Dòng tên anh khắc vào đá núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên vừa tiếp nhận 10 liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc trở về sau 40 năm ngã xuống giữ gìn phên dậu tổ quốc. Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng vừa đi vào hoạt động với mong muốn đưa các anh về nằm cùng để như ngày xưa, họ chung lưng đấu cật bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: Trường Phong
Những liệt sĩ trở về
Nghĩa trang Vị Xuyên (Vị Xuyên, Hà Giang) là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1979 - 1989 và các liệt sĩ thuộc 32 tỉnh, thành từ miền Trung trở ra. Trước khi lên biên giới, phóng viên Tiền Phong ghé qua nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Trong ánh chiều bảng lảng, nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên vẫn nồng nàn hương khói. Ngay trước mặt nghĩa trang, một hàng 10 ngôi mộ được đưa về quét vôi trắng, nhưng chưa có tên. Bên cạnh, một hàng mười ngôi mộ còn lại vẫn để trống. Tấm bia ghi “Mộ liệt sĩ tập thể các liệt sĩ hy sinh tại Hang Sập, bình độ 400, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang”.
Ngược về biên giới, theo giới thiệu của Đồn biên phòng Thanh Thủy (Vị Xuyên), chúng tôi tìm vào bản Nà Toong, nơi đóng quân của Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang). Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, Đội trưởng Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ cho biết cả 10 ngôi mộ mới quy tập tại Vị Xuyên được bàn giao dịp 22/12 - ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân. Nói về việc tìm kiếm thông tin, anh Hiệp cho biết đây là một việc khó: “Để tìm thấy thông tin phải chắp nối, từ mẩu tin nhỏ và phải có nhiều thời gian. Ví dụ tìm thấy chữ Bình A4 (tiểu đội 4 - PV) hay Nhượng A4, chúng tôi phải tìm toàn bộ các đơn vị chiến đấu, hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên có đồng chí nào tên như vậy mà chưa được quy tập mới kết nối được. Tuy nhiên, xét trên bình diện toàn quốc rất nhiều đồng chí trùng tên”.
Một cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Vị Xuyên. Ảnh: PV
Anh Hiệp nói thêm, đơn vị mình mới ra mắt tháng 8/2018 và được tiếp nhận cơ sở của một đoàn kinh tế quốc phòng nên những người lính phải củng cố, sửa chữa, xây dựng nhà chờ để hương khói cho các anh trước khi bàn giao. Việc tìm kiếm cũng không phải dễ dàng bởi địa bàn biên giới, núi cao vực sâu chia cắt và quan trọng nhất là việc những liệt sĩ đã nằm trong đất mẹ quá lâu. Ngoài ra, bom mìn, đạn pháo chưa nổ vẫn còn găm ở nhiều nơi. Đội tìm kiếm liệt sĩ chỉ hoạt động khi lực lượng công binh đã rà phá, làm sạch địa bàn. Tuy vậy, để an toàn Đội vẫn được biên chế riêng 2 cán bộ công binh “lão làng” để rà soát đất đá trước khi các chiến sĩ khác bắt đầu đào bới, kiếm tìm.
Cũng nói về bom mìn, thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đồn trưởng Biên phòng Thanh Thủy kể lại, thời đó trên địa bàn bị rải mìn dày đặc. Những ngày gian khó đó, pháo binh đủ loại của ngoại bang ngày đêm bắn phá và chắc chắn vẫn còn những quả đạn chưa nổ, trở thành những “tử thần ngủ quên”. Ngay sau dãy nhà của bộ đội cũng còn sót lại không ít bom mìn. Vì vậy, việc đội quy tập hài cốt liệt sĩ chỉ đến những vùng an toàn để đưa các anh về là điều dễ hiểu.
Tôn vinh thế hệ Anh hùng
Chiến tranh đã lùi xa. Vùng biên Thanh Thủy ngày nay trải dài một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng. Nhưng đây cũng là khó khăn cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Những người lính ở Đội quy tập cho biết, để xác định vị trí những người đã nằm xuống, họ phải dựa vào nhiều kênh thông tin từ các cựu chiến binh, nhân dân, bản đồ… trên toàn quốc gửi về. Đội trưởng Nguyễn Đức Hiệp lấy ví dụ, từng có cựu chiến binh ở Quảng Trị thông báo chiến đấu, chôn cất đồng đội tại một điểm cao nơi đây nhưng không xác định được đã quy tập chưa. Lập tức, Đội đi khảo sát xác minh nhưng không phải lúc nào cũng tìm được. “Đợt trước, đơn vị đón một bác từng là lực lượng phục vụ chiến đấu ở Vị Xuyên lên. Bác ấy cung cấp thông tin năm 2008 đi san lấp mặt bằng phát hiện hai bộ hài cốt quấn trong tăng. Nhưng đến vị trí chôn cất thì không thể tìm thấy nữa, vì địa hình thay đổi nhiều”, anh Hiệp nói.
Với mong muốn quy tập các liệt sĩ về với đồng đội, an ủi thân nhân, Đội quy tập rất quyết tâm trong công tác tìm kiếm. Đội phải tổ chức tập huấn rồi phát phiếu cung cấp thông tin tới gần 2.700 thôn bản tại Hà Giang. Nhận lại phiếu, họ phân loại phiếu của từng gia đình để biết ở khu vực nào có mộ liệt sĩ hy sinh trong chống Pháp, chống Mỹ hoặc cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979. Từ đây, các thông tin được tổng hợp, khoanh vùng trên bản đồ và loại bỏ những phiếu có nội dung trùng nhau trước khi thành lập đoàn đi khảo sát. Ngay khi phát hiện mộ liệt sĩ, công việc đưa các anh về nghĩa trang cùng đồng đội vẫn là câu chuyện dài. Đại úy Đỗ Tiến Dũng, Phó Đội trưởng Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ cho biết nếu xác định vị trí liệt sĩ, đơn vị phải thông báo đến gia đình, thỏa thuận và phối hợp cất bốc. Với những liệt sĩ chưa biết tên, đơn vị phối hợp với ngành lao động của địa phương để tổ chức truy điệu, an táng các anh...
Cùng với việc quy tập, tìm kiếm hài cốt các Anh hùng, liệt sĩ trong chiến tranh biên giới 40 năm trước, tỉnh Hà Giang đồng thời triển khai mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Cuối tháng 12/2018, trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho biết sau khi mở rộng, với hơn 10ha, nghĩa trang đủ không gian tiếp nhận thêm các liệt sĩ trở về bên đồng đội. Công việc đang được đẩy nhanh tiến độ, nếu kịp, công trình sẽ hoàn thiện đúng dịp Kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
(Còn nữa)

Đội tìm kiếm liệt sĩ chỉ hoạt động khi lực lượng công binh đã rà phá, làm sạch địa bàn. Tuy vậy, để an toàn Đội vẫn được biên chế riêng 2 cán bộ công binh “lão làng” để rà soát đất đá trước khi các chiến sĩ khác bắt đầu đào bới, kiếm tìm.

Trường Phong-Xuân Ân (Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.