Gia súc, gia cầm giết mổ tập trung: Chính quyền địa phương vào cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi TP. Pleiku chưa xây dựng được khu giết mổ gia súc tập trung thì tại một số huyện (Krông Pa, Ia Grai, Chư Sê, Đức Cơ), cơ sở giết mổ gia súc tập trung đã được xây dựng, đưa vào hoạt động hiệu quả. Để có được điều này một phần là bởi sự quan tâm vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương.
Giết mổ tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Được UBND huyện Krông Pa đầu tư xây dựng từ năm 2003 với kinh phí 300 triệu đồng, năm 2004, khu giết mổ gia súc tập trung tại thị trấn Phú Túc đã đi vào hoạt động và duy trì ổn định cho đến nay. Mỗi đêm có khoảng 18 hộ kinh doanh mang heo, bò đến mổ tại khu này. Việc giết mổ gia súc tập trung giúp công tác kiểm soát của lực lượng thú y được thuận lợi, qua đó góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Các hộ đến mổ gia súc đóng phí điện, nước với giá 25.000 đồng/con heo và 35.000 đồng/con bò.
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại tổ dân phố 3 (thị trấn Chư Sê) đi vào hoạt động từ năm 2012. Mỗi đêm, cơ sở này giết mổ 30-35 con heo phục vụ nhu cầu trên địa bàn huyện. Ông Bùi Ngọc Quý-quản lý cơ sở giết mổ gia súc-cho biết: Thuận lợi là hầu hết chủ heo đều hiểu biết và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giết mổ. Theo đó, họ đều đăng ký 1-2 ô để nhốt heo của mình, khoảng 5-6 giờ chiều bắt đầu đưa heo đến lò và 1-2 giờ sáng bắt đầu hoạt động giết mổ với mức thu phí 35.000 đồng/con. Thời điểm này, lực lượng thú y cũng có mặt để kiểm dịch đầy đủ trước, trong và sau khi giết mổ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo ATVSTP; kiên quyết không đưa heo bị bệnh vào đây giết mổ.        
  Huyện Krông Pa đầu tư xây dựng và vận động người dân đưa gia súc vào khu giết mổ tập trung. Ảnh: Nguyễn Diệp
Huyện Krông Pa đầu tư xây dựng và vận động người dân đưa gia súc vào khu giết mổ tập trung. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tại tổ dân phố 6 (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai), cơ sở giết mổ gia súc tập trung của ông Phạm Khắc Vĩnh cũng hoạt động khá ổn định và hiệu quả. Ông Nguyễn Đăng Giàu-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ia Grai-cho biết: Hoạt động giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, góp phần rất lớn trong đảm bảo ATVSTP. Bình quân mỗi ngày, cơ sở giết mổ tập trung cung cấp khoảng 20 con heo cho người tiêu dùng thị trấn Ia Kha và các xã lân cận. Từ thành công này, trong những năm tới, huyện chủ trương mở rộng sang khu vực các xã liền kề hình thành cụm giết mổ gia súc tập trung phục vụ nhiều xã như cụm xã Ia Yok, Ia Sao, Ia Bă với khoảng 15 con/ngày, điểm xã Ia Krai khoảng 15 con/ngày… hướng tới mục tiêu phục vụ người dân trên địa bàn huyện thực phẩm sạch đã qua kiểm dịch từ đầu vào đến đầu ra.
Chính quyền quan tâm, người dân đồng thuận
Ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Để khu giết mổ gia súc tập trung hoạt động ổn định, huyện tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ tại thị trấn Phú Túc đưa gia súc vào khu giết mổ tập trung nhằm đảm bảo các điều kiện về ATVSTP. Đến nay, tỷ lệ hộ đưa gia súc vào giết mổ tại khu này đạt khoảng 80%. Bên cạnh đó, UBND huyện không ngừng đầu tư nâng cấp, cải tạo khu giết mổ tập trung này. Năm 2015, thực hiện chuỗi giá trị liên kết nuôi bò, dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã đầu tư 1 tỷ đồng để nâng cấp xây dựng bể nước, ao, chuồng nhốt gia súc… đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu tiếng ồn tránh ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư cải tạo thường xuyên, củng cố môi trường... đảm bảo hoạt động của khu giết mổ gia súc tập trung. Trong đó, cải tạo lò đun nước sôi chuyển từ sử dụng củi sang sử dụng gas; củng cố bộ máy quản lý; tuyên truyền, vận động các hộ đưa gia súc vào khu giết mổ tập trung. Huyện cũng sẽ chỉ đạo lực lượng thú y kiểm dịch tại lò, nếu mổ ở ngoài thì không kiểm dịch và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không đưa vào khu giết mổ tập trung”-ông Khanh cho biết thêm.
Sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương cũng góp phần rất lớn giúp cơ sở giết mổ gia súc tập trung của ông Phạm Khắc Vĩnh hoạt động ổn định. Ông Vĩnh cho biết: “Năm 2011, gia đình đã đầu tư 700 triệu đồng xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Năm 2012, cơ sở đi vào hoạt động, có 18 hộ thường xuyên đưa heo vào giết mổ. Hiện nay, mỗi đêm, cơ sở giết mổ khoảng 20 con heo. Mỗi con heo sau khi giết mổ thu phí 30.000 đồng tiền điện, nước, vệ sinh”.
“Trong quá trình xây dựng và thực hiện giết mổ gia súc tập trung, thuận lợi lớn là chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt pháp lý, cơ quan chuyên môn cử người kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ 24/24 giờ đã kiểm soát được đầu vào đến đầu ra sản phẩm, góp phần đảm bảo ATVSTP. Mong muốn lớn nhất của tôi là các hộ kinh doanh nên đưa heo vào lò giết mổ tập trung để kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, đảm bảo sản phẩm thịt có nguồn gốc rõ ràng, không lo vấn đề ATVSTP. Gia đình cũng mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đầu tư nâng cấp mở rộng thêm cơ sở đảm bảo lò mổ hoạt động hiệu quả, góp phần phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện”-ông Phạm Khắc Vĩnh nêu nguyện vọng.
Như Ý - Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.