhận ra tôi là ai nữa. Hôm 29 tháng Chạp, tôi cũng có ghé nhà chúc Tết, thấy bệnh tình anh Ní có trở nặng hơn nhưng không nghĩ anh ấy lại ra đi nhanh như thế”.
Ông Ksor Ní và vợ. Ảnh: Nguyễn Văn Chiến
Ông Ksor Ní và vợ. Ảnh: Nguyễn Văn Chiến
Chậm rãi lật giở từng trang ký ức về người đồng chí, người anh từng cùng mình kề vai sát cánh, ông Ngô Thành tâm sự, ông biết đến cái tên Ksor Ní ngay từ những ngày đầu mới lên Gia Lai nhận nhiệm vụ công tác (năm 1951). Thế nhưng mãi đến ngoài những năm 60, ông Thành mới có cơ hội được gặp và làm việc trực tiếp với ông Ní. “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Ksor Ní chính là phong thái lãnh đạo của anh. Có thể nói anh Ní là một trí thức Jrai tiêu biểu lúc bấy giờ với học vấn cao, kiến thức và hiểu biết về công tác cách mạng rất sâu rộng. Tuy vậy, anh không bao giờ thể hiện bản thân mình trước mặt anh em, đồng chí mà lúc nào cũng niềm nở, chân thành. Mặt khác, anh Ní là một cán bộ lãnh đạo tràn đầy nhiệt huyết với cách mạng, đất nước. Nhờ lợi thế về tiếng địa phương, anh giúp các đồng chí khác trong bộ máy lãnh đạo tỉnh nắm cụ thể, rõ ràng về tình hình cơ sở, nhất là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”-ông Thành chia sẻ.
Kể từ khi ông Ngô Thành và ông Ksor Ní đồng hành công tác trong cùng một cơ quan thì mối quan hệ giữa hai người trở nên thân thiết hơn. Ấy là năm 1968, ông Ksor Ní được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Gia Lai kiêm Bí thư Đảng đoàn chính quyền phụ trách chính quyền, Chỉ huy trưởng Tiền phương chiến dịch Xuân 1968; còn ông Ngô Thành giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh. Kể từ thời điểm đó, hai ông luôn gắn kết mật thiết với nhau trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất đưa ra các chủ trương, quyết định đúng đắn, góp phần cùng quân và dân tỉnh nhà giành lấy những thắng lợi vẻ vang.
Và trong quá trình công tác, có 2 sự kiện khiến ông Ngô Thành nhớ nhất và theo ông, nó là minh chứng rõ nét cho sự thấu hiểu, thống nhất trong tư tưởng và chỉ đạo giữa ông và ông Ksor Ní. Đầu tiên là vấn đề trưng cầu ý kiến về việc tìm gỗ quý để xây lăng Bác Hồ vào đầu năm 1974. Ông Ksor Ní bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp toàn thể cán bộ (trong đó có ông Ngô Thành) và nhân dân nhằm trưng cầu ý kiến về việc tìm gỗ quý để xây lăng Bác Hồ. Cuối cùng mọi người thống nhất chọn cây gỗ trắc, vì đây là loại gỗ rất quý hiếm, được mệnh danh là “sắt không gỉ”. Ông Ksor Ní cũng là người chặt nhát rìu đầu tiên làm lễ phát động phong trào tìm trắc xây lăng Bác. Công việc tìm kiếm gỗ, chặt hạ gỗ khó khăn bao nhiêu thì quá trình kéo gỗ từ rừng Sơn Lang ra đến Trạm Lập (Kbang) để đưa lên xe vận chuyển ra Hà Nội lại càng vất vả bấy nhiêu. Dù phải mất ròng rã hơn một tháng trời nhưng cả cán bộ và nhân dân tỉnh nhà ai cũng vui vì thể hiện được tấm lòng của người dân Tây Nguyên dành cho vị lãnh tụ kính yêu.
