Khát vọng tỏa sáng tài năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong cuộc sống quanh ta có những con người tài nghệ xuất chúng nhưng ít người biết tới. Họ là những quái kiệt, những ngôi sao ẩn mình giữa đời thường âm thầm cống hiến tài năng cho đời

Từ trước đến nay, ở Việt Nam chỉ có 3 người chuyên nghiên cứu nghệ thuật đàn môi. Hai trong số đó chắc hẳn nhiều người biết, đó là cố giáo sư Trần Văn Khê và con trai trưởng của ông là GS-TS Trần Quang Hải (đang định cư ở Pháp). Người còn lại chẳng phải giáo sư, tiến sĩ, hay nghệ sĩ gì cả, mà chỉ là một anh chàng ít người biết tên tuổi Đặng Văn Khai Nguyên.

Truyền nhân của "vua đàn môi"

Điều thú vị là vì ngưỡng mộ "vua đàn môi" Trần Quang Hải, chàng trai này bỏ ra chục năm trời chỉ để… tập chơi và trở thành "người chơi được nhiều loại đàn môi nhất", như ghi nhận của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.

 

Đặng Văn Khai Nguyên cùng với người thầy, GS-TS Trần Quang Hải
Đặng Văn Khai Nguyên cùng với người thầy, GS-TS Trần Quang Hải



Khai Nguyên kể lại: "Cơ duyên đến với đàn môi của tôi rất tình cờ. Khoảng 10 năm trước, tôi có xem một chương trình văn hóa nghệ thuật trên đài truyền hình, có giới thiệu GS-TS Trần Quang Hải từ Pháp về Việt Nam biểu diễn nghệ thuật đàn môi và gõ muỗng. Tôi rất ấn tượng những loại hình âm nhạc dân tộc mới lạ của vị giáo sư này và tìm mua 2 cây đàn môi H’mông để tập chơi. Thời gian ngắn sau đó, tôi được GS Hải nhận làm học trò. Từ đó đến nay, cũng được 8 năm…".

 

Khai Nguyên trong một tiết mục biểu diễn đàn môi
Khai Nguyên trong một tiết mục biểu diễn đàn môi



Năm 2012, lúc ngoài 22 tuổi, Nguyên được GS Trần Quang Hải giới thiệu và gia nhập Hiệp hội Đàn môi quốc tế. Từ đây, một cánh cửa rộng được mở ra để chàng trai trẻ giới thiệu tiếng đàn môi Việt đến với thế giới. Càng nghiên cứu sâu, Nguyên nhận thấy mỗi cây đàn môi là đại diện tiêu biểu cho văn hóa, lối sống và tín ngưỡng của một vùng đất. Tiếng đàn môi ngân nga bên bờ rào đá trên vùng núi cao Tây Bắc của Việt Nam chắp cánh cho tình yêu lứa đôi. Tiếng đàn môi lại được nông dân Indonesia tin có khả năng diệt trừ sâu bọ trên cánh đồng. Một số dân tộc trên thế giới dùng tiếng đàn môi như một ngôn ngữ giao tiếp với thần linh trong mỗi lần cúng tế.

Đến nay, Đặng Văn Khai Nguyên sở hữu 600 chiếc đàn môi. Anh chơi được hơn 25 loại đàn môi của Việt Nam và các nước, như đàn môi của đồng bào H’mông, đàn môi Morchang của Ấn Độ, Khomus của Yakutia-Nga, Karinding của Indonesia, Maranzano của Ý... Nhận xét về Khai Nguyên, "vua đàn môi" - GS Trần Quang Hải hết lời khen ngợi: "Cậu ấy giỏi hơn tôi nhiều".

Khai Nguyên chia sẻ: "Điều hấp dẫn nhất ở nhạc cụ này là nghe âm điệu có thể đoán ngay được nghệ sĩ nào đang chơi, bởi những âm sắc, tiết tấu mà họ gửi vào tiếng đàn. Nếu không có sự khéo léo của đôi môi thì sẽ không có tiếng đàn gây mê đắm lòng người như thế. Với Nguyên, mỗi lần thổi đàn là như thả hồn mình theo dòng cảm xúc và hoàn toàn ngẫu hứng".

Tự hào Việt Nam

Khai Nguyên cho biết nếu trước đây, đàn môi chủ yếu được dùng như một phương tiện tỏ tình của các chàng trai, cô gái ở vùng cao thì ngày nay nó được đưa vào sân khấu chuyên nghiệp để độc tấu, hòa tấu với những nhạc cụ khác, hay ứng dụng đàn môi trong âm nhạc điện tử, lồng tiếng, nhạc nền cho phim. Trên thế giới, đàn môi được sử dụng phổ biến trong kết hợp với những nhạc cụ hiện đại như: trống, piano, organ, violon, didgeridoo (một loại sáo châu Úc), Hang (trống làm bằng kim thép), Beatbox (trống miệng)… Nhờ chịu khó học hỏi, mày mò, Khai Nguyên có thể sử dụng thuần thục đàn môi với bất kỳ nhạc cụ nào. Anh còn có thể chuyển hóa và làm mới âm thanh của nó qua việc kết hợp với những nhạc cụ dân tộc khác để tạo một giai điệu mới lạ, hấp dẫn.

Khai Nguyên bảo anh đã sáng tạo ra được các loại đàn môi tre với đủ kỹ thuật chơi là "khảy", "gõ" và "giật dây". Anh cũng là nghệ nhân đàn môi đầu tiên trên thế giới sáng chế và thực hành thành công loại đàn môi tre từ 1 đến 4 lưỡi. Ngoài ra, anh còn tạo thêm một số loại đàn môi 2 đầu và đàn môi tre bé bằng đầu đũa… Một viện bảo tàng ở Nga chuyên sưu tập các loại đàn môi trên thế giới cũng đã trưng bày bộ đàn môi do Khai Nguyên sáng chế.

Ở Việt Nam, dù được công nhận là một dụng cụ âm nhạc nhưng đàn môi vốn không đóng góp nhiều vào sự phát triển của âm nhạc dân tộc vì sử dụng không phổ biến. "Mong mỏi của tôi không chỉ là giới thiệu đàn môi Việt Nam ra các nước mà nó được bảo tồn, phát triển trong nền âm nhạc dân tộc của nước nhà, để dù ở bất kỳ đâu, người già hay trẻ đều có thể sử dụng được" - Khai Nguyên nói.

Theo đuổi một bộ môn nghệ thuật khó, chỉ có đam mê mới có thể giúp Nguyên gắn bó với loại đàn này. Anh chia sẻ: "Tôi thật sự vui mừng vì những cố gắng của mình trong việc sưu tầm, nghiên cứu và góp phần phổ biến nhạc cụ đàn môi đến công chúng. Tôi dành hết tâm huyết cho nó và hạnh phúc khi góp phần hồi sinh loại nhạc cụ độc đáo và đáng tự hào của Việt Nam".



"Tôi đang tìm cách để đưa đàn môi vào phổ biến trong các sự kiện văn hóa, các chương trình âm nhạc thử nghiệm, âm nhạc ứng dụng. Đó là một dự án lâu dài. Ngoài ra, tôi tham gia lưu diễn trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh con người Việt Nam nói chung và những điều độc đáo trong âm nhạc dân tộc Việt Nam nói riêng, với mong mỏi duy nhất là đàn môi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trên chính vùng đất khai sinh ra nó" - Đặng Văn Khai Nguyên.

Thùy Trang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.