Tây Nguyên vỡ trận cây công nghiệp-Bài 3: Thay đổi tư duy nhà nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thay đổi tư duy làm nông theo hướng chú trọng vào chất lượng, giá trị sản phẩm, đang là hướng đi tất yếu. Việc cải tạo vườn cây, đưa giống mới vào sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đã làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn; đồng thời giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây công nghiệp.

Giảm lượng, nâng chất

Sau nhiều năm chạy theo số lượng, gần đây nông dân Tây Nguyên đã có sự thay đổi nhận thức, tư duy làm nông theo hướng chú trọng vào chất lượng. Trong đó, chương trình tái canh cà phê được nông dân hưởng ứng tích cực và bước đầu đem lại hiệu quả. Vườn cà phê gần 20 năm tuổi đang xanh tốt vẫn được ông Hoàng Trọng Tuân (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) quyết định chặt bỏ phần thân để ghép.

 
Nhờ tái canh hiệu quả nên năng suất cà phê tại Lâm Đồng luôn dẫn đầu cả nước.
Nhờ tái canh hiệu quả nên năng suất cà phê tại Lâm Đồng luôn dẫn đầu cả nước.

Ông Tuân chia sẻ: “Vườn cà phê của gia đình được trồng từ giai đoạn 1999 - 2000, vài năm trước cây vẫn phát triển xanh tốt, tuy nhiên là giống cũ, trái thưa và nhỏ nên năng suất thấp. Vì vậy, tôi đã bắt đầu cắt cành ghép chồi để cải tạo vườn. Sau 4 năm, hiện giờ tôi đã cắt ghép được khoảng 90% số cây cũ, năng suất tăng lên 5 tấn/ha, những năm tiếp theo đặt mục tiêu thu hoạch từ 6 - 7 tấn/ha”.

Gia đình ông Tuân là một trong hàng ngàn hộ dân mạnh dạn thực hiện tái canh vườn cà phê tại Lâm Đồng. Đây cũng là địa phương đạt kết quả cao nhất trong chương trình tái canh cà phê của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Đến năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được trên 45.000ha.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Những vườn cà phê cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn/ha trong 2 năm liên tiếp sẽ được địa phương khuyến khích, hỗ trợ tái canh. Còn những vườn cà phê cho thu hoạch trung bình 3 tấn/ha mà người dân dự định chuyển qua trồng cây khác thì chúng tôi khuyến cáo người trồng nên cân nhắc kỹ để ổn định diện tích. Trên cơ sở trồng tái canh trên các vườn già cỗi, không có khả năng phục hồi và ghép cải tạo các vườn cây không đồng đều, trái nhỏ, dễ nhiễm bệnh gỉ sắt, đã giúp năng suất bình quân toàn tỉnh hiện nay đạt 3,3 tấn/ha, cao nhất cả nước. Trong đó có nhiều vườn cho năng suất cao hơn 5 tấn/ha, nhiều vườn đạt 7-8 tấn/ha. Vì vậy đã góp phần nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống cho người dân”.

Bên việc trồng mới, cải tạo vườn cây, nhiều nông dân tại Tây Nguyên đã tiếp cận các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. Đến thăm vườn cà phê VietGAP của gia đình ông Dương Thành Công (xã Chư Á, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), ông Công niềm nở cho biết: “Gia đình tôi trồng 1,5ha cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP. Trồng cà phê VietGAP phức tạp và tốn công hơn sản xuất cà phê bình thường, đòi hỏi bón phân đúng liều lượng và thời gian cách ly, hệ thống sân bãi, nhà kho đảm bảo và đặc biệt khi hái tỷ lệ hái chín phải trên 80%. Đổi lại, sản phẩm được công ty bao tiêu ổn định với giá cao hơn giá thị trường từ 300 - 700 đồng/kg, không lo bị ép giá như trước đây”.

Theo ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Gia Lai, năm 2017 diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn là 130ha, tập trung ở huyện Đức Cơ và TP Pleiku. Sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng nói chung và VietGAP nói riêng là phương thức sản xuất tiên tiến, vừa đảm bảo chất lượng, phát triển bền vững, vừa thân thiện với môi trường. Sản phẩm được chứng nhận sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường khó tính.

Ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất

Nam Tây Nguyên cuối mùa khô là thời điểm các vườn cà phê phải chống chịu với cảnh thiếu nước nghiêm trọng, nhưng khu vườn cà phê rộng 1ha của gia đình ông Hoàng Đình Oanh (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) vẫn phát triển xanh tốt nhờ áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt.

Ông Oanh cho biết, gia đình bỏ ra 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Chỉ cần mở vòi nước là cây được châm nước trực tiếp vào gốc, tránh bị lãng phí nước lại đỡ tốn công. Ngoài ra có thể kết hợp tưới và bón phân, vừa tiết kiệm mà cây trồng lại hấp thu hết lượng phân bón. Ứng dụng công nghệ và trồng giống mới giúp vườn cà phê của gia đình ông Oanh đạt sản lượng bình quân 5 tấn/ha.


ại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà nhiều hộ dân cũng áp dụng công nghệ lựa chọn giống mới, tưới tiết kiệm, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ bền vững đưa vùng đất trở thành một trong những điển hình trồng cà phê năng suất cao tại tỉnh Lâm Đồng.

Tại Gia Lai, Đak Lak, nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên vườn tiêu và cà phê, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Riêng huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), đến cuối năm 2017, diện tích cà phê và hồ tiêu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm là 340ha. Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê đánh giá, việc sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu giúp giảm chi phí đầu tư gồm: tiền công tưới, công bón phân, làm cỏ, tiền điện, nước, tiền mua vật liệu tủ gốc giữ ẩm. Sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm góp phần tăng hiệu quả kinh tế bền vững, duy trì diện tích, sản lượng.

Bên cạnh việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, gần đây nhiều nông dân tại Tây Nguyên đã chủ động hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trở lại vùng sản xuất cà phê Cầu Đất (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), không khí sản xuất cà phê nhộn nhịp khác hẳn 10 năm về trước. Nhờ các mô hình liên kết sản xuất cà phê sạch, những vườn cà phê đặc sản của Đà Lạt như được hồi sinh. Năm 2012, một số nông hộ tại Xuân Trường đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác cà phê Cầu Đất, trồng 16ha cà phê chè. Đến cuối năm 2015, tổ hợp tác đổi thành Hợp tác xã cà phê Cầu Đất với 30 xã viên, trồng 46ha cà phê và đi theo hướng sản xuất cà phê sạch.

“Kết hợp với tổ chức Fair trade (Thương mại bình đẳng, có mặt trên 170 quốc gia), hợp tác xã cam kết sản xuất, cung cấp cà phê sạch trung bình 100 tấn/năm. Phải đảm bảo được các tiêu chuẩn cà phê “sạch” mà Fair trade đưa ra”, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Cầu Đất - ông Võ Khanh cho biết.

Một điển hình khác trong hợp tác sản xuất nông sản là HTX sản xuất nông sản sạch Thuận Phát (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông). Ông Nông Văn Lê, người sáng lập HTX Thuận Phát cho biết, những năm trước, khi người dân các khu vực chỉ chú trọng vào sản lượng mà bỏ quên cái cốt yếu của nông sản là chất lượng, thì gia đình ông đã tự tạo hướng đi riêng bằng cách phát triển mô hình tiêu sạch. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, gia đình ông liên kết với một đơn vị bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ.

Năm 2016, ông Lê đã đứng ra thành lập HTX Thuận Phát và đến nay đã có 30 thành viên tham gia với diện tích hơn 60ha hồ tiêu, cà phê. Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đắk Song, đánh giá HTX Thuận Phát là đơn vị đầu tiên của huyện có hướng phát triển mô hình nông sản sạch gắn với bao tiêu sản phẩm. Hiện ngành nông nghiệp địa phương cũng khuyến khích người dân phát triển những mô hình tương tự để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cây công nghiệp.

Hữu Phúc-Đoàn Kiên-Đông Nguyên/sggp

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.