Theo dòng Pô Kô-Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Krông Pô Kô, Đak Pô Kô… đều là những cách gọi khác nhau của sông Pô Kô-con sông dài nhất ở Bắc Tây Nguyên (có tư liệu viết sông dài 320 km) chảy xuyên từ Bắc Kon Tum sang Tây Gia Lai.
Các tư liệu cũng cho biết: Bắt đầu từ điểm sông Pô Kô hợp lưu với dòng Đak Bla trở đi thì sông có tên gọi Sê San. Tuy nhiên, trong nhiều tư liệu và theo thói quen của dân thì chỗ gọi Sê San, nơi gọi Pô Kô. Sự “lẫn lộn” này còn phổ biến đến nay.
  Dòng Pô Kô-đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Ảnh: PHƯƠNG LINH
Dòng Pô Kô-đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Ảnh: P.L
Gọi là Pô Kô, sách “Rừng người Thượng” viết: “Sông Pekô phát nguyên từ vùng núi dày mạn Tây Quảng Ngãi và chảy theo hướng Bắc-Nam (…), sau chỗ hợp lưu của sông Bla với sông Pekô, con sông có tên là Kr. Pekô, hay Kr. Jal…”.
Gọi là Sê San, sách “Cao nguyên miền Thượng” viết: “Sông Dak Pôko phát nguyên từ vùng núi Tây Bắc… địa đầu ranh giới Quảng Tín-Kon Tum, chảy xuống hướng Nam (…) khi đến địa điểm dinh điền Plei Krong… thì họp với sông Dakbla từ phía Đông chảy sang, thành sông Ya Boolah, hay là sông Sésan…”.
Phải chăng có sự “nhập nhằng” này là vì trên thực địa (và được thể hiện trên bản đồ) sông Đak Bla chỉ là nhánh giao bên tả ngạn Pô Kô, trong khi Pô Kô vẫn một dòng chảy “thẳng băng” tiếp với phần sau chỗ hợp lưu ấy? Nghĩa là chỉ thấy một con sông chảy dài liền mạch nên vẫn được tiếp tục gọi Pô Kô?
Ráp nối và đối chiếu các nguồn tư liệu, ta thấy: Sông Pô Kô phát nguyên từ khu vực quần sơn Ngọc Linh, chảy dọc dài suốt mạn Tây khu vực Bắc Tây Nguyên, rồi đổ sang lãnh thổ Campuchia. Riêng từ đoạn hợp lưu với sông Đak Bla về sau, ngoài tên Pô Kô, sông còn có tên gọi khác là Sê San.
Ngày nay, đoạn kế liền sau điểm hợp lưu với sông Đak Bla đã thành lòng hồ Thủy điện Ia Ly. Từ Nhà máy Thủy điện Ia Ly trở đi, Pô Kô (Sê San) chảy giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum làm ranh giới, qua các huyện Chư Pah và Ia Grai của Gia Lai phía tả ngạn, qua các huyện Sa Thầy và Ia HDrai của Kon Tum phía hữu ngạn. Bờ phía Gia Lai đất đỏ bazan (trên nền đá huyền vũ), bờ phía Kon Tum đất nâu xám (trên nền đá granite, đá phiến ma). Trên dòng chảy của mình, Pô Kô (Sê San) đang “sở hữu” mấy lòng hồ thủy điện mênh mang sông nước giữa ngàn xanh đẹp như tranh thủy mặc, tạo nên một hệ sinh cảnh tuyệt vời giữa thiên nhiên kỳ vĩ.
Pô Kô là nhánh sông rừng, lòng sông không rộng lắm, luồn lách giữa các hóc hẻm núi đồi nên có nhiều ghềnh thác (trong đó có thác Ia Ly nổi tiếng một thời, nay đã nhường chỗ cho công trình thủy điện); cuồng lũ vào mùa mưa và nhiều đoạn trơ đá vào mùa khô. Sông mang đến nhiều lợi ích cho cư dân sinh sống dọc dài theo lưu vực với nguồn thủy sản phong phú, nhưng không mang lại khả năng khai thác đường thủy theo chiều dọc, chỉ có những bến ngầm hoặc bến đò ngang của bà con các dân tộc tại chỗ qua lại; có nơi bà con bắc những chiếc cầu treo thủ công chênh vênh lắt lẻo.
Pô Kô là nhánh sông rừng, lòng sông không rộng lắm, luồn lách giữa các hóc hẻm núi đồi nên có nhiều ghềnh thác
Pô Kô là nhánh sông rừng, lòng sông không rộng lắm, luồn lách giữa các hóc hẻm núi đồi nên có nhiều ghềnh thác. Ảnh: P.L
Sông Pô Kô (Sê San) sau khi qua cầu Sê San (tại Km 106-107 quốc lộ 14C, dưới chân đập Thủy điện Sê San 4) chừng mấy cây số thì hợp lưu với sông Sa Thầy từ phía trên chảy xuống, tiếp tục gọi là Pô Kô hoặc “sông biên giới” (thực tế thì sông Sa Thầy sau khi chảy qua cầu Trường Thanh (huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum), trước khi hợp lưu với Pô Kô, đã thành con sông biên giới chảy giữa lãnh thổ Việt Nam bên tả ngạn và lãnh thổ Campuchia bên hữu ngạn rồi). Từ điểm hợp lưu này, sông Pô Kô tiếp tục làm đường biên giới giữa nước ta và nước bạn; đến khoảng địa phận huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) thì sang hẳn Campuchia, đổ vào Mê Kông.
Sự “quan hệ mật thiết” giữa 2 con sông Pô Kô và Sa Thầy trong kháng chiến được các cán bộ, tướng lĩnh chủ chốt của Mặt trận Tây Nguyên viết lại rất rõ trong hồi ký. Hồi ký “Thời sôi động” của Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1964-1966), viết: “... chúng tôi chọn Sa Thầy mở chiến dịch mùa khô năm 1966. Sông Sa Thầy chảy từ Bắc Kon Tum vào Nam Gia Lai. Phía Đông sông Sa Thầy là sông Pô Kô (...). Trên bờ Đông sông Pô Kô, địch thiết lập Đồn Biên phòng Plei Gi-răng cách biên giới Việt Nam-Campuchia 20 km…”.
Hồi ký “Chiến đấu ở Tây Nguyên” của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1966-1974) viết: “Chiến dịch Sa Thầy 2 nổ súng giành thắng lợi giòn giã (...) địch buộc phải rút khỏi phía Tây sông Sa Thầy, sau đó rút cả phía Đông, và sang bờ bên kia sông Pô Kô...”.
Sách “Tây Nguyên ngày ấy” của Giáo sư-bác sĩ Lê Cao Đài, nguyên Viện trưởng Viện 211 thời đánh Mỹ, cũng viết: “Một đơn vị nhỏ chọc vào vị trí tiền tiêu của Mỹ trên bờ Tây sông Pô Kô. Chúng im lặng mấy hôm... Lại chọc lần thứ 2. Một đại đội Mỹ nhảy xuống bờ Đông sông Pô Kô (...). Cú chọc thứ 2 chúng nhảy tiếp xuống tới bờ Tây sông Sa Thầy (...). Ngọn đồi bên bờ Đông sông Sa Thầy đang lặng yên, bỗng rung lên vì bom đạn...”.
Dù với cách gọi nào đi nữa thì Pô Kô vẫn là con sông rừng lặng lẽ ghi lưu bao kỳ tích oai hùng và gian khổ của các thế hệ cha anh ngày trước, góp phần phát triển dân sinh, giữ vững chủ quyền đất nước ngày nay, cụ thể là cả khu vực dọc dài biên giới Bắc Tây Nguyên.
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.