Lần đầu đến Hà Giang, lần đầu đến Cực Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lù Thị Vấn – bà chủ quán Cà phê Cực Bắc. Ảnh: Phan Anh
Lù Thị Vấn – bà chủ quán Cà phê Cực Bắc. Ảnh: Phan Anh
Tôi chưa được tới Hà Giang bao giờ, chỉ nghe qua lời kể. Đang ngồi lạch cạch gõ máy tính, thầy tôi gõ cửa: “Đi Lũng Cú không? Già làng, trưởng bản ở đấy là bạn của anh. Rượu ở đấy thơm và cảnh thì khỏi chê. Đi mà chụp ảnh”. Tôi đồng ý gần như ngay lập tức.
Hai ngày trước khi đi, anh bạn “thần đất”, người nhiều lần lần đi phượt Hà Giang gọi điện lo lắng: “Mắt em kém quá, không đi được. Đường đèo ở đây khó lái lắm. Nếu quyết thì đi ôtô. Nhưng phải nhớ ngồi nói chuyện với bác tài cho bác khỏi buồn ngủ”. Nghe vậy thôi tôi cũng mang máng mường tượng được cung đường mình sắp đi, trong lòng có chút lo lắng, nhưng phấn khích nhiều hơn.
Tôi đi theo đoàn ghép, và có sự chỉ dẫn của những người đi trước, nên chuyến đi được chuẩn bị khá tươm tất. 3h sáng, trên chiếc xe 16 chỗ, hành trình chinh phục địa đầu Tổ quốc chính thức bắt đầu.
1. Hà Giang mùa này đẹp. Trên những cung đường, dòng phượt thủ ùn ùn kéo về. Đến cột mốc Km số 0 – thành phố Hà Giang, mọi người hớn hở ùa xuống chụp ảnh. Quãng đường từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang bình lặng như một tờ giấy phẳng. Như sự yên lặng trước cơn giông.
Khập! Xe vướng vào thứ gì trên đường. Hành khách trong xe xô về một bên. Bác tài vội vã đảo vô lăng. Vén tấm rèm, khúc quơ này bánh xe cách vực thẳm chỉ gần 20cm. Mặt người nào người nấy tái nhợt. Nhìn xuống, cung đường chúng tôi vừa đi qua giờ thu lại chỉ bằng khe nước nhỏ. Chúng thả lỏng, ôm vào những vách núi cheo leo, mềm mại mà ràng buộc.
Khẽ đẩy cửa để cảm nhận gió trời, mùi cỏ cây xông thẳng vào khứu giác rồi lan ra toàn cơ thể. Không khí trong lành quá, con người ta cũng như sống chậm lại. Sau trận mưa từ đêm hôm trước, vài điểm đất đá sạt xuống, chắn lối đi. Không ai bảo ai, xe dừng, xe tiến, nhường nhau từng xentimét.
Gần đến thời điểm hoa tam giác mạch nở rộ, dòng người đổ về Hà Giang ngày càng đông. Có đoạn hẹp quá, lại đúng khúc cua, cả đoạn tắc dài. Bác tài lùi để nhường đường, đoàn phượt thủ nối sau thì vẫy ra hiệu: “Dừng thôi, đến vách rồi”.
Hơn một ngày chúng tôi vừa đi vừa ngắm, từ cổng trời Quản Bạ, núi đôi, nhà của Pao đến dinh thự Vua Mèo... Cảnh vật nơi đâu cũng đẹp, dừng chỗ nào cũng thấy hình như chỗ này đẹp hơn chỗ vừa đi qua. Dưới hẻm vực sâu có mấy ngôi nhà đất, có cả xe máy. Nhìn mãi chưa thấy lối lên ở đâu, bác tài cười nói: “Họ leo như thế này đến điểm đổ xăng có khi về hết là vừa”. Tôi chợt lặng người sau câu nói bâng quơ. Nếu sống ở mãi quả đồi đằng kia, xung quanh chỉ toàn đá với sỏi, làm được gì gùi đi bán có khi hết cả ngày đường. Thế thì vất vả quá!
Du khách rạng rỡ với vòng hoa tam giác mạch trên đầu. Ảnh: Phan Anh
Du khách rạng rỡ với vòng hoa tam giác mạch trên đầu. Ảnh: Phan Anh
Cái vất vả ấy, con người ở đây hình như đã quen. Có lẽ họ không coi thiên nhiên là thứ để chinh phục mà là người bạn để dựa vào mưu sinh. Điển hình là việc trẻ con ở đây đang dần “du lịch hóa”. Tôi thích chụp ảnh trẻ con, và đã đi nhiều vùng núi cao để chụp. Có khi đưa máy ảnh ra, lũ trẻ sợ co rúm người. Lại nhiều lần phải trả tiền mới cho chụp. Nhưng ở đây không thế, trẻ con thấy ống kính vẫn vô tư cười đùa. Gùi trên lưng hoa tươi, bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình, khuôn mặt lấm lem, ai muốn chụp ảnh cùng cũng cho.Vừa chụp mấy đứa vừa lí nhí như sợ người ta nghe tiếng: “Chụp ảnh được cho tiền đấy”. Bác tài kể: “Dân đây họ trồng hoa ven đường, người ta đi qua sẽ dừng xuống chụp ảnh. Như vậy là có tiền rồi”.
