Thôn "đèn dầu" đón điện sau 30 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 30 năm đi kinh tế mới, gần 100% dân Nà Ven vẫn thuộc hộ nghèo. Chỉ cách trung tâm thị trấn chừng 12km nhưng ở đó, người dân gần như vẫn đang sống ở thế kỷ 20, lạc hậu, thiếu thốn trăm bề mà nguyên nhân chính là không có điện.
30 năm sống trong "tăm tối"
Vào một ngày mùa xuân cách đây hơn 30 năm, có hơn 70 hộ dân từ Quỳnh Phụ, Thái Bình được đưa lên Tây Nguyên đi kinh tế mới. Gần 200 con người, lớn bé đủ cả, đùm túm cả chó mèo, lợn gà…vật vã hơn 10 ngày đường rồi "đổ bộ" xuống cánh rừng bên bờ suối Đục (thuộc xã Krông Na, huyện Ea Súp, Đắk Lắk nay là thôn Nà Ven, xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk). Nơi họ vừa đặt chân đến là một bãi đất trống, xung quanh núi rừng hoang sơ, không nhà cửa, không một bóng người. Từ đây ra lộ nối với lộ vào huyện Ea Súp là một con đường đất nhở vừa được xe ủi vén rừng mà thành. Hơn 10 ngày trên đường, dù rất mệt mỏi, nhưng việc đầu tiên mà hơn 70 hộ dân phải là làm là dựng nhà. Cây rừng làm cột, lấy lá làm vách, giấy dầu (được cấp phát) làm mái, những căn nhà "dã chiến" được nhanh chóng dựng lên để trú thân rồi được cải tạo dần để chống chọi với 6 tháng nùa mưa Tây Nguyên.
Từ sáng sớm, cụ Liêu đã ăn mặc chỉnh tề đến hội trường thôn chờ giây phút đóng điện.
Lo xong chỗ ở, dân bắt đầu khai khẩn đất đai tính kế sinh nhai. Cụ Lê Thế Liêu (75 tuổi), một trong những người đi di dân đợt ấy kể rằng, đất đai khai khẩn ra chẳng thiếu. Nhưng đất ấy sỏi đá, cằn cỗi vô cùng, nước vừa chạm đất đã khô khốc. Nắng lên cỏ cây vàng vọt, sa mưa xuống phèn nổi tứ bề. Nghĩ mãi, dân quyết định chọn cây bắp để “khởi nghiệp”. Nhưng hạt bắp bỏ xuống, hơn một tháng sau cây lên chỉ to bằng ngón tay, lá vàng vọt, queo quắt như bị ai hơ lửa. Vậy là “nhất niên chi kế” với cây bắp thất bại, dân chuyển sang tỉa đậu, trồng lúa rẫy, cắm thêm hom mỳ...Cuối cùng cái ăn cũng có nhưng cũng chỉ đủ để lay lắt qua ngày. Nhưng điều khổ hơn không phải là cuộc sống lay lắt mà là bệnh tật hoành hành. Ốm đau đa phần dân tự chữa tại nhà, chỉ có ai bệnh nặng quá mới cán ra lộ, đón xe đưa vào bệnh viện huyện Ea Súp. Chính cuộc sống khủng khiếp ấy mà từ 74 hộ ban đầu, chỉ một tháng sau hơn nửa dân đã bỏ đi tứ tán, vài ba tháng sau, đếm đi đếm lại chỉ còn 17 hộ trụ lại nổi.
Tính đến giờ, thôn Nà Ven đã ra đời được hơn 30 năm. Nhưng mọi thứ ở đấy gần như vẫn chẳng hề thay đổi, chỉ có con người, từ 17 hộ giờ tách ra hơn gấp đôi. Cả thôn có đến gần 200 ha đất tính ra, trung bình mỗi hộ có đến gần 4 ha. Nhưng sinh kế vẫn quanh quẩn, đậu, bắp, mì, mè...năm được, năm mất, dân chẳng thể ngất đầu lên được. Ngoài những yếu tố về đất đai thổ nhưỡng, một thứ hết sức quan trọng đó là điện. Không có điện, nước sát bên hông không bơm lên được, không có điện không có thông tin từ bên ngoài, không có điện làm cái gì cũng khó…
Ông Nguyễn Đức Giang, trưởng thôn Nà Ven, tính đi tính lại vẫn không tìm ra được hộ dân kinh tế mới nào thực sự thoát nghèo. Cả thôn chỉ có 6 hộ không nghèo đó là 5 hộ từ nơi khác đến và một hộ do có vợ có lương ở xã nên được xem là thoát nghèo. Ông Giang nói, mấy năm nay, dân được vay nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của ngân hàng CSXH mua được mấy con bò nên có phần đỡ hơn. Song ở đó, mùa khô cháy trụi, trâu bò thiếu thức ăn ốm giơ xương nên lợi nhuận chẳng đáng là bao, may lấy được ít phân đỡ được phần nào chi phí trồng trọt. Nhà ông Giang có 2 ha đất, trồng mì, mè, lúa, tổng thu cả năm được 20 triệu đồng. Năm nào thuận lợi, ông Giang có thêm được khoảng 6 triệu nữa nhờ nuôi bò. Như vậy, tất tần tật một năm ông Giang thu được chưa đến 30 triệu, nếu trừ các khoản chi phí thì âm nặng. Nhưng nếu so với các hộ nghèo trong thôn, nhà ông Giang cũng coi là cột cờ trong bó đũa.
