Những người đi hát sắc bùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai “lão làng” là ông Trần Biểu (83 tuổi) và ông Huỳnh Tròn (78 tuổi), cùng xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, dắt nhau đi khắp thôn, làng tham gia các chương trình biểu diễn, không kể ngày đêm, chỉ mong tiếp tục lưu giữ điệu hát sắc bùa.

Bốn ông cái chủ chốt của đoàn hát sắc bùa xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn hát sắc bùa
Bốn ông cái chủ chốt của đoàn hát sắc bùa xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn hát sắc bùa



Tai không nghe, mắt không thấy, hai “lão làng” đã gần 80 tuổi lướt nhẹ ngón tay gảy cây đàn nhị nỉ non, lại thêm âm thanh phát ra từ tiếng kèn, giọng ca cất lên như được đẩy thêm để phiêu diêu theo điệu hát sắc bùa. Hai “lão làng” là ông Trần Biểu (83 tuổi) và ông Huỳnh Tròn (78 tuổi), cùng xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, dắt nhau đi khắp thôn, làng tham gia các chương trình biểu diễn, không kể ngày đêm, chỉ mong tiếp tục lưu giữ điệu hát sắc bùa.

Đôi bạn già mê hát sắc bùa

Những cơn mưa rả rích, thềm nhà trước căn nhà cấp bốn có hai cụ già, một người gảy đàn nhị nỉ non, một người thổi kèn những âm thanh của điệu hát sắc bùa da diết. Có khách đến, ông lão mắt sáng kéo tay người ngồi gảy đàn dừng lại. Người gảy đàn là ông Trần Biểu bị mù cả hai mắt, người thổi kèn là ông Huỳnh Tròn. Ông Tròn chỉ biết thổi kèn theo “trực giác”, bởi lẽ đôi tai ông bị điếc nặng từ 3 năm nay.

Ông Biểu dò dẫm đi lại trong nhà, pha trà, kể chuyện. Ông mê điệu hát sắc bùa từ khi còn 15, 16 tuổi, khi đó ông hay nghe lỏm các cụ trong làng hát rồi theo chân các cụ “nghệ sĩ” đi khắp thôn xóm mỗi lần hội diễn văn nghệ. Lớn lên, ông Biểu tham gia du kích địa phương, kiêm trưởng đoàn văn nghệ xã từ năm 1962 - 1966. Chiến tranh diễn ra ác liệt, ông Biểu cầm súng ra trận.

Sau 1975, ông Biểu về lại địa phương và bắt đầu khôi phục bộ môn hát sắc bùa. Ông chia sẻ: “Từ xưa, xã Phổ An đã có điệu hát sắc bùa, bắt nguồn từ xóm An Thạnh, Bình An, thường dịp Tết Nguyên đán, ngày lễ, đình làng hội miếu, đều lập đoàn hát sắc bùa. Tuy nhiên, qua thời chiến, người hát sắc bùa đã không còn nhiều và giai điệu dần quên lãng”. Ông Biểu tình cờ gặp ông Huỳnh Tròn, nghe điệu phách ông Tròn gõ phát ra từ miếng tre, rồi tự lúc nào không biết, hai ông kết bạn tri kỷ, cùng nhau lan tỏa điệu hát sắc bùa.

Ông Tròn sống trong một gia đình thuần nông, khi ông bị điếc, các con ông đã mua cho ông cái máy trợ thính, “nhưng tôi không dùng vì nó rất khó chịu, thôi cứ nhìn miệng nói mà đoán rồi nói lại”. Đoán có người nghe chuyện hát sắc bùa, ông Tròn liên miên chuyện xưa cũ, chuyện các con và gia đình. Dù tai không nghe thấy, nhưng ông Tròn vẫn thổi kèn, gõ phách rất giỏi. Ông nhẩm theo điệu hát và nhờ đôi mắt vẫn rất tinh anh nên khi nhìn các ông cái (nhạc công) bắt đầu gõ, khẩu hình miệng hát, ông lập tức gõ theo. Có lẽ, hai “lão làng” Biểu và Tròn là một cặp “bổ khuyết” cho nhau.

Ngày xưa, đội hát sắc bùa có 6 ông cùng làng xóm tham gia, đi khắp nơi biểu diễn. Ngày đó có ông Lê Công Lịch (bí danh Lê Hổ) thôn An Thạnh, xã Phổ An, là cây “đại thụ” hiếm hoi của loại hình nghệ thuật hát sắc bùa, là Nghệ nhân Dân gian hát sắc bùa, Nghệ nhân Ưu tú duy nhất của huyện Đức Phổ được phong tặng danh hiệu; có ông Lịch với hơn 70 năm gắn bó cùng hát sắc bùa, ông Lịch đã qua đời (năm 2015) ở tuổi 88.

