Cúng tạ thần: Lời thề giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa xuân, khi những cánh rừng đồng loạt thay lá, người Jrai ở các làng của xã Ia Pếch (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại tổ chức nghi lễ rất đặc biệt: cúng để tạ ơn thần rừng đã chở che, bảo vệ dân làng, đồng thời thể hiện quyết tâm giữ rừng của cộng đồng. Ngày 27-1 chúng tôi đã đến khu vực suối Ia Cor, Ia Pếch chứng kiến người dân Organg cúng rừng.
 Không chỉ là nét văn hóa gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp, nghi lễ cúng rừng thêm một lần khẳng định giá trị nhân văn của cộng đồng: sống dựa vào rừng và cùng  ý thức chung bảo vệ rừng, bảo vệ Mẹ thiên nhiên.
Lời thề giữ rừng
Khác với những lễ cúng thường diễn ra ở nhà rông, nhà sàn, lễ cúng rừng của người Jrai ở xã Ia Pếch diễn ra giữa cánh rừng xanh thẳm. Từ chỗ để xe đi bộ hơn 2km đường rừng, chúng tôi mới vào đến khu vực suối Ia Cor thuộc làng Organg- nơi được chọn tổ chức lễ cúng. Rượu, thịt đã sẵn sàng. Lễ vật cúng Yàng được dân làng chuẩn bị chu đáo từ trước, chỉ chờ tới giờ hành lễ. Già làng Siu Tới- làng Organg hôm nay đảm nhận vai trò chủ lễ. Ông nói: “Người Jrai sống gắn bó với rừng nên bảo vệ rừng là trách nhiệm, là ý thức chung của cả cộng đồng, truyền giữ qua nhiều đời, thể hiện sự tôn trọng, biết ơn rừng che chở, bảo vệ. Bảo vệ để những cánh rừng mạnh khỏe, tốt tươi sẽ mang lại cho con người rất nhiều lợi ích. Nhiều cây con hôm nay mai sau sẽ trở thành rừng già, rừng tốt cho con cháu mình nữa”.
Theo vị già làng, lời thề giữ rừng trở thành ý thức chung của cộng đồng. Trong lời cúng thành kính già làng gửi tới thần linh, trước tiên ông thay mặt dân làng cảm ơn thần rừng đã phù hộ, che chở cho người dân mắt sáng, chân khỏe, có một năm làm ăn thuận lợi, bình yên và no đủ. Ông cũng không quên xin thần rừng phù hộ cho cán bộ kiểm lâm sức khỏe để đi đầu cùng dân làng trong công cuộc bảo vệ rừng. Trước thần linh, vị già làng bày tỏ quyết tâm cùng với mọi người giữ rừng. Rừng không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn có giá trị tinh thần to lớn cho một cộng đồng, một dân tộc từ xa xưa đã sống dựa vào rừng, hòa hợp và và gắn bó, coi rừng như một chốn thiêng.
Lễ cúng rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lễ cúng rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sau lễ cúng, người dân 2 làng giáp rừng là Organg và De Chí quây quần bên những ché rượu thơm lừng. Thịt nướng trên than hồng đã được hạ xuống bày trên ống tre dài, cùng với muối lá ớt xanh, lá é, cơm lam thết  khách. Bên ghè rượu, người dân các làng cùng cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm thân mật tâm tình câu chuyện trong ngày cuối năm, những kinh nghiệm hay để cùng chung tay giữ rừng, sự đoàn kết gắn bó thêm thắt chặt. Chị Puih Vit-làng Organg không ngừng rót rượu vào các ống nứa mời khách, bày tỏ niềm hân hoan: “Tổ chức  cúng rừng để lớp trẻ biết đến nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình, đồng thời để nâng cao ý thức giữ rừng trong cộng đồng làng buôn, khẳng định rừng là vốn quý, mọi người có trách nhiệm chung tay gìn giữ. Tuy nhiên, giữ rừng trong bối cảnh hiện nay không như ông bà mình trước đây, vừa  theo luật tục nhưng đồng thời cũng phải tuân thủ pháp luật mới giữ vững được những cánh rừng bền vững. Trách nhiệm nặng nề nên cần có sự gắn kết, phối hợp giữa người dân và cán bộ”.
Phát huy vai trò của cộng đồng
Nét đẹp trong nghi lễ cúng rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nét đẹp trong nghi lễ cúng rừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo ông Siu Thunh-Bí Thư Đảng ủy xã Ia Pếch, để luật tục song hành cùng hệ thống pháp luật trong công cuộc giữ rừng, chính quyền địa phương vừa tuyên truyền kiến thức pháp luật, vừa khuyến khích người dân giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lễ cúng rừng hàng năm. Ông Thunh cho biết: “Để phát huy tinh thần bảo vệ rừng của người dân, xã đã thành lập 2 tổ bảo vệ rừng ở làng Organg và De Chí, tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân. Đồng thời, hàng năm chúng tôi khuyến khích người dân làm lễ cúng rừng, phát huy nét đẹp văn hóa, để người dân thấy được ý nghĩa của nghi lễ này của người Jrai là mong muốn bảo vệ sức khỏe, phát triển kinh tế, hưởng lợi từ rừng. Nhờ đó, nhận thức người dân nâng lên rõ rệt. Sự nhiệt tình ủng hộ và chung tay giúp sức của người dân  giúp diện tích rừng ở khu vực này được bảo vệ và phát triển tốt ”.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, 2 ngôi làng Jrai giáp rừng là Organg và De Chí là địa phương tiêu biểu trong công tác bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng. Ông Lâm Văn Long- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai đánh giá: “Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên địa bàn của 1 xã rất mỏng, chỉ 1 đến 2 người, thậm chí 2-3 xã mới có 1 người. Vì thế, vệc giữ rừng phải là sức mạnh của toàn dân, phát huy được vai trò của cả cộng đồng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Cộng đồng Jrai ở đây nêu cao ý thức trách nhiệm giữ rừng do thấy được ý nghĩa nhiều mặt và cực kỳ quan trọng của nó, từ đó tích cực cùng chúng tôi tham gia quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả ”.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.