Người làm chuyện bao đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi ngày, từ 4 giờ sáng, người ta thấy một người đàn ông mặc quần short, áo thun cũ, đầu trần, đi chiếc xe đạp cà tàng, hai bên ghi đông máng nhiều bao bị, giỏ xách, chạy lòng vòng trong các con hẻm ở TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Ghé nhà này chừng 15 - 20 phút xong, ông lại ghé nhà khác...

Đó là ông Trương Thanh Minh (50 tuổi), người chuyên làm chuyện bao đồng hơn 20 năm qua.

 

Với chiếc xe đạp cà tàng, ông Minh thường lui tới các con hẻm nhỏ ở TP.Mỹ Tho giúp những mảnh đời cơ cực.
Với chiếc xe đạp cà tàng, ông Minh thường lui tới các con hẻm nhỏ ở TP.Mỹ Tho giúp những mảnh đời cơ cực.

Quần quật từ sáng đến tối

50 tuổi, nặng tới 100 kg, tôi bảo ông hơi bị mập, nhưng ông nói: “Chắc tại tui uống nhiều nước chớ ăn uống đạm bạc, thất thường lắm”. Có lẽ ông Minh nói đúng.

Gia đình ông ở ấp Đồng, xã Bình Đức, huyện Châu Thành (Tiền Giang) nhưng nhiều năm nay ông toàn ở nhà người lạ, nay nhà này, mai nhà khác. Hễ nhà nào có người bệnh thì buổi tối ông đến trực đêm hoặc giúp đưa đi bệnh viện. “Anh vào Bệnh viện đa khoa Tiền Giang hỏi, khoa nào cũng biết tui. Lên Sài Gòn thì ở đường Trần Đình Xu, đường Tôn Đức Thắng, cũng nhiều người biết”, ông Minh nói.

Theo lời kể của ông Minh, cha mẹ ông đều là giáo viên. Năm 1986, ông tốt nghiệp THPT nhưng thi rớt đại học rồi đi làm từ thiện luôn tới giờ. Thời gian đầu, cha mẹ kêu về nhà nhưng ông không về, chừng 2 năm thì không kêu nữa. Hiện ông vẫn sống độc thân “vì thấy nhiều người có gia đình… khổ quá”. Ngày làm việc của ông bắt đầu từ 4 giờ sáng, sớm hơn cả nông dân đi cày ruộng. Như thường lệ, ông đạp xe tới từng nhà giúp những người tàn tật làm vệ sinh, dọn dẹp, lau nhà, lấy quần áo đem đi giặt. Xong nhà này thì tới nhà khác. Hiện ông đang giúp 12 trường hợp như vậy và toàn người mù, bán vé số, không có người thân.

Hôm đó tình cờ tôi gặp ông đang giúp việc nhà cho cụ Hoàng Thị Bé (87 tuổi, ngụ đường Phan Hiến Đạo, TP.Mỹ Tho). Buổi sáng, ông đi hết một vòng đến khoảng 10 giờ, sau đó tới chỗ lấy cơm mang tới từng nhà rồi ngồi đút cho từng người ăn. Vì làm từ thiện đã lâu nên nhiều người biết mặt ông. Nhờ vậy nay người này kêu cho cơm, mai người kia nhắn sẽ nấu giúp. Hôm nào không có ai cho thì ông vào bếp ăn từ thiện của bệnh viện xin. Ông đi suốt ngày, tiếp xúc nhiều người, nhưng không xài điện thoại.

Ông Minh nói làm riết rồi quen, ở không thì thấy buồn. Mỗi ngày đưa cơm trưa xong, ông trở về chỗ ở giặt đồ, phơi khô để ngày mai kịp mang đến cho từng người. Công việc không quá nặng nhọc nhưng thường đến 21 giờ mới xong. Không có thời gian trống nên nhiều người rủ đi chơi, ông không đi. Ông thật lòng chia sẻ: “Lúc đầu nghe mùi hôi, phát ói, nhưng làm một tháng thì quen dần”. Tôi hỏi khi làm vệ sinh cho người mù, ông có đeo khẩu trang không, ông Minh nói không, “vì người mù cho dù không nhìn thấy mình, nhưng nếu lỡ họ rờ đụng khẩu trang thì sẽ mặc cảm. Thà rằng mình đừng giúp người ta”.

59 lần hiến máu

 

“Giúp đỡ người khác là chuyện bình thường”, ông Minh chia sẻ.
“Giúp đỡ người khác là chuyện bình thường”, ông Minh chia sẻ.

Ngoài việc mang cơm tới từng nhà, người ta thường gặp ông Minh đẩy xe đưa người già đi khám bệnh. Lúc khác thì ông đẩy xe giúp người tàn tật đi bán vé số. Anh Tân (nhà ở P.7, TP.Mỹ Tho) kể: “Lúc nào cũng thấy ông Minh lu bu. Có khi sáng sớm đã thấy ông 2 tay kéo 2 xe lăn cho người tàn tật đi tập thể dục lòng vòng trong xóm. Vậy mà cho tiền không nhận. Không chỉ giúp những trường hợp neo đơn, tàn tật, có trường hợp người già có con cháu nhưng bị bỏ bê, ông Minh vẫn tận tình chăm sóc”.

Chỉ làm từ thiện và không có nghề nghiệp gì cụ thể, vậy ông lấy tiền đâu tiêu xài? Ông Minh cho biết nguồn thu nhập chính của ông là từ đồ ve chai của nhiều người cho, ông gom để dành đem bán, lấy tiền mua gạo và thức ăn. Ông cũng không có nhu cầu nhiều. Hằng ngày tự nấu cơm ăn một mình ở nhà chị Vân, đường Huỳnh Tịnh Của. Người này đi nước ngoài, giao chìa khóa nhà nhờ ông trông coi giùm. Không chỉ nhà chị Vân, ông Minh còn trông coi giùm 9 căn nhà khác bởi người ta rất tin ông. “Rượu, cà phê, thuốc lá đều không. Tình cũng không. Niềm vui của tôi là có sức khỏe. Giúp đỡ người khác là chuyện bình thường, trong khả năng giúp được thì tôi luôn sẵn sàng”, ông Minh chia sẻ.

Gần 20 năm nay, đều đặn mỗi năm 3 lần, ông đã hiến máu tổng cộng 59 lần. Chị Khánh Ly (nhà ở KP.4, P.7, TP.Mỹ Tho) kể: “Tôi biết chú Minh gần 10 năm nay vì chú hay ghé chơi với mấy người trong xóm và cũng gặp vài lần khi cùng đi hiến máu. Chú giúp người khác không có điều kiện gì. Tôi thường gặp chú đem cơm cho mấy người ở trại người mù, thỉnh thoảng còn gặp chú dắt người có biểu hiện tâm thần… đi chơi ngoài đường. Được chị hàng xóm cho chiếc xe lăn, chú mừng lắm, nói đem cho người bán vé số ở gần cầu Nguyễn Trãi vừa bị mất trộm”.

Bà Võ Thị Thu Nga, Phó ban Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang, cho biết ngoài việc tham gia hiến máu, ông Minh làm công tác xã hội rất tốt. “Buổi sáng tôi thường gặp ông chở mấy bà cụ đi tập thể dục bằng xe đạp. Rồi những lần có đoàn khám bệnh hoặc phát quà cũng thấy ông ấy đẩy xe lăn đưa mấy bà cụ tới. Ông Minh tự nguyện giúp đỡ người khác hoàn toàn vô tư. Năm ngoái, ông là đại biểu duy nhất của Tiền Giang đi dự hội nghị tôn vinh người tham gia hiến máu nhiều lần, do Ban Chỉ đạo quốc gia T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN tổ chức tại Hà Nội”, bà Nga nói.

Hoàng Phương/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.