Điện về "ngời sáng tương lai"
Nghe sáng mai có điện về, cụ Liêu không tài nào chợp mắt được. Nửa đêm ông lò dò thức dậy thắp chiếc đèn cũ kỹ lấy giấy bút làm một bài thơ. Bài thơ mộc mạc, ngôn từ chân chất nhưng nó chứa trong đó nỗi khát khao ánh điện và cả nỗi vui mừng khôn xiết khi có điện về. Bài thơ cụ kết đại khái rằng, có điện rồi thôn xóm sẽ đổi thay, dân sẽ có cơ hội phát triển kinh tế của mình, xây dựng nông thôn mới, tương lai phía trước đã ngời sáng.
Lễ đóng điện công trình cấp điện cho thôn Nà Ven.
Buổi sáng hôm chính thức đóng điện, dù được mời 9 giờ rưỡi đến hội trường thôn để dự lễ, nhưng từ tinh mơ cụ Liêu đã vội vàng lục tìm bộ đồ tinh tươm nhất, diện cả đôi giày chỉ thi thoảng dùng để đi tiệc cưới để đến hội trường thôn. Cụ chẳng nói gì, chỉ nhìn xa xăm môi luôn nở nụ cười. Gặp tôi, cụ bảo: "Chắc bác đi trồng lại cái răng cửa cháu nhỉ?". Câu hỏi vu vơ nhưng tôi thấy dường như trái tim của cụ già ấy đang rất rạo rực, tâm trạng như đứa trẻ lam lũ trông chờ ngày Tết.
Không chỉ riêng cụ Liêu, mà sáng hôm ấy dường như tất cả những người trong thôn đều rạo rực ngóng chờ thời khắc hết sức trọng đại đến với Nà Ven. Họ bỏ tất cả mọi việc thường ngày để đến hội trường thôn đợi giây phút đóng điện. Gặp nhau, họ nói về cuộc sống vất vả hơn 30 năm qua nhưng tâm trạng thì lại rất vui. Một cụ bà, nói với tôi rằng: "Tính đến ngày hôm nay là 30 năm 7 tháng lẻ 7 ngày chúng tôi vào đây. Vậy là hơn 10 ngàn ngày có lẻ dân mới thấy cuộc sống của mình sáng sủa ra".
Tôi nhớ cách đây nhiều năm, trưởng thôn Nà Ven khẳng định chắc nịch như đinh đóng cột: “Dân chúng tôi sẵn sàng không nhận hộ nghèo nếu được kéo điện. Có điện là có nước, nước về thì cây cối tốt tươi...kinh tế của dân chắc chắn sẽ theo đó mà phát triển mạnh hơn, thoát nghèo là chuyện không khó”. Và bây giờ ông Giang vẫn nói vậy. Ông nói ngày Nà Ven "cất đầu" lên đã không còn xa nữa.  

Ngày 7.12, công trình cấp điện cho thôn Nà Ven, xã Ea Wer đã chính thức hoàn thành, cấp điện cho dân sinh hoạt. Đây là công trình thuộc Tiểu dự án Cải tạo và phát triển lưới điện phân phối (JICA) tỉnh Đắk Lắk vay vốn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản. Công trình do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư và giao cho Công ty Điện lực Đắk Lắk quản lý dự án. Công trình có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng với khoảng 40 hộ được thụ hưởng từ dự án. Như vậy, suất đầu tư cho công trình tại buôn Nà Ven khá lớn, mỗi hộ tính bình quân được đầu tư trên 65 triệu đồng.  

Ngay sau khi nghiệm thu, đóng điện, Công ty Điện lực Đắk Lắk yêu cầu Điện lực Buôn Đôn nhanh chóng triển khai lắp đặt công tơ, hỗ trợ người dân đấu nối hệ thống điện trong nhà nhằm nhanh chóng có điện phục vụ sinh hoạt. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hỗ trợ tối đa cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng điện để bơm tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này nhằm góp phần giúp người dân ổn định, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo cũng như thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt