Khát vọng tỏa sáng tài năng:Quái kiệt Nguyễn Thế Vinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ là quái kiệt đàn guitar, nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh còn là một gương nhà giáo hết lòng với trẻ mồ côi và khuyết tật

Từ 2 năm nay, nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh trở nên quen thuộc khán giả trên các sân khấu ca nhạc với hình ảnh vừa đánh đàn guitar vừa thổi kèn harmonica. Nhưng phía sau ánh đèn sân khấu là hình ảnh thầy giáo Vinh rong ruổi khắp nơi biểu diễn để kiếm tiền nuôi dưỡng, dạy học cho trẻ bất hạnh tại cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (số 572, tổ 18, khu phố 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Nghị lực phi thường

Cuộc đời Nguyễn Thế Vinh là một mảnh ghép nhiều mất mát. Ông sinh năm 1970, tại một làng quê nghèo ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Năm ông lên 4 tuổi thì cha mất do chiến tranh. Ba năm sau, mẹ ông qua đời vì bệnh tật, phải sống nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại. Năm lên 9 tuổi, trong một lần đi chăn bò, ông không may bị té từ lưng bò xuống gãy tay trái, phải cắt bỏ. "Nhìn bạn bè lành lặn đến trường, tôi cảm nhận nỗi mất mát, đau đớn vì thể xác không lành lặn của một đứa trẻ. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi, tôi cố gắng sống, cố gắng học hành, vượt qua mặc cảm bản thân" - ông nhớ lại.

Câu hỏi nhiều người đặt ra là làm thế nào mà ông chơi được đàn và cơ duyên nào trở thành nghệ sĩ?

Ông kể 3 năm sau khi mất cánh tay thì người cậu ruột ở tù về. Những đêm trăng sáng, người cậu thường ôm đàn guitar hát cho trẻ em nghe. "Tôi mê đàn từ đó. Đầu tiên, tôi lấy dây thun cột que nhang vào chỗ bị cụt rồi gảy đàn nhưng không được. Tôi kẹp thử phím vào chân phải rồi bấm tay trái, gảy bằng chân trái cũng không xong. Mất 3 năm sau, lúc học lớp 9, tôi mới nghĩ ra cách bấm một ngón tay và gảy bằng những ngón còn lại. Lúc đầu bấm từng giai điệu đơn lẻ rồi sang hợp âm... Sau nhiều năm khổ luyện, tôi mới chơi đàn như người bình thường" - ông thổ lộ. Còn việc sử dụng harmonica kết hợp với đàn guitar, ông bảo tập tành từ lúc vào học đại học ở TP HCM. Đến Năm 1992, khi đang học đại học năm thứ 3, ông mới chơi thuần thục.


 

 Quái kiệt Nguyễn Thế Vinh thường xuyên đi nước ngoài biểu diễn để có tiền lo cho cơ sở Hướng Dương
Quái kiệt Nguyễn Thế Vinh thường xuyên đi nước ngoài biểu diễn để có tiền lo cho cơ sở Hướng Dương
 trong một lần biểu diễn ở chương trình
trong một lần biểu diễn ở chương trình "Người bí ẩn" (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Nói về cơ duyên trở thành nghệ sĩ, ông bật mí: "Cuối năm 2014, sau một buổi nhậu với bạn bè ở quê vào Sài Gòn, lúc về đi ngang qua một quán nhạc sống, vì có chút rượu trong người nên tôi "dũng cảm" vào xin đàn thử bản "Diễm xưa". Tôi không ngờ được nhiều người vỗ tay, dành cho nhiều tình cảm. Thế là hôm sau tôi quay lại xin biểu diễn. Cũng nhờ chủ quán có quen nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nên giới thiệu rồi sau đó nhạc sĩ dẫn tôi đến gặp ca sĩ Ánh Tuyết… Mình không nghĩ có ngày được lên sân khấu. Cơ duyên chắc cũng nhờ cái lần uống rượu, liều mạng xin đàn thử".

Cho đến nay, tên tuổi của nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh đã không còn xa lạ trong các hoạt động ca nhạc. Ông thích diễn tấu những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như "Cát bụi", "Diễm xưa", "Biển nhớ"... Những bản nhạc tài hoa của Trịnh Công sơn trở thành những dòng chảy mượt mà qua 5 ngón tay của quái kiệt này. Nghe ông biểu diễn, ai cũng hiểu trong tiếng đàn ấy, ngoài năng khiếu, ngoài sự kiên trì còn là một chiều sâu trong tâm hồn của người nghệ sĩ.

"Ông giáo làng trên tầng gác mái"

Đó là tên cuốn tự truyện xuất bản năm 2017 và cũng là cuộc đời thứ hai của Nguyễn Thế Vinh, một gương nhà giáo hết lòng với trẻ mồ côi và khuyết tật. Những việc làm của ông như bù đắp một phần mất mát của một đứa trẻ mồ côi, một cậu bé chăn bò mất đi cánh tay.

Ông cho biết năm 2006, ông lên Bình Dương, xin làm giáo viên dạy kèm các môn toán, lý, hóa. Ba năm dạy học ở đây, ông gặp nhiều học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn nhưng chí thú học hành. Thế là ông đi vận động bạn bè chung tay mở trường nhằm giúp đỡ họ. "Rất may mắn là năm 2009, tôi vận động 836 triệu đồng để xây trường. Kết quả là cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương ra đời từ tháng 9-2010 đến nay. "Chỉ sau 5 năm hoạt động, cơ sở đã nuôi dưỡng và đào tạo được 101 trẻ mồ côi và khuyết tật. Trong đó, đến nay có 70 em vào đại học và trong số này có 23 em sang Nhật, 1 em sang Mỹ" - ông khoe.

Hiện tại, cơ sở đang nuôi dưỡng và dạy học cho 47 học viên, chia đều cho các cấp I, II, III. Ngoài trực tiếp đứng lớp, ông còn vận động thêm 6 giáo viên khác tham gia. Để duy trì cơ sở, ông phải "chạy sô" nhiều hơn, thực hiện những chuyến biểu diễn ở nước ngoài, kết hợp xin tài trợ.

Nhiều người bảo nhắc đến quái kiệt Nguyễn Thế Vinh là nhắc đến mái nhà Hướng Dương mà ông dành trọn tâm huyết để thay đổi cuộc đời cho trẻ bất hạnh. Những ngày này, ông vẫn đứng trên bục giảng, tận tụy với từng con chữ trong dáng hình bé nhỏ của mình. Thẳm sâu trong ánh nhìn của người nghệ sĩ, người thầy đáng kính này là một trái tim bao la cùng với những khát vọng về cánh cửa tương lai rộng mở cho trẻ mồ côi, khuyết tật. "Đời tôi mồ côi, vất vả rồi, chỉ mong các em có cuộc sống tốt đẹp hơn mình" - ông Vinh bày tỏ.

Nói về những dự tính cho mái ấm Hướng Dương, ông bảo: "Tôi ước có thể dạy học trò của mình chơi nhạc nữa. Tôi ôm ấp giấc mơ này bao năm rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Có lẽ sang năm, tôi sẽ tìm được người song hành cùng mình".

Ca sĩ Ánh Tuyết nhận xét: "Ở Nguyễn Thế Vinh có một điều rất hay là Vinh không bao giờ chứng tỏ bất cứ điều gì. Cứ an nhiên, nhẹ nhàng, rất giản dị, ôn hòa, sống tình cảm. Đó là một nghệ sĩ được yêu mến bởi tài năng, bởi tính cách và bởi tấm lòng yêu thương con người".


Thùy Trang (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.