Anh hùng Wừu trong trái tim đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Mọi người đừng sợ, tôi không bao giờ đầu hàng, không phản bội nhân dân, không làm hại dân làng. Đồng bào hãy đoàn kết đứng lên đấu tranh”-nhắc lại lời nói của Anh hùng Wừu trước đòn roi tra tấn của kẻ thù, giọng ông Lê Chí Quyết-nguyên Bí thư huyện 3 (huyện Đak Đoa ngày nay) như nghẹn lại. Với ông Quyết, từng hành động, lời nói của Anh hùng Wừu vẫn in sâu trong trái tim ông.
Ký ức không thể nào quên
Mặc dù đã bước sang tuổi 91 nhưng ông Lê Chí Quyết vẫn lặn lội đường xa để tham dự lễ kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Đak Đoa và đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Khu lưu niệm Anh hùng Wừu tại xã Đak Sơ Mei. Bởi với ông, đây không chỉ là một buổi lễ thông thường mà có thể là lần cuối cùng ông được về thăm lại quê hương của liệt sĩ Wừu, người đồng chí, đồng đội mà ông vô cùng cảm phục. Trên hàng ghế đại biểu, ông Quyết nắm chặt tay bà Kit, con gái út của Anh hùng Wừu trong niềm rưng rưng xúc động.  
Ông Lê Chí Quyết-nguyên Bí thư huyện 3 (nay là huyện Đak Đoa) cùng bà Kit-con gái út của anh hùng Wừu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Ông Lê Chí Quyết-nguyên Bí thư huyện 3 (nay là huyện Đak Đoa) cùng bà Kit-con gái út của anh hùng Wừu. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Phát biểu trước đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Đak Đoa, ông Quyết giọng đầy hào sảng kể về bok Wừu. Lúc bấy giờ, ông Quyết là Trung đội trưởng Trung đội 1 (Đại đội 1) thực hiện đấu tranh du kích, hỗ trợ lực lượng vũ trang tiếp cận nhân dân ở vùng phía Nam Đak Đoa. Còn bok Wừu được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Nam Đak Đoa kiêm Xã đội trưởng. Vì vậy, trong 2 lần bok Wừu bị bắt, ông Quyết đều chứng kiến. Từng lời nói, từng hành động thể hiện ý chí, sự kiên gan, dũng cảm và mưu trí của bok Wừu vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông.
Ông Quyết kể, cuối năm 1950, bok Wừu vừa được kết nạp vào Đảng được vài tháng thì bị giặc vây bắt. Lần đầu tiên, trên đường bị áp giải lên Kon Tum, ngang qua ngã ba Trà Huỳnh, xe đi chậm lại. Lúc ấy, bok Wừu đã nhanh trí nhảy vọt xuống xe, chạy nhanh vào rừng, thoát khỏi sự truy đuổi của địch trong gang tấc và trở về làng. Biết là địch sẽ nhanh chóng về làng tìm kiếm, đàn áp nhân dân, bok Wừu bí mật tập hợp dân làng để bàn việc tác chiến. Nhưng không may cuộc họp bị kẻ gian khai báo, giặc lại ập đến bắt ông lần nữa. Sau khi bị áp giải lên Kon Tum, bok Wừu tiếp tục bị địch đưa về làng để tra hỏi. Mặc cho đòn roi tra tấn hết sức dã man nhưng địch không khai thác được gì ngoài những câu nói dõng dạc của người cán bộ cách mạng kiên trung: “Mọi người đừng sợ, tôi không bao giờ đầu hàng, không phản bội nhân dân, không làm hại dân làng. Đồng bào hãy đoàn kết đứng lên đấu tranh. Thà chết chứ không bao giờ đầu hàng”. Không chỉ vậy, bok Wừu còn mưu trí lừa dẫn quân địch đi tìm cách mạng. Trên đường đi, ông lại tiếp tục trốn thoát dưới làn đạn bỏng rát. Cho đến lần thứ 3 bok Wừu bị bắt...
Kể đến đây, giọng ông Quyết nghẹn lại, những giọt nước mắt lăn dài. Giữa năm 1952, bok Wừu trên đường đi họp chi bộ về thì bị địch phục bắt. Ông lại lần nữa chết đi sống lại dưới những đòn tra tấn nặng nề, dã man của quân giặc, khắp người đâu cũng vết thương. Duy chỉ có ý chí, quyết tâm bảo vệ cách mạng, quyết tâm đánh giặc vẫn trước sau như một. Trước dân làng, giặc tàn bạo cắt tai, chặt 10 đầu ngón tay của bok để thị uy, đe dọa, hòng moi thông tin. Thế nhưng, cho dù ngã lên ngã xuống, bok Wừu vẫn hiên ngang đứng dậy, không một lời hé răng khai báo tổ chức. Ông Quyết nghẹn ngào kể: “Biết mình không thể thoát chết, bok lập mưu đánh lừa để tiêu diệt địch. Bok nói dẫn địch đi đánh Kam Krin-làng chiến đấu của cách mạng được bố phòng dày đặc bẫy, hầm chông nằm ở lưng chừng núi. Khi đến khu vực này, bok mới nói nhỏ với tên chỉ huy là đến nơi rồi, phải dàn hàng ngang tấn công thì mới bắt được hết Việt Minh. Quân địch nghe theo liền lập tức bị sập bẫy. Sa vào mang cung, bẫy chông, giặc kêu khóc vang trời, càng hoảng loạn thì càng lún sâu vào trận địa mai phục của ta. Bok Wừu lúc này hét to: “Chúng bay phải chết! Chúng bay phải đền tội!”. Một làn đạn tức tối xối xả và bok Wừu đã anh dũng ngã xuống ngay trên mảnh đất quê hương.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống 
Giao lưu cồng chiêng tại lễ đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh “Khu lưu niệm Anh hùng Wừu”. Ảnh: P.L
Giao lưu cồng chiêng tại lễ đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh “Khu lưu niệm Anh hùng Wừu”. Ảnh: P.L
Trở lại Đak Sơ Mei lần này, ông Quyết vô cùng vui mừng khi thấy Khu lưu niệm Anh hùng Wừu đã nên hình hài dù chưa hoàn thiện. Ông thắp nén hương trước anh linh của người đồng chí, người bạn chiến đấu đã từng cùng ông trải lá giữa rừng, hàn huyên chuyện gia đình hay bàn kế đánh giặc. “Tôi năm nay đã 91 tuổi rồi, chắc còn sống không được bao lâu nữa. Không biết sau khi hoàn thành Khu lưu niệm Anh hùng Wừu, tôi có còn được đến thắp hương cho bok Wừu nữa hay không… Nhưng cho đến lúc về với tổ tiên, người liệt sĩ, người đồng chí, người bạn chiến đấu và hy sinh anh dũng ấy mãi mãi không phai mờ trong tâm khảm của tôi”-ông Quyết tâm sự.
Việc xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Wừu không chỉ là niềm mong mỏi của riêng cá nhân ông Quyết mà còn là của đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân xã Đak Sơ Mei. Vừa qua, Khu lưu niệm đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để khu lưu niệm được nâng tầm đúng với giá trị lịch sử, đồng thời là cơ hội để nhận được sự quan tâm đầu tư xây dựng. Khu lưu niệm hình thành còn góp thêm một “địa chỉ đỏ” trong hành trình tìm về nguồn cội cách mạng cho lớp lớp thế hệ sau này. Bok Núp, bok Wừu và nhiều anh hùng dũng sĩ khác đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên, được lưu danh bằng những công trình, tác phẩm chân thật và sinh động, trường tồn với thời gian. Già Đinh Nhíp (làng Đê Tul, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) tâm sự: “Mình rất vui khi Khu lưu niệm Anh hùng Wừu được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhân dân trong làng, trong xã có nơi để thăm viếng, hương khói, giáo dục cháu con và cũng là nơi phục vụ khách tham quan, du lịch, tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương”.

Ông Hoàng Nhưn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa: “Khu lưu niệm Anh hùng Wừu là nơi trưng bày, giới thiệu về truyền thống vẻ vang hơn 68 năm qua của Đảng bộ và nhân dân huyện Đak Đoa; là địa điểm sinh hoạt văn hóa và các hoạt động cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện. Từ năm 2015 đến tháng 10-2018, huyện đã sưu tầm được 152 hiện vật. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục sưu tầm các hiện vật, tranh ảnh, tư liệu nhằm làm phong phú thêm Khu lưu niệm anh hùng Wừu, phát huy giá trị của di tích”.

Phương Linh
----------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.