Nước Nga lo cho an ninh World Cup 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu bạn là một người hâm mộ trung lập và đến Nga hè này coi World Cup, tốt nhất đừng mặc những chiếc áo của tuyển Anh vì những rắc rối không đáng có.

"Chào mừng đến địa ngục" là khẩu hiệu mà hooligan Nga giương lên khắp các fan page, diễn đàn của mình. Đối tượng nhắm đến là CĐV Anh.

 
Lực lượng an ninh quanh sân vận động Luzhniki.
Lực lượng an ninh quanh sân vận động Luzhniki.

Ám ảnh bạo lực

Sự căm ghét giữa những CĐV Nga và Anh dường như không có điểm dừng. Hai năm trước trên đất Pháp - Euro 2016, những con số thống kê ấn tượng nhất lại thuộc về... bạo động. Hàng trăm cuộc xô xát, hàng ngàn người tham gia ẩu đả và có hơn 1.000 cuộc bắt giữ được tiến hành.

Phân nửa trong số đó thuộc về các CĐV Nga và Anh dù họ không phải chủ nhà. Từ lần đụng độ năm đó, FIFA đã được cảnh báo trước về tình trạng an ninh ở World Cup 2018.

Và sau hai năm, tình hình lại càng nóng bỏng hơn nữa khi quan hệ ngoại giao giữa Anh và Nga ngày càng xấu đi. Hàng loạt nhà ngoại giao Anh đã bị trục xuất khỏi Nga từ hồi tháng 3. Tất cả tạo nên một bầu không khí đáng sợ cho CĐV Anh.

Trước thềm World Cup, Bộ Ngoại giao Anh đã cảnh báo người dân về nguy cơ và những điều cần tránh trên đất Nga hè này. Một tháng trước World Cup, các phóng viên Nga bắt được khá nhiều hình ảnh hooligan bản địa ra bìa rừng tập... đấm bốc.

Hai năm trước, CĐV Nga quá khích đã chê bai dân Anh là "hèn" khi "chỉ dám la hét, đốt pháo, múa may bàn ghế. "Đàn ông thực thụ chỉ cần đến nắm đấm".

Nếu mặc tấm áo "tam sư" và lang thang một mình đến những khu ngoại ô hay chợ trời trên đất Nga, đó sẽ là một trong những việc làm ngu ngốc nhất mùa World Cup!

Nhưng có phải chỉ mình CĐV Anh đối mặt những nguy cơ ở Nga?

 

Lực lượng an ninh đứng chật cứng trên một chuyến tàu điện ngầm.
Lực lượng an ninh đứng chật cứng trên một chuyến tàu điện ngầm.

Nga là một quốc gia đa sắc tộc. Trong góc nhìn tích cực, những vị khách nước ngoài luôn được chào đón ở Nga. Nhưng ở một góc độ khác, vấn nạn phân biệt chủng tộc tại Nga cũng rất nóng bỏng.

Hulk - tiền đạo lừng danh người Brazil - từng tiết lộ một trong những lý do khiến anh rời Zenit Petersburg sang Trung Quốc thi đấu vì nạn phân biệt chủng tộc.

Nơi tôi trọ những ngày đầu ở Matxcơva là một khách sạn nhỏ có nhiều người Yakutia lên thành phố làm việc. Những anh chàng công nhân Yakutia cao lớn, hầu như không nói tiếng Anh và luôn trừng mắt nhìn khi bạn lân la hỏi thăm.

Thật ra, cách sống khép mình của họ là khá dễ hiểu khi người Yakutia bị kỳ thị khá nhiều trong cộng đồng các sắc tộc ở Nga.

Giống như Pháp, Nga cũng là một trong những quốc gia đối mặt nguy cơ bị khủng bố. Tình hình càng nóng bỏng hơn khi hồi tháng cuối năm ngoái ở Saint Petersburg, một vụ đánh bom ngay trạm tàu điện ngầm gần khu vực trung tâm khiến hơn 10 người thiệt mạng.

Sau vụ đánh bom này, tình hình an ninh càng được thắt chặt hơn. Nếu bạn đến những trạm tàu điện ngầm với cái balô dềnh dàng, nhân viên an ninh sẽ yêu cầu rà soát ngay lập tức.

Sự căng thẳng chính trị của Nga với khối các nước phương Tây và Mỹ khiến nguy cơ này trở nên lớn hơn.

"Chúng tôi luôn cố gắng phối hợp với Nga về công tác chống khủng bố, nhưng rõ ràng vào lúc này rất khó để có sự cộng tác với người Nga như trước" - một quan chức ngoại giao Mỹ phát biểu trước thềm World Cup.

 

Các nhân viên của ban tổ chức World Cup đến chỗ làm việc.
Các nhân viên của ban tổ chức World Cup đến chỗ làm việc.

Tập trung cho an ninh

Căng thẳng leo thang, khủng bố đe dọa và có thể mất đi cả sự hợp tác tối đa từ đặc nhiệm Mỹ, người Nga làm thế nào để gìn giữ an ninh ở World Cup 2018? Từ nhiều tháng qua, Chính phủ Nga đã khẳng định an ninh chính là ưu tiên số 1 của họ trong công tác tổ chức World Cup.

Tổng chi phí Nga dành cho công tác an ninh là 453 triệu euro, chiếm 25% trong tổng số 1,9 tỉ USD chi phí tổ chức (không tính đến ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng).

Kế hoạch gìn giữ an ninh của Chính phủ Nga thật ra rất có lớp lang. Đầu tiên, họ tập trung phát triển tối đa các hệ thống phương tiện công cộng, khuyến khích du khách sử dụng phương tiện công cộng trong mùa World Cup.

Mọi du khách đến Nga có tấm thẻ fan ID (dành cho người có vé vào xem đá bóng) sẽ được sử dụng tàu điện ngầm, xe buýt miễn phí.

Và tất nhiên, công tác chống khủng bố và ngăn ngừa dân giang hồ, những hooligan quá khích được Chính phủ Nga triển khai âm thầm suốt thời gian qua.

Anh Đào Tuấn Dũng, một người dân VN định cư ở Matxcơva đã lâu, cho biết: "Mới cách đây khoảng hai năm, nạn hooligan ở Nga còn rất đáng sợ. Hầu như sau các trận đấu đều có xô xát ở những nơi công cộng. Thật ra người dân Nga không quá mê bóng đá đâu. Chỉ có một số nhỏ hooligan là quá khích thôi".

"Nhiều người nghĩ rằng dân Nga ắt hẳn rất căm ghét người Mỹ hoặc Tây Âu. Thật ra ở Nga không có dân tộc nào là bị ghét nhất. Khó khăn thường đến với người châu Á vì người châu Á nhỏ con và dễ bắt nạt, nhưng đó chỉ là khi đụng độ phải những kẻ côn đồ" - anh Đào Tuấn Dũng nói.

Tất nhiên, còn quá sớm để khẳng định về tình trạng an ninh tuyệt đối ở World Cup 2018. Điểm nóng vẫn sẽ là những thành phố có mặt CĐV Anh với trận mở màn Anh - Tunisia ở Volgagrad.

Đã có một số chính sách hạn chế bia rượu mùa World Cup. Nhưng khó khăn không chỉ xuất phát từ phía Nga, trước thềm ngày khai mạc, nhiều CĐV Anh tuyên bố họ sẽ "đốt cháy nước Nga" bằng rượu.

Khách du lịch cần biết

Một loạt luật lệ được ban bố với mục đích đảm bảo an ninh mùa World Cup. Các du khách khi đến Nga cần phải biết làm theo những điều cốt yếu sau:

- Xin giấy tạm trú ở khách sạn. Thông thường khách du lịch chỉ cần tờ khai của hải quan là đủ. Nhưng ở Nga trong mùa này, mọi du khách, kể cả phóng viên hay CĐV có fan ID cũng cần nhờ khách sạn làm giấy đăng ký tạm trú cho mình. Sẽ rất phiền phức nếu bạn bị cảnh sát làm việc trên phố về mảnh giấy này.

- Không được đem cờ rộng quá 3m2 vào sân đấu. Phải đăng ký qua ban tổ chức nếu muốn đem các lá cờ kích thước lớn hơn vào sân. Các vật dụng cổ vũ cũng sẽ bị ban quản lý sân thẩm định về khả năng dễ cháy.

- Mọi lá cờ, băngrôn, apphich không được phép in những nội dung có liên quan đến việc phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, giới tính, chính trị...

Huy Đăng/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...