Ngư dân bám biển xuyên tết, săn luồng cá chuồn cồ bay khắp mặt biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày xuân ở trên đảo Lý Sơn, quê hương Hải đội Hoàng Sa, những lá cờ ngũ sắc tung bay phần phật, thấp thoáng những mái đình nghi ngút khói hương và nếu lắng nghe thì sẽ thấm được lời nguyện cầu cho chủ quyền biển đảo.
Cá bay trên mặt nước như đàn chim
27 tháng Chạp 2018, khi tết cận kề thì chiếc tàu QNg 90055 TS của thuyền trưởng Võ Văn Nô ở thôn Định Tân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) đi làm nghề cá chuồn cồ bị chìm ở quần đảo Hoàng Sa. Cuối năm đó, không khí se lạnh và làng chài đang ngóng đợi những con tàu trở về. Các ngư dân ở tàu cứu nạn kể lại, khi nghe tiếng kêu “đồng đội tới cứu 55” vang lên trên Icom thì có người muốn rơi nước mắt, vì ngày xuân là ngày vui, nhưng lại gặp chuyện buồn ở nơi đất mẹ.
Chiều 28 tết năm 2018, thuyền trưởng Võ Vân Nô được cứu nạn từ Hoàng Sa vào đất liền và ngay sau đó anh đã ra đảo trở lại
Tàu cá QNg 90675 TS của thuyền trưởng Nguyễn Văn Cu đã dứt tấm lưới chuồn để chạy tới cứu kịp thời và đưa tất cả ngư dân tàu bị nạn vào bờ đúng ngày 27 tết. Tại bến, gió xuân phần phật thổi bay tóc các ngư dân với khuôn mặt buồn và ánh mắt ráo hoảnh. Mọi người quây quần bên nồi mì tôm dọn ra boong tàu. Thuyền trưởng Nô bê tô mì, một tay ôm con, nước mắt chảy dài trên má. Chị Nguyễn Thị Thạnh, vợ thuyền trưởng Nô chạy xuống tàu, buồn bã kể cuộc sống vợ chồng 8 năm thì năm đầu tiên đã gặp nạn. Tàu đang đánh lưới cá chuồn thì bị tàu tuần tra Trung Quốc ra gom gần hết. Những lần sau cũng bị mất nhưng số lượng ít hơn. Nhưng lần này thì mất tàu và sém mất luôn cả người chồng.
Tôi trở lại ngôi nhà thuyền trưởng này khi kim thời gian quay tròn một vòng 365 ngày và tết 2019 sắp tới. Ngôi nhà nhà gạch cũ có diện tích chỉ chừng 20 mét nằm cuối làng chài hóa ra là nhà trọ và được vợ chồng thuyền trưởng Nô thuê với giá 300 ngàn đồng/tháng. Sau 8 năm cưới nhau, anh chị vẫn chưa mua nổi căn nhà, bao nhiêu tiền đầu tư xuống tàu, mua lưới đi Hoàng Sa.
Hàng ngày chị Thạnh ngồi đan vá lưới, mắt nhìn ra biển, tâm tư nghĩ về tương lai một ngày nào đó gầy dựng lại con tàu mới. Vì chiếc tàu chìm có mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Ngãi, nhưng một năm rồi vẫn phải đợi. Không thể khoanh tay đợi, thuyền trưởng Nô xuống tàu đi bạn, trở lại Hoàng Sa.
Làng chài thôn Định Tân xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi nằm trong đất liền, ngay cửa biển có tuyến tàu ra Lý Sơn. Ngày tết ở làng chài này có rất nhiều vợ ngư dân ngóng đợi người thân ở ngoài đảo xa như chị Thạnh. Vợ các ngư dân bảo rằng, hình như ông trời cũng thương, ngày tết tự nhiên cá chuồn nhiều hơn, kéo mẻ lưới nào cũng mát tay, câu cá cũng được nhiều nên anh em ngư dân xuyên tết. Thông thường, con tàu cuối cùng từ Hoàng  Sa trở về làng thì cũng đã mùng 10 tết.
Phiên lưới ở Hoàng Sa
Tết năm 2018, chiếc tàu cuối cùng từ Hoàng Sa trở về đất liền vào mùng 9 tết là tàu QNg 90297 TS của thuyền trưởng Trần Văn Sách. Tôi có mặt để quay lại khoảnh khắc này. Con tàu từ từ tiến vào bờ, thuyền trưởng Sách kéo ga cho con tàu gầm lên liên hồi, xả khói đen kịt. Tiếng máy tàu dường như thay cho tiếng lòng các ngư dân đã “kìm nén” suốt 25 ngày khi phải đón xuân giữa biển khơi. Nắp hầm tàu bật mở, 10 tấn cá chuồn tươi rói được xúc lên, đổ xào xào trên mặt boong. Ngày tết, cá chuồn được thu mua 35.000 đồng/kg. 
Trên biển, cả chuồn cồ là loại sải cánh bay là là sát mặt nước và cá chuồn cồ thì bay xa nhất. Ngư dân Phạm Quang kể lại, thời 30 năm trước, khi ngư dân mới mở nghề cá chuồn cồ ở đảo, tấm lưới chuồn kéo lên đen đặc cá, tàu ra đảo là ham buông lưới ngay, vì cá bay đen trên mặt nước như một đàn chim. Nhìn cảnh tượng đó, ngư dân trở về bờ là lập tức muốn quay trở lại. Hình ảnh đó cho thấy, Hoàng Sa đất mẹ là vùng biển vàng, là nơi hứa hẹn mang lại cho ngư dân có cuộc sống no đủ.  
Niềm tin ông Hoàng Sa
Đảo Lý Sơn ngày xuân là hình ảnh những ngôi đình làng có người kính cẩn bê mâm trầu đến thắp hương, vái lạy; các chủ tàu bê mâm đặt một con heo, vài con gà tới đình để nói lên lời nguyện ước hoặc cáo với tiên linh ông bà xin trả nợ lễ vật mà mà ngư dân đã nguyện, hứa trong lúc con tàu đang lênh đênh trên biển cả.
Âm linh tự và Mộ lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn là nơi nhiều ngư dân gởi lời nguyện ước
“Chủ tàu 96539, thuyền trưởng Nguyễn Thành chỉ đạo, dâng lễ ông bà, đi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, chở đầy cá, đi đến nơi, về đến chốn”, tiếng của ông Ngô Vân vang lên trong ngôi đình thờ những người lính Hoàng Sa. Giọng đọc của ông run run, ngắt quãng, chao chao như một người đang ngồi trên chiếc tàu trôi giữa biển sóng vô định. Ngày tết cận kề, nhiều tàu cá vẫn đang bám đảo Hoàng Sa và ngư dân từ biển khơi điện về đất liền nhờ ông Vân cầu xin ông Hoàng Sa phù hộ để tàu đầy cá, sớm chạy về quê.
Cuối năm, bầu trời Hoàng Sa tím ngắt và sóng gió tơi bời, thiên nhiên như đảo lộn để bắt đầu xoay vần cho một chu kỳ mới. Những con tàu nhỏ giống như chiếc lá, thoắt ẩn thoắt hiện giữa những cồn cát. Có chiếc chạy lòng vòng quanh đảo Cây, có chiếc ẩn sâu vào tới đảo Ốc Hoa, Ba Ba. Những cồn cát dài mênh mông giống như núi rừng che chở cho những chiếc tàu gỗ bé nhỏ. 
Cách đây vài năm, tàu cá QNg  66192 TS do ông Lê Minh Tân làm thuyền trưởng chở 6 ngư dân Lý Sơn ra đảo Bom Bay ở Hoàng Sa để tranh thủ phiên chót. Đảo Bom Bay nằm ở tận cùng rìa ngoài của Hoàng Sa, tọa độ 16 độ 02 phút vĩ độ bắc – 112 độ 32 phút kinh đông và phải đi gần 2 ngày đêm mới tới. Con tàu này đã đi mãi không về và tết năm đó, cả chục người đàn bà lẫn con nít ở cuối đảo Lý Sơn khóc thút thít. Chưa ai khóc òa vì vẫn hy vọng mong manh rằng qua tết thuyền về. Nhưng con thuyền này đi biệt và mỗi ngư dân bỏ mạng được thầy pháp nặn một hình nhân, đưa vào mộ chiêu hồn.
Hầm cá chuồn cồ ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa
Lý Sơn giờ trở thành đảo du lịch, khách tham quan nườm nượp, kể cả ngày tết. Du khách dường như chỉ lượt qua bề ngoài, selfile ở núi Thới Lới, cột cờ, tượng đài hùng binh Hoàng Sa. Nhưng cũng có ít người yêu văn hóa, lịch sử thì thắp một nén hương trong nhà thờ Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh. Nơi mà những người này không thể không đặt chân đến là Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa nằm ngay gần bến tàu. Ngôi đền nhỏ linh thiêng nhất trên đảo, cùng với Dinh bà Roi nằm ở cuối đảo. Thắp một nén hương nói lời tưởng nhớ, ngày xuân sẽ đọng sâu trong lòng, vì trở thành chuyến đi ngược về cuội nguồn, nhớ đến bao hùng binh Hoàng Sa, cha ông thuở trước.

Tháng chạp, cá chuồn cồ bay khắp mặt biển. Cá chuồn đánh bắt gần bờ là loại cá chuồn rắc, cá nhỏ, nhiều xương. Còn cá chuồn cồ chỉ xuất hiện ở những vùng biển cách đất liền trên 100 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa.

Cá chuồn cồ to như bắp tay, màu da xanh và láng mướt, ít xương, cánh chuồn dài, mắt sáng lóng lánh. Bình quân 6-7 con cá chuồn cồ có trọng lượng nặng 1 kg. Tết, các ngư dân thả lưới bao quanh mảnh đất mẹ và trở về đón mùa xuân muộn.

Lê Văn Chương (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt