Làng chằm "áo giáp lá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để giúp người dân chống chọi trước thời tiết khắc nghiệt, từ bao đời qua, một sản phẩm rất đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo đã ra đời, nó được ví như chiếc “áo giáp lá”.
Một ngày giữa tháng 8, một người quen ở TPHCM ra miền Trung công tác, gọi điện thoại nhờ tôi tìm giúp một chiếc áo tơi ở Hà Tĩnh. Áo tơi ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sản xuất nhiều, nhưng đặc biệt nổi tiếng khắp cả nước là áo tơi làm tại thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc. Tôi phi xe máy ra tận thôn Yên Lạc (cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 30-35km) để mua áo tơi. Cứ nghĩ rằng ra đây sẽ có nhiều áo tơi, tuy nhiên khi ra đến nơi, hỏi người dân thì được biết, thời điểm này không phải chính vụ nên người chằm áo tơi ở Yên Lạc vào đã tạm nghỉ chằm áo chuyển sang làm công việc khác. Nếu muốn có áo tơi Yên Lạc phải đặt trước…
Sản xuất áo tơi đã giúp người dân Yên Lạc nâng cao thu nhập
Sản xuất áo tơi đã giúp người dân Yên Lạc nâng cao thu nhập
Nghề lắm công phu
Thôn Yên Lạc được xem là “cái nôi” của nghề thủ công chằm (đan, may) áo tơi nổi tiếng nhất ở Hà Tĩnh. Đến nay, mặc dù không ai biết chính xác nghề này có từ bao giờ, nhưng các thế hệ người dân ở đây đều có ý thức kế thừa, bảo tồn, phát triển nét hồn quê dân dã riêng của mình. Cũng nghề này đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo nông thôn mới của xã.
Công việc chằm áo tơi ở thôn cao điểm từ tháng 2 đến tháng 6 (âm lịch). Vì “trái vụ” nên tôi đã nhờ chị Nguyễn Thị Hằng (40 tuổi, người dân ở thôn) đặt người quen chằm giúp mấy chiếc áo tơi. Quay lại vào hôm sau, tôi nhận 3 chiếc áo tơi (mỗi chiếc 60.000 đồng) và tôi đã gửi bằng đường bưu điện vào cho người quen. Nhận được áo, người quen của tôi tấm tắc khen, áo rất đẹp, chắc chắn!
Quang Lộc nói riêng, Hà Tĩnh nói chung, được coi là mảnh đất “chảo lửa, túi mưa”, “mưa úng đất, nắng nẻ trời”. Mùa hè nắng nóng cháy da, mùa đông rét thấu xương thịt. Để giúp người dân chống chọi trước thời tiết khắc nghiệt ấy, từ bao đời qua, một sản phẩm rất đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo đã ra đời, nó được ví như chiếc “áo giáp lá” - đó chính là áo tơi. Hiện nay, dù đã có nhiều vật dụng dần thay thế chức năng của áo tơi, nhưng người dân nhiều nơi vẫn sử dụng áo tơi như “vật hộ thể” trên đồng ruộng, nhất là những ngày nắng nóng. 
Trải qua bao thăng trầm và biến động, nhưng tại làng quê Yên Lạc, các thế hệ người dân vẫn đang truyền nghề chằm áo tơi, vừa để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vừa gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại. Ông Nguyễn Văn Thích (81 tuổi) ở thôn Yên Lạc, cho biết: “Nghề chằm áo tơi ở Yên Lạc ra đời ít nhất cũng đã hơn 300 năm. Trước đây, người dân trong thôn lớn lên đều biết chằm áo tơi, người người chằm áo, nhà nhà chằm áo. Ngày nay, tuy số người làm nghề giảm hơn, nhưng nghề này vẫn luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát triển nguyên vẹn. Mỗi mùa, có hộ chằm được 250 - 300 áo tơi. Cái hay của nghề là khá đơn giản, nhẹ nhàng, không nhất thiết đòi hỏi phải có vốn nhiều, nên từ đứa trẻ con 8-9 tuổi, cho đến những người già cũng đều có thể tự làm kiếm tiền...”.
Theo ông Thích, trước đây ở làng Yên Lạc có 2 mùa chằm áo tơi là mùa nắng và mùa mưa. Mùa nắng chằm áo tơi hoàn toàn bằng lá tơi để che nắng nóng, giảm mồ hôi khi đi ngoài đường hoặc khi làm ngoài đồng; mùa mưa, chằm áo tơi bằng lá tơi kết hợp với lá cọ giúp giữ ấm hơn. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân không còn chằm áo tơi mùa mưa nữa, thay vào đó, chỉ chằm áo tơi mùa nắng bằng lá tơi. 
Nói về quy trình làm áo tơi, người dân ở Yên Lạc chia sẻ, tuy chiếc áo tơi có cấu tạo khá đơn giản, nghề làm áo tơi không kỳ công như nghề làm nón, nhưng để chằm được hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi có sự kiên trì, chịu khó, tỉ mỉ, khéo léo của người làm nghề. Ngay từ tờ mờ sáng, người dân Yên Lạc đã chuẩn bị cơm đùm, mắm muối rồi lên vùng rừng rúi hẻo lánh ở huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang (cách thôn khoảng 50-60km) để lấy lá tơi. Quá trình đi rừng lấy lá mất 2-3 ngày. Lá tơi được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những chiếc lá lành nhất, vừa đủ độ (không quá già mà cũng không quá non). Sau khi tuyển chọn lá xong, phải đem hơ sấy trên lửa cho khô. Sau đó, cuộn lá lại thành bó, đem về nhà phơi nắng cho đến lúc lá khô, chuyển màu trắng đều; tiếp đó lại đưa ra phơi dưới sương đêm để cho lá nở xòe ra, dai hơn, bền hơn. 
“Trong tất cả các công đoạn cấu thành chiếc áo tơi, thì hơ sấy lá trên lửa và phơi nắng, phơi sương là khâu chiếm nhiều thời gian nhất. Lá tơi có được hơ sấy đúng độ và phơi đủ nắng mới bền và có màu vàng nhẹ - trắng pha nâu đẹp mắt. Ngoài ra, lá tơi còn phải được phơi dưới sương đêm để khi vuốt, xếp và khâu mới không bị quăn, không bị mục hỏng”, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ. Để có một chiếc áo tơi đẹp mà bền chặt, lớp lá tơi già được đặt ngoài cùng, bên trong lót thêm nhiều lớp lá nữa. Chiếc áo tơi hoàn chỉnh sau khi bẻ cổ trên cho khum lại, buộc dây thừng cố định với độ rộng đủ choàng qua đầu người. 
Ông Nguyễn Văn Thích cho biết, bình quân người làm giỏi, nhanh thì mỗi ngày sẽ chằm được khoảng 5-10 áo tơi, còn người làm bình thường khoảng 3-4 áo tơi. Mỗi chiếc áo tơi có lớp ngoài và lớp trong, chiều dài, rộng trên cổ áo tơi khoảng 80cm, phần dưới rộng khoảng 95cm. Tuy nhiên, ngày nay nhiều khách hàng có sở thích riêng khi đến làng đặt chằm áo tơi theo kích cỡ dài 1m, rộng 80cm hoặc dài 1m, rộng 90cm… 
Áo tơi của người dân làng Yên Lạc đã trở thành thương hiệu
Áo tơi của người dân làng Yên Lạc đã trở thành thương hiệu
Trăn trở với làng nghề
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Khoa (61 tuổi, trưởng thôn Yên Lạc) cho biết, từ bao đời nay cuộc sống của người dân Yên Lạc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trên diện tích hơn 35ha và làm nghề chằm áo tơi truyền thống. Hiện toàn thôn có 194 hộ dân với khoảng 750 nhân khẩu. Trước đây, có 100% hộ dân trong thôn đều làm nghề chằm áo tơi và chằm quanh năm suốt tháng. Nhiều dòng họ, hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng truyền nhau chằm áo tơi. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ còn gần 100 hộ vẫn tiếp tục gắn bó với nghề chằm áo tơi và chỉ chằm vào mùa nắng, bỏ chằm mùa mưa.
Theo ông Khoa, mấy năm nay do thời tiết ở Bắc Trung bộ nắng nóng gay gắt kéo dài, cộng với gió Lào thổi nóng rát từ sáng đến tối, nên sản phẩm áo tơi do người dân Yên Lạc sản xuất ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết. Áo tơi Yên Lạc đã tạo được thương hiệu nổi tiếng nhất vùng, vừa đẹp về hình thức, vừa bền. Chính vì vậy, “tiếng lành đồn xa” không chỉ có người dân ở huyện Can Lộc, mà người dân nhiều địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh, thậm chí ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội… cũng tìm về đây đặt mua áo tơi. Chỉ tính từ cuối tháng 2 đến tháng 6-2018 vừa rồi, toàn thôn đã sản xuất ra hàng ngàn chiếc áo tơi, với giá bình quân là 60.000 đồng/áo, ước tính cho tổng thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng. Ở thôn hộ thu nhập cao nhất là hơn 20 triệu đồng/mùa, hộ thu nhập thấp cũng 5-10 triệu đồng.
So với trồng lúa, thì nghề chằm áo tơi mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần, cuộc sống của người dân nhờ đó cũng được cải thiện, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo chu đáo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Ngày nay cũng gặp không ít khó khăn vì trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại vật dụng mới nên sản phẩm áo tơi sản xuất và tiêu thụ có phần giảm hơn. Trước đây, ở Yên Lạc còn có nghề bện dây thừng nổi tiếng khắp vùng, nhưng khi máy móc sản xuất hiện đại ra đời, khiến nghề này bị mai một thất truyền. Nay chỉ còn lại nghề chằm áo tơi này nên người dân chúng tôi đang lo lắng phải làm sao để tiếp tục truyền nghề, giữ nghề, bảo tồn, phát triển cho tương lai con cháu sau này. Vì nó không chỉ mang lại thu nhập về kinh tế mà còn là hồn cốt của làng quê nông thôn,  ông Khoa trăn trở.
Ông Đặng Hồng Kiệm, Chủ tịch UBND xã Quang Lộc, cho biết: “Trước đây, trên rừng Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, lá tơi, dây mây tự nhiên dồi dào, nhưng nay đất rừng được chuyển sang giao khoán để trồng các loại cây khác và dần phá bỏ lá tơi, dây mây tự nhiên nên ngày càng khan hiếm dần. Nay người dân Yên Lạc thậm chí còn phải đi sang tận bên Lào để lấy lá tơi, còn ở địa phương lâu nay không có lá tơi và cũng không thể khôi phục được, nên về lâu dài, để giữ gìn được làng nghề truyền thống chằm áo tơi này cũng là một vấn đề khó khăn…”.
Dương Quang (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.