Ông Ngô Thành xem lại những dòng chữ viết về ông Ksor Ní trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Ông Ngô Thành xem lại những dòng chữ viết về ông Ksor Ní trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
“Tháng 1-1975, Trung ương có chủ trương mở chiến dịch lớn ở Tây Nguyên, trọng tâm là Buôn Ma Thuột (Đak Lak), tôi được đồng chí Ksor Ní khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy phân công xuống chỉ đạo giải phóng vùng An Khê trước. Tuy nhiên, cục diện chiến tranh lại có sự thay đổi, sau khi giải phóng xong Buôn Ma Thuột, ta tiến sang giải phóng Pleiku. Việc liên lạc giữa tôi và anh Ní chỉ thông qua lực lượng cơ yếu (mật mã) với 2 cái đài 15W và trong ngày chỉ thông tin với nhau một vài đoạn hội thoại để nắm được tình hình quân địch, quân ta; âm mưu thủ đoạn của địch; cách sử dụng lực lượng của ta như thế nào cho hiệu quả; việc phối hợp chiến đấu giữa điểm Pleiku và diện An Khê ra sao… Ngày 17-3-1975, Pleiku được hoàn toàn giải phóng, anh Ksor Ní liền liên lạc ngay cho tôi để tập trung lực lượng giải phóng An Khê vào ngày 23-3”-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành nhớ lại.
Nhiệm vụ hoàn thành, ông Ngô Thành tức tốc trở lại Pleiku, cùng ông Ksor Ní và lãnh đạo tỉnh bàn cách giải quyết hậu quả của chiến tranh, trong đó có 3 vấn đề lớn: giáo dục, cải tạo khoảng 16.000 lính ngụy và 14.000 công nhân viên ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện; cứu đói người dân chạy nạn trên đường 7; huy động lực lượng, xe chở bộ đội, vũ khí xuống trợ giúp Nha Trang, Phú Yên, vùng Đông Nam bộ… tiếp tục giải phóng. Giai đoạn sau này, hai ông lại song hành cùng với những vị lãnh đạo tỉnh khác, dồn sức tập trung dẹp quân Pôn Pốt tràn qua Đức Cơ suốt 1 tháng trời và đánh đuổi FULRO hơn một thập niên. Cho đến khi về hưu, hai người vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống; thỉnh thoảng lại nhắc nhớ về những tháng ngày “sướng khổ có nhau” hay trao đổi về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. “Không chỉ bản thân Ksor Ní mà các con của anh cũng tiếp nối truyền thống của gia đình, đều một lòng theo cách mạng. Dẫu biết rằng sự ra đi của anh là quy luật của tạo hóa, nhưng bản thân tôi và những người yêu quý anh đều cảm thấy tiếc thương. Tôi sẽ mãi nhớ về anh, một người đồng chí đầy nhiệt tâm và dành trọn đời mình cho cách mạng”-ông Ngô Thành bộc bạch.
Mặt trời đã đứng bóng tự lúc nào. Tiễn tôi ra về, ông Thành cũng lo sửa soạn đến nhà ông Ksor Ní để thắp nén hương tiễn biệt người anh đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng. Tình bạn, tình đồng chí chân tình giữa hai ông khiến những người trẻ như tôi cảm thấy vô cùng khâm phục và trân quý.

Đồng chí Ksor Ní (tên thường gọi là Ama H’Nhan), sinh năm 1925 tại bôn Tham (xã Ia Trok, huyện Ia Pa, Gia Lai). Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Trong quá trình hoạt động cách mạng và công tác, đồng chí đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Danh hiệu “Cán bộ tiền khởi nghĩa”, nhiều huân, huy chương, bằng khen và các hình thức khen thưởng khác. Sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được các cơ quan, địa phương, gia đình và các y-bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do bệnh nặng, tuổi cao sức yếu đồng chí đã qua đời vào rạng sáng ngày 15-2-2019, hưởng thọ 95 tuổi. 

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.