Đến Hà Giang thì nhiều cảnh để chụp nhưng ai đến đây rồi mà trên lịch trình chưa có Lũng Cú, ghé thăm cột cờ nơi cực Bắc của Tổ quốc thì quả là một thiếu sót. Rời dinh thự “Vua Mèo”, đi ngược lại một đoạn có đường chạy thẳng lên với Lũng Cú. Một bên là vách đá cheo leo, bên còn lại là vực sâu thăm thẳm, xe chia làm hai luồng bon chen trên cung đường nhỏ hẹp.
2. Đến được Lũng Cú thì trời nhập nhoạng tối, cảnh vật mờ mờ trong sương khói. Đến trung tâm bản Lô Lô Chải, một người đàn ông ngoài 40 tuổi chạy ra niềm nở đưa chúng tôi vào nhà.
Du khách ghé thăm ngày một đông giúp kinh tế nơi đây ngày càng phát triển hơn. Nhưng tôi bất ngờ khi nơi đây lại có một quán cà phê đẹp lung linh, có tên Cà phê Cực Bắc bên hiên một căn nhà cổ. Thấy có khách, bà Lù Thị Vấn – chủ quán vội vã bưng ấm trà mới pha ra mời. Cả đoàn chưa ăn gì nên không gọi đồ uống, định bụng ăn xong sẽ qua ủng hộ. Trả tiền ấm trà, vẫn là chất giọng chân chất núi rừng, bà Vấn thỏ thẻ: “Thôi không lấy đâu. Trà nhà em có, em mời”. Nghe đâu quán cà phê này được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của một người Nhật nhằm duy trì, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc Lô Lô đến du khách thập phương.
Nơi chúng tôi ở là một căn homestay của người Lô Lô. Kiến trúc căn homestay gần giống nhà sàn, sân và tường xung quanh được lát bằng đá. Tối rất lạnh. Ngoài sân than đỏ rực, con gà của đoàn khách nào đó đang nướng vàng ươm. Dưới lớp than vùi vài củ khoai, thơm nức mũi. Người Lô Lô tâm lý quá, thấy cả nhóm chưa được lên cột cờ dù hào hứng lắm rồi, họ sắp cho chúng tôi ngồi ăn tại địa điểm có thể ngắm cột cờ. Dọc lối lên đèn luôn bật. Cột cờ sáng rực, hiên ngang sừng sững.
Món chính tối đó là lẩu tam giác mạch. Mới biết đến hoa tam giác mạch chứ chưa nghe ai nói có thể ăn nên cả đoàn hào hứng. Ngon! Dưới tiết trời lạnh tê tái, trải nghiệm lần đầu ăn lẩu tam giác mạch thật đáng nhớ.Tam giác mạch có vị ngọt, khi ăn giòn và thơm vị núi rừng. Trưởng bản là anh Gai mang ra một hũ rượu do người Lô Lô nấu. Rượu Lô Lô ngon, người Lô Lô uống rượu giỏi và thật nhiệt tình.
Sáng sớm hôm sau, từ bãi đỗ xe giữa lưng chừng núi, chúng tôi leo qua 286 bậc đá lên độ cao 1.700m. Không khí như ngày càng loãng, mây bay xung quanh đọng trên những tán cây, ướt sũng. Cuối cùng chúng tôi đã chạm được tay vào lá cờ Tổ quốc. Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng, cảm giác rộn ràng trong lồng ngực. Từ đây nhìn xuống, sương bủa vây. Ngôi làng hôm qua chúng tôi ở mờ ảo, đưa một cánh tay là che chắn hết... Về đến Hà Nội, chị bạn đi cùng chuyến với tôi xúc động: “Hôm nay về rồi mình mới dám nói. Nghe bảo đường đi Hà Giang khó đi, nguy hiểm. Mình lại vừa rủ bạn mình, em mình, đồng nghiệp mình nên lo lắng và run từ lúc đi đến lúc về. Trước khi đi mình còn xem ngày giờ, định bảo em gái ở nhà. Đặt chân xuống Hà Nội mới tin là mọi chuyện đã suôn sẻ. Đất nước mình đẹp và hùng vĩ quá. Những trải nghiệm này cả đời không bao giờ quên”.
Khi đi chúng tôi không mang gì, khi về lại nhận được quá nhiều thứ. Hẹn Lũng Cú một dịp gần nhất tôi sẽ quay lại, lâu hơn với mảnh đất và con người nơi đây.
Phan Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...