Những thế hệ đi trước chính là những người thực hành nghệ thuật hát sắc bùa, họ được coi là “di sản sống” của bộ môn nghệ thuật này. Nay, họ đã lần lượt qua đời vì tuổi tác. Ông Lịch ra đi mà chưa kịp có những ghi chép đầy đủ về di sản sắc bùa ông gìn giữ suốt 70 năm qua. Đến nay, vì sợ mai một văn hóa truyền thống, ông Biểu đang ghi chép lại những bài hát sắc bùa dày hàng trăm trang và truyền tay những người cần mượn để học hát sắc bùa ở các địa phương khác trong huyện. Xã Phổ An cũng cho đánh máy vi tính để lưu giữ lại các bài hát do cụ Biểu ghi chép và sáng tác lưu truyền.

Giữ gìn hát sắc bùa

Khá khen ông lập cái ngõ này/Kim bằng thợ ngọc a rồng xây a tư bề/Hai bên loan phụng giao kề/Nhà lầu ngõ ngói a tư bề xinh tây…, ông Biểu cất lời hát cùng điệu kèn, điệu đàn nhị vang lên, đó là những câu trong lời bài Mở ngõ được diễn trong ngày tết đến, xuân về. Mỗi đoàn hát sắc bùa gồm 10 người, gồm 6 nữ múa hát và 4 nhạc công. Ông cái trưởng đoàn kiêm cả kèn và hát chính, ông vỗ trống, ông gảy đàn nhị và ông vỗ phách. Gia đình rước đoàn về nhà của mình để hát nhân dịp lễ, tết, làm nhà mới…, cầu mong mọi điều tốt đẹp. Điệu hát Mở ngõ được bắt đầu khi đoàn hát sắc bùa vừa đến ngõ nhà gia chủ, hát đến khi gia chủ mở ngõ đón đoàn vào thăm nhà.

Hát sắc bùa là hình thức tổng hợp cả múa, hát và diễn xướng trên sân khấu, mang ý nghĩa chúc tụng với lễ nghi nông nghiệp gắn yếu tố tâm linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, gia đạo bình yên. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó phòng VH-TT huyện Đức Phổ, cho biết: “Hát sắc bùa là nét đẹp trong đời sống tinh thần, hoạt động giải trí giúp vơi đi mệt nhọc trong lao động, sản xuất. Đến nay, loại hình nghệ thuật này chỉ còn lưu giữ khá nguyên vẹn tại xã Phổ An, huyện Đức Phổ bởi các cụ trong đoàn hát sắc bùa, nhưng rất hiếm hoi. Ngoài ra, ở một số địa phương khác cũng cố gắng truyền lại bộ môn hát sắc bùa nhưng không còn giữ được nguyên bản và đang dần thất truyền”.

Ngay ở xã Phổ An, ông Biểu, ông Tròn mặc dù rất tận tâm với hát sắc bùa nhưng việc giữ gìn nghệ thuật này khiến hai ông trăn trở. Ông Biểu nói: “Những lớp trẻ đều đi làm ăn và không có thời gian để học hát, còn trẻ nhỏ thì bận việc học hành nên chỉ còn mấy lão già ngồi lại đàn hát lối xóm”. Ông Biểu dạy hát sắc bùa cho 2 cháu nội và cháu ngoại ở nhà, thời gian thường là buổi tối, chỉ khoảng một tiếng, sau đó các cháu đi học bài. Ông Tròn dạy lại cho 2 con trai là Huỳnh Lập và Huỳnh Tiến tiếp nối nghề cha. Đoàn xã và Phòng Văn hóa xã Phổ An cũng tham gia lớp học ban đêm cùng hai “lão làng”.

Em Phạm Trần Phương Nghi, lớp 5B, Trường Tiểu học Phổ An, học hát sắc bùa từ năm lớp 1, đến nay em đã hát được nhiều bài hát do chính ông nội Biểu dạy. Nhiều em học sinh vì học được nghệ thuật độc đáo của thế hệ trước đã trở thành những “mầm xanh” thực thụ, tiếp nối truyền thống cha ông. Em Nghi cho biết: “Trước giờ học buổi tối, ông lại dạy nhóm bạn nhỏ trong xóm hát sắc bùa và dành hơn một giờ để truyền đạt. Em đã học hát được câu xướng trong bài Mừng Đảng mừng Xuân…

Ông Nguyễn Tấn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Phổ An, cho biết: “Từ năm 2013, nghệ thuật hát sắc bùa được chú trọng và quan tâm hơn, đến nay đã thành lập được đội hát sắc bùa. Hàng năm, các dịp lễ, đại đoàn kết…, đều là đội hát sắc bùa tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, trong giải pháp lâu dài cần có các hoạt động tuyên truyên vận động người dân tham gia, truyền đạt bằng hình thức mở lớp học, huy động xã hội hóa”. Ông Sơn cho biết: “Sắp tới, phòng VH-TT sẽ làm hồ sơ để trình các cấp đề nghị công nhận Nghệ nhân Dân gian hát sắc bùa cho ông Biểu, giữ gìn điệu hát sắc bùa”.

Nguyễn Trang (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).