Danh thắng biến dạng-Bài 1: Còn đâu thời vang bóng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai. 

Năm 2017, du lịch Việt Nam đã phục vụ 86 triệu lượt khách, trong đó đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh các hoạt động du lịch nhưng thiếu quy hoạch đồng bộ đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư, văn hóa bản địa, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển du lịch trong tương lai. Báo SGGP khởi đăng loạt bài về thực trạng các khu danh thắng đang bị biến dạng bởi sự phát triển du lịch ồ ạt và lời giải nào cho bài toán phát triển, bảo tồn du lịch của các địa phương.

 

Phố cổ Đồng Văn bị che khuất bởi các bảng hiệu dày đặc.
Phố cổ Đồng Văn bị che khuất bởi các bảng hiệu dày đặc.

Những cái tên như Sa Pa - Lào Cai, Đồng Văn - Hà Giang, Tam Đảo - Vĩnh Phúc... từ lâu đã là những địa danh du lịch nổi tiếng với những lợi thế đặc biệt do thiên nhiên ưu đãi và văn hóa bản địa đặc sắc của các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Trong ký ức nhiều người, đó là những miền đất mơ mộng, lãng mạn, đẹp như trong cổ tích. Thế nhưng, quay lại những địa danh trên vào thời điểm này, không ít người thất vọng.

Miền cổ tích không còn bình yên…

Khi nghe tin chúng tôi chuẩn bị có một chuyến du hành các tỉnh phía Bắc để “hưởng rét”, cô bạn vốn là phóng viên thích xê dịch khuyên can: “Đi đâu cũng được, trừ Sa Pa nhé. Em mới đi về, chán toàn tập. Sa Pa giờ là đại công trường của xe ben, cát, bụi và rác” và thế là chúng tôi quyết định chọn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để được yên bình hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Thế nhưng, lần trở lại này, ngay từ đầu con đèo dốc đã là một cơn ác mộng với những bụi bặm từ công trường mở rộng đường vào. Càng đi vào sâu khu trung tâm, tiếng đập chan chát của công trường thi công càng vang lên dồn dập. Những con đường nhỏ vắng vẻ, trong lành ngày nào hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những con đường xuống cấp, bụi bặm và chật chội.

Khu vực quảng trường trung tâm trước đây là những con dốc, con đường nhỏ, nay trở thành một công viên có từ ghế đá, bập bênh, xích đu tới đài phun nước, vườn hoa và dòng chữ Tam Đảo bằng bê tông đập vào mắt du khách.

Chưa hết, một quán cà phê to đùng án ngữ ngay ở trung tâm khiến Tam Đảo trở nên lạ lẫm. Càng lạ lẫm hơn khi vào đến phòng khách sạn, bước ra ban công, phóng tầm mắt là thấy một công trường ngổn ngang, bụi mù mịt; nhà cửa san sát, chật chội bởi không gian bị cơi nới vô tội vạ.

Nhìn sang bên cạnh, đường lên nhà thờ đá cổ nổi tiếng giờ được giăng mắc bởi hàng hóa, nón, áo... Phía trước là hai, ba quán nướng khói xen lẫn bụi. Như để vớt vát, chúng tôi rảo bộ một vòng để tìm lại chút dư vị của một Tam Đảo bình yên. Sau một hồi bị lạc lối bởi những con đường có vô số khách sạn lớn nhỏ mới xây, đang xây, thác Bạc hiện ra chỉ còn là một dòng nước nhỏ xíu, khai mùi nước tiểu…

Rời Tam Đảo trong nỗi thất vọng, chúng tôi quyết định quay trở lại Sa Pa để xem lời cô bạn nói “chán toàn tập” đến mức độ nào. Và quả thật, Sa Pa - thành phố trong sương đã không còn như thuở chúng tôi đặt chân đến cách đây 20 năm, khi còn là những cô cậu sinh viên. Khi ấy, Cát Cát vẫn là bản người Mông hoang sơ, chưa có dấu vết của dịch vụ du lịch. Núi Hàm Rồng là nơi thu trọn Sa Pa trong tầm mắt. Fansipan là giấc mơ, bởi muốn lên đỉnh núi cao nhất Đông Dương này chỉ có mỗi cách cuốc bộ 2 đến 3 ngày đường mà thôi.

 

Các phiên chợ vùng cao luôn là điểm hấp dẫn du khách.
Các phiên chợ vùng cao luôn là điểm hấp dẫn du khách.

Và giờ đây, trước mắt tôi, Sa Pa hiện ra với cảnh đường sá, xe cộ, nhà cửa, khách sạn đan cài, chật như nêm. Ngang qua tòa án thị trấn được xây dựng hoành tráng, ngôi chợ mới tấp nập du khách. Có lẽ, nhờ ngôi nhà thờ Đá cổ kính mà tôi thoáng thấy Sa Pa của ngày xưa cũ. Thị trấn nhỏ như lòng bàn tay nhưng chiếc xe du lịch 45 chỗ ì ạch mãi mới về được khách sạn trên đường Hoàng Liên, cũng nằm ngay trung tâm bởi đường sá Sa Pa ngày cuối tuần ùn tắc không kém Hà Nội giờ tan tầm.

Đồng Văn mất kiến trúc cổ

Điều nuối tiếc nhất trong chuyến đi của chúng tôi đến với những điểm du lịch phía Bắc chính là khu phố cổ Đồng Văn. Được bao bọc bởi tầng tầng lớp lớp những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, song cơn bão du lịch cũng đã tràn đến phố cổ nơi đây.

Phố núi dịu dàng, bình yên của bao năm bỗng chốc được khoác lên mình tấm áo mới với xanh đỏ lòe loẹt của đèn màu, bởi nhấp nhô to nhỏ đủ loại biển hiệu của hàng quán, homestay…

Lẫn trong tiếng khèn réo rắt của đoàn văn công biểu diễn trong quán cà phê phố cổ thì ngoài kia, nhạc trẻ, nhạc vàng đủ loại tạo nên một không gian hỗn độn. Sẽ không quá nếu ví Đồng Văn giống như một thôn nữ lần đầu khoác lên mình đầm tây, giày cao gót… vừa lúng túng, vừa ngượng nghịu.

Với nét kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng cực Bắc, cộng tuổi đời hàng trăm năm, khu phố cổ Đồng Văn đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển du lịch trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Dù đã chuẩn bị trước tâm lý rằng vạn vật sẽ thay đổi, ngoài ký ức thì mọi điều không có gì là vĩnh cửu, thêm nữa 10 năm là quãng thời gian quá dài để một đứa trẻ kịp trưởng thành…, nhưng lữ khách từ dưới xuôi như tôi vẫn không khỏi bất ngờ bởi sự đổi thay quá nhanh ở nơi này.

Nếu không thật tinh ý, không nhìn vào tấm biển chỉ dẫn thì không ai nghĩ rằng mình đã đặt chân tới khu phố từng một thời được coi là nơi hội tụ không gian văn hóa đậm sắc bản địa nhất của phố núi miền Tây Bắc, nơi đang giấu trong mình những kiến trúc tổng hòa văn hóa của người Mông, Dao, Lô Lô, Hà Nhì...

Khu phố cổ nằm bao trọn quanh khu chợ Đồng Văn xưa hấp dẫn đến ma mị bởi những vách nhà trình tường, bởi lớp ngói âm dương phủ màu thời gian thì nay đã chìm lấp bởi nhà bê tông cốt thép kiên cố. Những ngôi nhà cổ xưa còn sót lại nơi này sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp, hay sửa chữa cho phù hợp với cuộc sống hiện đại cũng đã khoác lên một lớp áo mới.

Vì thế, sau một thời gian du khách xót xa bởi sự tương phản đối lập cũ - mới, thì nay đến cảm xúc này cũng không còn nhiều, bởi lẽ 100% nhà thuộc khu vực phố cổ đều chuyển công năng sang phục vụ du lịch. Đâu đâu cũng thấy nhà trọ bình dân, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm, quán ăn đồ Việt…

Điều may mắn còn lại

May mắn thay, phía sau dãy phố cổ… vẫn còn thấp thoáng bóng dáng của tường rào đá với những bậc thang dẫn lên hiên nhà bằng đá khối nguyên tảng được thời gian bào mòn trở nên bóng loáng.

Vẫn còn đó vài ba ngôi nhà trình tường với khung cửa gỗ nâu sậm, bờ vách nứt nẻ in hằn dấu của thời gian, còn đó một miếng đất nhỏ đầu hiên nhà với cây đào đang đâm chồi nảy lộc. Phía dưới kia, rặng xương rồng đang trổ bông đỏ rực như những đốm lửa làm sáng bừng không gian lạnh lẽo nơi phố núi.

Chính ở những căn nhà này chứ không phải dãy phố cổ ngoài kia, khu chợ mới được di dời khỏi trung tâm du lịch, điểm hẹn của mỗi phiên chợ cuối tuần, nơi mà đồng bào phải men theo hai quả núi từ tờ mờ sớm để đem nông sản xuống trao đổi, giao lưu gặp gỡ mọi người, để tụ tập, hẹn hò… mới thực sự là điểm cộng của du lịch thị trấn vùng biên Đồng Văn.

Cuối tuần, du khách đổ về phố cổ ngày một đông nhưng hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một dáng váy xòe cách tân của đồng bào Mông, một nếp áo thâm của người Dao… thấp thoáng trong những quầy bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Nhiều người đã phải thốt lên rằng, so với Sa Pa, có lẽ nơi này còn chịu ảnh hưởng của cơn lốc đô thị hóa nhanh hơn, nhiều hơn.

Câu chuyện về phố cổ Đồng Văn thực ra không hề mới. Nó chỉ là câu chuyện lặp lại ở Hội An (Quảng Nam), Đường Lâm (Hà Nội), phố cổ Hà Nội… Việc những kiến trúc cổ bị xâm lấn bởi các công trình kiến trúc hiện đại, bị mai một bởi nhu cầu phát triển cũng đồng nghĩa với việc sức hấp dẫn của những điểm đến này dần phôi pha.

Sẽ ra sao nếu những điểm mạnh, được coi là hút khách du lịch nhất lại đang teo tóp? Có thể những người dân bản địa chưa hiểu rõ được hệ lụy của việc phát triển ồ ạt, nhưng những người làm công tác quản lý du lịch lẽ nào chưa thấy sốt ruột?

Lê Ngọc-Bích Quyên-Mai An/sggp

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt