Gã 'Đôn Ki Hô Tê' của cây nấm Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đứng trước căn nhà vẫn còn loang lổ chất bẩn vì bị kẻ xấu dằn mặt kèm theo những lời đe dọa đáng sợ do dám bóc trần những thủ đoạn làm ăn trà trộn, đội lốt cây nấm Việt của chúng, tôi hỏi gã: “Có dám “đánh” nữa không?”.
Gã thủng thẳng: “Đánh đến cùng chứ anh bởi giữa cái sai và cái đúng không bao giờ bắt tay được với nhau...”.  
Tôi không bán đứng anh trai mình
“Anh trai tôi đã mất vì cây nấm Việt nên nếu tôi bán hàng trà trộn không rõ nguồn gốc có khác gì đã bán đứng anh mình?”. Gã tuyên bố như thế. Trước đây chẳng bao giờ gã có thể hình dung ra một ngày mình lại gắn bó với cây nấm Việt bởi học Đại học Mỏ-Địa chất rồi ra trường làm một ngành hoàn toàn khác với nông nghiệp.
 
“Đôn Ki Hô Tê” của ngành nấm Nguyễn Ngọc Quỳnh
Nhưng anh trai gã thì lại khác, học Học viện Nông nghiệp rồi sau một tai nạn giao thông biến dạng cả mặt, sức khỏe giảm sút đâm ra bén duyên với cây nấm bé nhỏ. Năm 2007, xưởng sản xuất tại gia rộng 1000m2 ở huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh của anh chính thức được thành lập với mục đích nuôi cấy các loại nấm rơm, sò, mỡ tận dụng từ nguồn rơm rạ.
Non kinh nghiệm nên thường xuyên thất bại đến khi ra được một quy trình tạm gọi chuẩn thì người anh của gã vui lắm, làm ngày, làm đêm. Sản lượng mỗi ngày hồi đó được 50-70 kg xuất bán khắp nơi với thương hiệu Chính nấm (Nguyễn Xuân Chính-tên người anh). Cây nấm rơm có đặc điểm lạ là hay có bọ mạt sống cộng sinh. Càng nhiều bọ mạt lại càng hứa hẹn có nhiều nấm.
Bữa ấy anh dậy từ 2 giờ sáng để thu hoạch nấm rơm đến 6 giờ sáng mới xong, bọ mạt chui vào người ngứa quá phải nhảy xuống ao tắm rồi cảm, chết đột tử. Anh mất đi để lại người vợ trẻ và đứa con thơ dại. Xưởng nấm sau đó được giao cho người chú ruột quản lý nhưng cứ lụi bại dần vì không có tay nghề. Sau hơn một năm ròng rã gửi tiền về để giải cứu nhưng bất thành xưởng nấm của người anh, Nguyễn Ngọc Quỳnh-tên của gã đã chán nản bỏ đi làm thuê cho hai công ty, một của Hàn Quốc, một của Trung Quốc chuyên về nhập khẩu nấm.
Cứ như gã thú thật thì việc làm thuê này chỉ vì mưu sinh nên không toàn tâm toàn ý mà đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ về cây nấm Việt, về xưởng nấm bằng tre nứa của người anh đang trở nên mục nát, hoang tàn. Khi biết rõ các đầu mối phân phối nấm từ Bắc vào Nam, từ to đến nhỏ, Quỳnh nghĩ ra cách tập hợp những người sản xuất trong nước để phân phối nấm Việt.
 
Dù gặp phải bao chông gai, Quỳnh vẫn yêu đến cuồng si cây nấm Việt
Năm 2010 gã quyết định nghỉ việc về nhà làm nấm trong sự ngăn cản quyết liệt của người thân mà nhất là ông bố bởi vì sản xuất nấm mà ông mất đi người con trai cả đang là trưởng họ nay không muốn mất nốt người con trai thứ còn lại: “Làm công ăn lương cho nhẹ nhàng, không đau đầu, không mệt mỏi con ạ, đừng nên dính dáng đến cây nấm làm gì thêm rắc rối”. Bố khuyên nhủ nhưng một khi gã đã quyết thì không một ai có thể cản được.
Gã lặn lội lên Viện Di truyền để tầm sư học đạo một khóa trồng nấm rồi lại tìm đến các đơn vị sản xuất nấm uy tín như Cty Long Hải (Quảng Ninh), Cty Minakami (Phú Thọ) để mà nhập hàng. Gã muốn làm thương hiệu quốc gia cho cây nấm Việt và trên hết là đạo đức kinh doanh, cái gì đúng thì làm, cái gì sai dù có lợi cũng nhất định không thực hiện. Lúc nào các xưởng sản xuất không thể cho ra được nấm Việt là gã chấp nhận ngừng nhận lệnh đặt mua, không chấp nhận trà trộn nấm Tàu hay nấm không rõ nguồn gốc để “hô biến” thành nấm Việt.  
“Cực tả” với tình yêu nấm
Gần đây thị trường bỗng rộ lên loại nấm hương khô với giá siêu rẻ khiến gã nghi ngờ. Ngược lên Sa Pa tìm mua nấm hương trồng tự nhiên hay xuôi xuống nhà máy Minakami xem trồng nấm hương công nghệ Nhật trong nhà lạnh ở Phú Thọ, vòng sang mạn Ba Vì (Hà Nội) tham quan cách người Trung Quốc trồng nấm hương bán công nghiệp. Nấm hương tươi có giá khoảng 100.000 đồng/kg, khi đem vào sấy thì ít nhất cũng 8-9 kg tươi mới ra được 1 kg khô nên nấm hương khô sản xuất tại Việt Nam không thể có giá dưới 400.000-500.000đ/kg. Thế mà lạ thay thị trường lại đầy rẫy những loại nấm hương khô đội lốt nấm Việt được chào giá thấp hơn nhiều.
Nấm hương thường sinh trưởng ở điều kiện từ 15- 24 độ C, khí hậu miền Bắc đỏng đảnh khi nóng, khi lạnh, đã vậy khi thu hái, cắt chân nấm và mũ nấm rồi làm sạch đều phải là dùng lao động tay chân nên sản lượng không lấy đâu mà nhiều. Thế mà lạ kỳ thay có nhà máy lại công bố sản xuất được 170 tấn nấm hương khô/ năm tương đương với 1.700 tấn nấm hương tươi mỗi năm.
 
Chế biến ruốc nấm
Đã 4 lần gã cất công tìm kiếm bằng chứng để tố cáo, vạch mặt 4 đơn vị thuộc vào diện có “máu mặt” trong nghề nhưng vẫn trà trộn nấm không rõ nguồn gốc rồi ho biến thành nấm Việt. Không ít lần gã bị xã hội đen nhắn tin đe dọa, bị ném chất bẩn vào nhà rồi 6 đoàn thanh tra, kiểm tra đến cty của gã trong vòng có mấy tháng, riêng việc tiếp đón đã soán gần hết quỹ thời gian.
Vợ gã suy sụp khóc lóc khuyên chồng dừng tay nhưng gã cứ dửng dưng như không, vẫn đều đặn thu thập bằng chứng gian lận rồi gửi đơn lên các cơ quan báo chí, quản lý, công an cũng như đăng tải khắp lên mạng xã hội. Quỳnh khùng, Quỳnh điên hay Quỳnh dại…là những danh từ mà nhiều người gán cho gã nhưng gã vẫn mặc kệ mà chỉ thấy cô đơn, lạc lõng bởi đến như cơ quan công quyền khi tiếp nhận đơn còn bảo: “Tại sao lại tố cáo nhau mà không bắt tay nhau để làm ăn, hợp tác?”.
Giữa cái sai và cái đúng không bao giờ bắt tay được với nhau. Gã đáp lại và vẫn yêu đến cuồng si cây nấm Việt dù biết thừa rằng bên cạnh chất lượng khá tốt thì hạn chế của nó cũng rất nhiều. Giá cao, mẫu mã kém, thời gian sử dụng ngắn, mỗi ngày một kiểu dáng, kích cỡ, mẫu mã chất lượng không đều, sản lượng lúc nhiều lúc ít nên không nhà sản xuất nào dám ký hợp đồng giao hàng ổn định với số lượng lớn vì sợ bị phạt.
Làm thật trên thị trường nấm Việt phải có sức chịu đựng phi thường bởi những bất lợi đó so với các hàng nhái nguồn gốc xuất xứ hay hàng Trung Quốc. Buôn loại ấy mới lãi khẳm, mới nhanh giàu nhưng gã không chịu mà vẫn lầm lũi một mình một lối.
Gã sẵn sàng xù lông, xù cánh như gà mẹ bảo vệ con để bảo vệ cho cây nấm Việt, sẵn sàng chìa mọi chứng từ nhập hàng cũng như chứng minh cho các khách hàng còn hoài nghi bằng live stream cả quá trình sản xuất nấm hay mời họ đến tận nơi để chứng kiến các công đoạn của quy trình này. Dù sản xuất nấm ở Hải Phòng hay ở Bắc Ninh lỗ nặng nhưng gã vẫn đau đáu với nghề nghiệp của người anh để lại.
 
Cân đong nấm trước khi xuất bán
Công ty CP nấm Việt với thương hiệu Chính nấm cho nấm tươi và nấm ta cho nấm chế biến. Mất vài tỉ đồng và 7 năm ròng rã gã mới hình thành nên thị trường riêng cho cây nấm Việt tươi. Từ 2017 chính thức gã lại nuôi mộng chế biến biến với hệ thống kho lạnh, lò sấy, xưởng chế biến đồng bộ. Ruốc nấm của gã không dùng chất hóa học hay hương liệu để đánh lừa cái lưỡi mà tỉ mẩn chần qua nước gừng để cân bình âm dương (do đặc điểm chung của nấm là tính hàn tức âm cao), sau khi kho với chút dầu ăn hướng dương, muối hồng Himalaya rồi dùng chính bột nấm làm gia vị.
Giá bán của gã thường gấp rưỡi, gấp đôi so với các sản phẩm cùng loại tự xưng là nấm Việt nên có cửa hàng từ chối thẳng, có cửa hàng nhận rồi giấu kín đi để bán nấm trôi nổi cho lãi cao. Tình thế hiểm nguy như ngồi trên lưng cọp. Có thể 2, 3 năm nữa là mất hết nhà cửa nhưng gã không hề nao núng bởi tin vào lượng người tiêu dùng ổn định luôn ủng hộ mình, tin vào sức mạnh to lớn ẩn chứa trong cây nấm Việt bé nhỏ.
Dương Đình Tường (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.