Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiến tranh qua đi, những vị tướng lĩnh, những người lính kiên trung tiếp tục xắn tay làm kinh tế, dốc hết tâm sức để xây dựng quê hương, đất nước
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đến lúc tuổi xế chiều nhưng Thiếu tướng Trần Văn Niên (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9) vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ở tuổi 85, vị tướng này vẫn miệt mài đi "làm thuê" cho doanh nghiệp để có điều kiện lo cho trẻ em nghèo hiếu học, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Đi qua những trận chiến
Thiếu tướng Trần Văn Niên (còn gọi là Tư Niên) sinh năm 1933, quê quán tại xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Năm 1950, chàng trai Tư Niên đi bộ đội và cũng năm này được đứng vào hàng ngũ của Đảng. "Sau Hiệp định Genève, tháng 10-1954, tôi lên tàu tập kết ra Bắc khi cưới vợ được 1 năm. Lúc ấy, khi các chiến sĩ trên tàu chạy từ huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) dọc theo kênh xáng Xà No lên Cần Thơ để xuôi ra biển, người dân 2 bên đường vẫy chào suốt cả đêm. Khi tàu cập bến Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận cái lạnh của miền Bắc, được đắp chăn bông, nằm trên "nệm" rơm" - Thiếu tướng Trần Văn Niên nhớ lại.
 
Thiếu tướng Trần Văn Niên, người tham gia con tàu không số và những trận đánh ác liệt ở tuyến lộ Vòng Cung
 
Tuy tuổi cao nhưng Thiếu tướng Trần Văn Niên vẫn miệt mài làm việc. Trong ảnh: Thiếu tướng (bìa trái) trong một lần khai trương cảng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau hiệp định đình chiến, ông Tư Niên được điều động về Sư đoàn 338 (Sơn Tây). Từ năm 1960-1962, ông nhận lệnh sang giúp bộ đội Lào. Một năm sau, ông được điều động trở vào Nam chiến đấu. Ông là một trong 7 sĩ quan pháo binh được đào tạo kỹ thuật ở miền Bắc, có mặt trên chuyến "tàu không số" chở 100 tấn vũ khí trên hải trình vào Nam ngày 5-6-1963. Tàu xuất phát từ cảng Hải Phòng, đi vòng lên đảo Hải Nam (Trung Quốc), ra hải phận quốc tế rồi sau đó xuôi về Mũi Cà Mau. Thượng úy Trần Văn Niên sau đó được phân công phụ trách huấn luyện pháo binh ở Quân khu 9.
Trong cuộc đời chiến đấu, trải qua hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ do mình chỉ huy, Thiếu tướng Trần Văn Niên vẫn còn in sâu cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, trên chiến trận lộ Vòng Cung (Cần Thơ). Trong trận chiến này, giặc càn quét liên tục nhưng Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Niên đã chỉ huy Tiểu đoàn pháo binh 2311 phối hợp cùng các lực lượng vũ trang Quân khu 9 và nhiều lực lượng khác của vùng Tây Nam Bộ xông lên làm phá sản kế hoạch của địch. Trận chiến lộ Vòng Cung là bản anh hùng ca "đất lửa nở hoa" không chỉ riêng Cần Thơ mà cả vùng Tây Nam Bộ, là một trang lịch sử vẻ vang của dân tộc.
"Trong một lần áp sát chi khu Long Mỹ vào năm 1967, tôi bị giặc bắn làn đạn xuyên qua má, làm gãy 16 cái răng. Còn trong trận chiến lộ Vòng Cung, tôi bị trúng đạn ở ngực nhưng rất may chỉ chạm nhẹ phổi và phần mềm" - Thiếu tướng Trần Văn Niên vừa nói vừa chỉ một bên má bị lõm vào như đồng tiền.
Kể về những trận chiến mình đã xông pha, trên gương mặt người lính già này lúc nào cũng thể hiện niềm tự hào. "Vụ gãy 16 cái răng cũng là một kỷ niệm, sau này tôi được địa phương cấp sổ chỉnh hình cho thương binh. Cứ 5 năm tôi được nhận 16 triệu đồng, 1 cái răng gãy thì được 1 triệu đồng. Tôi nghĩ rất nhiều thương binh không biết chính sách này" - Thiếu tướng Trần Văn Niên hóm hỉnh.
Dốc hết sức cho thời bình
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Tư Niên kinh qua nhiều chức vụ. Năm 1988, ông được phong hàm Thiếu tướng. Trước khi về hưu vào năm 2000, ông là Đại biểu Quốc hội khóa IX, Phó Tư lệnh Quân khu 9. "Đến nay, tôi có 68 năm tuổi Đảng, 50 năm trong quân đội, sắp kỷ niệm 65 năm ngày cưới của vợ chồng tôi nhưng tôi đã vắng nhà khoảng 40 năm. Trong thời gian đó, bận nhiệm vụ nên mọi chuyện trong gia đình đều do vợ lo liệu, tôi cũng không đóng góp gì cho quê hương và xã hội. Nên khi về với đời thường, tôi dốc tâm tăng gia sản xuất, làm kinh tế gia đình" - ông chia sẻ.
Sau khi nghỉ hưu, với chút vốn, ông Tư Niên đã mua hơn 1.000 con ba ba giống rồi xây hồ nuôi trên diện tích khoảng 2.000 m2. Cơ sở của ông làm ăn khấm khá, mở rộng thành trang trại. Vào năm 2002, sau khi hạch toán thì lợi nhuận ông thu về gần 800 triệu đồng. Thời điểm này, nói về "tướng" ba ba ai cũng biết đến ông Tư Niên. Nhưng thời gian sau, phong trào nuôi ba ba nở rộ, thu nhập giảm mạnh nên làm một thời gian thì ông buông bỏ.
Đến năm 2008, một doanh nhân mời ông về quản lý một số dự án. Hiện nay, ông cùng lúc giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV A.C.M và Công ty TNHH MTV Cửu Cửu Long để quản lý dự án của 2 công ty này. Do 2 công ty này đều nằm tại tỉnh Kiên Giang nên mỗi tuần, vào sáng thứ hai, ông Tư Niên phải di chuyển đến Kiên Giang và chiều thứ sáu lại về nhà ở Cần Thơ.
"Tôi tâm niệm thời chiến lo đánh giặc, thời bình phải xây dựng quê hương, phát triển kinh tế. Nhiều người nói sao tôi không ở nhà hưởng lương hưu thiếu tướng mà đi làm chi cho mệt thân. Nhưng nhờ đi làm, đầu óc hoạt động nên não không lão hóa theo cơ thể, tư tưởng thoải mái. Chắc nhờ vậy mà tôi không bệnh hoạn gì" - Thiếu tướng Trần Văn Niên nói. 
Lo cho học sinh hiếu học, người nghèo

Thiếu tướng Trần Văn Niên tâm sự rằng nhờ đi làm mà ông có tiền đóng góp cho hội khuyến học ở địa phương. Từ lúc đi làm cho doanh nghiệp, ông cũng đề xuất ủng hộ hàng tỉ đồng cho các tổ chức ở Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang... để hỗ trợ người nghèo, học sinh hiếu học, nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Hàng xóm nhận xét ông Niên rất gần gũi. Do nhà riêng của ông có không gian thoáng mát nên các cháu trong xóm hay sang đùa giỡn, xem tivi, đọc sách. Ông luôn mở rộng cửa đón các cháu nên trong vườn nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.

Kỳ tới: Người cựu binh vì dân

Ca Linh (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).