Cựu binh 'biến' phế liệu thành xe đạp tặng học sinh nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 1 năm qua, cựu binh Trần Trung Thực (69 tuổi, ở Hà Tĩnh) đã đến các cơ sở thu mua phế liệu tìm mua các bộ phận của xe đạp cũ về tân trang thành xe đạp như mới, để tặng cho học sinh nghèo.

Tằn tiện chi tiêu mua phụ tùng xe cũ

Năm 1978, trở về quê sau quá trình điều trị tại Bệnh viện 7A (Cục Hậu cần Quân khu 7) vì bị trúng đạn khi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông Trần Trung Thực (ngụ tại thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), lấy vợ rồi hành nghề sửa xe đạp mưu sinh qua ngày. Hành nghề sửa xe đạp 40 năm qua và hưởng phụ cấp nạn nhân chất độc hóa học gần 1,8 triệu đồng/tháng, nhưng cuộc sống của vợ chồng ông Thực vẫn thiếu trước hụt sau.

 

Ông Trần Trung Thực ráp xe đạp cũ thành xe đạp như mới tặng học sinh nghèo.
Ông Trần Trung Thực ráp xe đạp cũ thành xe đạp như mới tặng học sinh nghèo.

Tiệm sửa chữa xe đạp của ông Thực nằm cạnh quốc lộ 15A, hằng ngày chứng kiến cảnh nhiều em học sinh nghèo phải lội bộ đường xa đến trường vì không có tiền mua xe, nên ông Thực bàn với vợ tìm cách giúp đỡ các cháu học sinh đến trường thuận lợi hơn.

“Hầu hết người dân đến chỗ tôi sửa xe đạp đều có hoàn cảnh khó khăn. Có người đưa xe đạp đến thay săm nhưng chiếc lốp đã hết đát, nếu thay săm mới vào cũng như không. Nhưng nếu thay toàn bộ thì họ không có tiền trả. Rồi có gia đình có tới 4 đứa con đi học nhưng chỉ có duy nhất 1 chiếc xe đạp, anh em trong nhà luân phiên nhau sử dụng để đến trường. Có gia đình nghèo đến nỗi không mua nổi chiếc xe đạp cho con. Chứng kiến cảnh đó, đầu năm 2017, tôi bàn với vợ để dành tiền mua xe đạp cũ về sửa sang lại, tặng cho các cháu học sinh”, ông Thực nói.

Ông Thực đã từ bỏ hút thuốc lá, tằn tiện chi tiêu trong gia đình để thực hiện dự định của mình. Khi tích cóp được một khoản tiền, ông bắt đầu đến các cơ sở thu mua phế liệu, tìm mua những sườn xe đạp cũ, còn tốt với giá rẻ, đưa về nhà để dành. Cứ mỗi khi dành dụm được ít tiền, ông Thực lại mua thêm các bộ phận khác của xe đạp cũ như xích, líp, săm lốp, ốc vít, bu lông…

Mua được tới đâu, ông Thực tự tay lắp ráp xe tới đó. Dưới bàn tay của người thợ sửa xe lành nghề, những chiếc xe đạp cũ người dân bỏ đi được ông “biến” thành những chiếc xe đạp đẹp đẽ, chắc chắn.

12 chiếc xe đạp đến tay học sinh nghèo

Nhiều khi xe đạp mới sửa xong, nhiều người dân hỏi mua với giá cao nhưng ông Thực cương quyết không bán. Chi phí sửa chữa một chiếc xe như vậy tốn khoảng 400.000 đồng.

“Số tiền để lắp ráp một chiếc xe hoàn chỉnh cũng khá lớn, nhưng nhiều hơn cả là công sức mình bỏ ra. Dù hoàn cảnh gia đình mình còn thiếu thốn nhưng khi nghĩ về bọn trẻ, sợ các em đứt gánh việc học giữa chừng, càng thôi thúc tôi phải sửa nhiều xe hơn nữa để tặng cho các em”, ông Thực giải thích.

Tháng 9-2017, khi sửa được 12 chiếc xe đạp cũ hoàn chỉnh, ông Thực đã liên hệ với Ban Giám hiệu Trường tiểu học Mỹ Lộc và Trường THCS Mỹ Lộc, trao tặng những chiếc xe đạp này cho 12 em học sinh nghèo trong ngày khai giảng năm học mới. Ông Thực dự định trong năm nay sẽ vận động thêm cả Hội Cựu chiến binh xã tham gia hỗ trợ mua xe đạp cũ về sửa sang. Ông đặt mục tiêu trong năm sẽ tặng 10 xe đạp cho các em học sinh vào thời điểm khai giảng năm học mới.

Trao đổi với P.V, ông Trần Đình Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, cho biết việc làm của ông Thực đang phần nào chắp thêm đôi cánh cho các em học sinh nghèo trên con đường đến trường. Hy vọng tấm gương của ông Thực sẽ ngày càng lan tỏa, các nhà hảo tâm sẽ chung tay hỗ trợ cho các em học sinh nghèo hiếu học.

“Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng ông Thực đã có việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực, giúp đỡ những cháu có hoàn cảnh nghèo khó có được phương tiện đến trường. Chúng tôi rất tự hào và cảm ơn trước nghĩa cử tốt đẹp của ông ấy với cộng đồng”, ông Trung nói.

Phạm Đức/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...