Bán mạng chở hàng sang Trung Quốc: Sa chân vào cạm bẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều tài xế đường dài sau khi vướng vào "lầu xanh", cờ bạc ở Trung Quốc đã phải nhờ người thân chuộc mạng.

Anh Võ Trọng Cung (quê Bình Định) là một trong những tài xế đã nếm trải đau thương khi không làm chủ được bản thân, sa vào những trò dụ dỗ của các nhóm cờ bạc bên trong chợ nông sản Pò Chài (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc).

Cờ bạc bao vây

Sự cố này xảy ra cách đây 2 năm và được cánh tài xế truyền tai nhau như một bài học cần phải biết khi đến xứ người.

Anh Cung cho biết năm 2017, anh lần đầu tiên theo một người quen chở hàng thanh long từ Bình Thuận qua Trung Quốc. Khi đến chợ Pò Chài, một vài tài xế lạ mặt gõ cửa rủ anh đi đánh bài. Sẵn tiện đang rảnh nên anh thử cho vui.

Nhóm lạ mặt dẫn anh tới một góc nhỏ ở bãi đậu xe. Tại đó có một quầy kinh doanh nước giải khát, xung quanh rất nhiều đàn ông tụ tập. Thấy một tài xế vui mừng hốt được 5 triệu đồng sau khi đặt cược vào trò xóc đĩa, anh Cung cũng ham, rút 200.000 đồng ra chơi thử. Sau 2 ván thắng liên tục, số tiền đặt cược đã lên đến hàng triệu đồng. Chừng 30 phút sau, toàn bộ 8 triệu đồng anh mang theo bị thua sạch.

 
Một nhóm tài xế bị các đối tượng ở chợ Pò Chài - Trung Quốc dụ dỗ đánh bạc, sau đó cho vay nặng lãi
Một nhóm tài xế bị các đối tượng ở chợ Pò Chài - Trung Quốc dụ dỗ đánh bạc, sau đó cho vay nặng lãi



Một người đàn ông đứng kế đó rỉ tai gợi ý anh Cung vay tiền, vật thế chấp chỉ là giấy thông hành và giấy phép lái xe. "Có 2 tờ giấy mà họ cho tôi vay tới 10 triệu đồng. Sẵn đang cạn túi nên tôi liều luôn. Nhưng càng chơi càng thua, cứ thế họ cho vay tiếp, vay tiếp, cuối cùng tôi nợ gần 45 triệu đồng" - anh Cung buồn bã kể.

Lúc này, hết tiền lại nợ nần, anh đành mượn các tài xế khác để trả nợ. Nhưng 2 ngày sau, số tiền nợ từ 45 triệu đồng đã lên 50 triệu đồng. Đến lúc phát hiện mình bị nhóm cờ bạc lừa thì anh đã không thể nhập cảnh về Việt Nam vì bị giữ giấy thông hành. Trong khi đó, nhóm cho vay nặng lãi liên tục kéo đến hăm dọa.

"Có tên xăm trổ đầy mình, cầm dao bấm tới tận xe tôi đòi đốt xe nếu không đưa tiền trong 5 ngày nữa. Hôm đó, xe hàng tôi phải về Việt Nam theo lệnh của chủ xe nhưng lại bị mắc kẹt ở Trung Quốc" - anh Cung nói.

Túng quá, cuối cùng, anh gọi điện thoại về nhà gom góp người thân được chưa đến 20 triệu đồng và phải nhờ vợ vay nóng từ các băng nhóm xã hội đen để đủ tiền trả cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, càng để lâu, tiền lãi càng tăng chóng mặt, số tiền phải trả lên 58 triệu đồng. May mắn, anh mượn được tiền từ những tài xế ở Pò Chài đủ trả kịp.

Từ lời anh Cung, tôi tìm đến nơi từng khiến anh sống dở chết dở sau khi gánh nợ hơn 1 năm trước. Ở đây có 2 sòng bạc do các nhóm Hùng "đen", Lâm "đầu trọc" chia nhau quản lý hoạt động. Mỗi sòng nằm cách nhau chừng 50 m và luôn có đàn em mồi các tài xế đến chơi.

Một nhóm khác lại cầm tiền vào vai con bạc để "kích" các tài xế chơi lớn, ăn nhiều. Tại các điểm của Lâm "đầu trọc", phần lớn các tài xế ban đầu thắng cuộc nhưng sau chừng 15 phút, chỉ có nước từ thua đến cháy túi. Các thanh niên lạ mặt cứ thế đu bám người thua để gợi ý vay tiền với điều kiện rất đơn giản.

Trong vai người thua cờ bạc, tôi được một người xưng là Tâm (39 tuổi) vỗ vai gợi ý vay "nóng" 10 triệu đồng chỉ bằng cách thế chấp giấy tờ cá nhân. Khi tôi hỏi lãi suất như thế nào, Tâm chỉ ậm ờ rồi lảng tránh.

"Thôi đừng nghe tụi nó mà bán nhà, bán cửa đó. Nó cũng là người Việt Nam mà sao không đùm bọc nhau, lại móc nối nhiều đối tượng khác đi lừa lọc" - bà Trang, chủ một tiệm nước ở khu chợ Pò Chài, bức xúc.


 

 Xe container chở hàng từ Việt Nam tập kết ở chợ Pò Chài - Trung Quốc
Xe container chở hàng từ Việt Nam tập kết ở chợ Pò Chài - Trung Quốc



Dập dìu "phố đèn đỏ"

Ra khỏi cổng chợ Pò Chài, đi sâu vào khu dân cư sẽ thấy gần chục người Trung Quốc nói giọng lơ lớ tiếng Việt vẫy tay.

Một người trong đó chạy ra, ép sát người chúng tôi rủ rê vào "phố đèn đỏ" để thư giãn. Từ đây đến đó khoảng 4 km và sẽ được đưa đón miễn phí. Nghe vậy, 2 tài xế Việt Nam nhảy lên xe máy của một người đang đứng đợi sẵn.

Càng đi đường càng quanh co, heo hút. Chừng 15 phút sau, xe chạy tới một dãy nhà cũ tường sơn màu đỏ sẫm. Bên trong, không những các tài xế Việt Nam mà còn có cả tài xế Trung Quốc liên tục ra vào.

Mang câu chuyện này về kể lại với các tài xế trong bến xe Pò Chài, rất nhiều người khuyên nhủ không nên đến đó vì có những "động" lừa đảo, móc sạch tiền và giấy tờ. Chưa kể, những phụ nữ "mua vui" ở đây đều đã "hoạt động" nhiều năm, rất dễ mang trong người nhiều loại bệnh xã hội.

Tài xế Nguyễn Thành Tâm (quê Bình Định) cho biết 8 năm trước, khi chưa hình thành bến xe mới ở Pò Chài, tài xế phải vào các bãi xe tư nhân nằm kế bên cửa khẩu. Ăn theo đó, một tuyến "phố đèn đỏ" mọc lên kéo dài 2 km. Nay chính quyền Trung Quốc chỉnh trang lại nên tình trạng mua bán dâm đã giảm bớt. Tuy nhiên, lại rộ lên các trò lừa đảo.

Anh Tâm có người bạn cùng quê vì sa chân vào một "lầu xanh", sau đó phải giã từ cuộc sống ở tuổi 49 bởi bệnh AIDS.

"Đến đây chỉ có những tài xế lần đầu hoặc tài xế ham vui mới sa chân mấy thú vui tệ hại. Thường anh em lái xe lâu năm không màng tới vì biết chỉ có lừa lọc. Mỗi chuyến hàng chỉ cầu mong có đồng nào hay đồng ấy mang về cho gia đình là chúng tôi vui rồi" - anh Tâm chia sẻ.


Tình người giữa các bác tài

Tài xế Nguyễn Trọng Nghĩa (quê Bình Định) cho biết thường mỗi chuyến xe đường dài có 2 tài xế thay phiên nhau cầm lái. Chuyện hư hỏng xe thường xuyên xảy ra vì các đầu xe container đều là hàng mua lại. Vì thế, khi ở Trung Quốc, nếu xe nào bị hỏng, các tài xế hỗ trợ nhau sửa rất nhiệt tình. Chưa kể, hễ tài xế nào gặp nạn hoặc thiếu tiền, mất giấy thông hành thì các tài xế khác sẵn sàng móc tiền để cho mượn mà chỉ việc lưu lại biển số xe.

"Ở xứ người lạ nước lạ cái, thường xuyên bị ăn hiếp nên cánh tài xế Việt Nam tương trợ nhau để sống. Tất cả chỉ mong có tiền gửi về chăm sóc gia đình" - anh Nghĩa tâm sự.

Lê Phong (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.