Bí ẩn ngôi mộ cổ trên 2.000 năm ở Đồng Nai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với niên đại trên 2.000 năm và có giá trị về nhiều mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, Mộ cự thạch Hàng Gòn đã được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Thế nhưng, đến nay trải qua gần 100 năm kể từ ngày được phát hiện, Mộ cự thạch Hàng Gòn vẫn còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Một di chỉ độc đáo

Theo tài liệu của Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, Mộ cự thạch Hàng Gòn được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1927, khi mở đường liên tỉnh lộ 2 (quốc lộ 56 ngày nay), kiến trúc sư người Pháp tên là J.Bouchot đã phát hiện một tảng đá nhô cao bên cạnh gốc cây cổ thụ và ông đã tiến hành khai quật trong vòng 1 tháng (từ ngày 14-4 đến 16-5-1927).

Sau đó, ông J.Bouchot đã công bố kết quả nhiều lần vào năm 1927 và năm 1929, đồng thời mô tả hầm mộ một cách tỉ mỉ: Hầm mộ có kiểu dáng hình hộp, chiều dài 4,2m, chiều ngang 2,7m, chiều cao 1,6m, được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương, mỗi tấm có tỷ trọng 10 tấn, chúng được giữ chặt với nhau nhờ hệ thống rãnh đục ở dưới nắp mộ và tấm đáy với rãnh 10cm, sâu 4-5cm. Nắp mộ được nâng hạ nhờ hệ thống trục ròng rọc bằng những cột đá hoa cương cao 7,5m và đá sa thạch cao 3-4m.

Sau các kết quả công bố của J.Bouchot, Mộ cự thạch Hàng Gòn đã thu hút sự chú ý và quan tâm nghiên cứu của nhiều khoa học nổi tiếng trên thế giới, trong đó có ông Henry Parmentier người Pháp - Chủ sự Sở khảo cổ, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa cổ.

 
Mộ cự thạch Hàng Gòn được ghép bằng 6 tấm đá hoa cương nặng hàng chục tấn
Mộ cự thạch Hàng Gòn được ghép bằng 6 tấm đá hoa cương nặng hàng chục tấn



Ông Henry Parmentier đã ba lần viếng thăm Mộ cự thạch Hàng Gòn và đã đưa ra một phác thảo về toàn bộ cấu trúc của ngôi mộ (bản vẽ suy đoán của ông hiện nay đã được Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai thể hiện lại dưới dạng mô hình và đang trưng bày tại nhà bao che hầm mộ của di tích).

Tiếp theo Henry Parmentier, hàng loạt học giả, các nhà nghiên cứu và giới khảo cổ học Việt Nam sau năm 1975 đã tổ chức nhiều đợt điều tra kiểm chứng Mộ cự thạch Hàng Gòn.

Trong đó, đáng chú ý nhất là các đợt điều tra khảo sát phối hợp của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện Khoa học - Xã hội TPHCM với Bảo tàng Đồng Nai năm 1991, năm 1996 đã góp phần bổ sung chứng cứ cho việc nghiên cứu, luận giải về di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn.

Sau khi khu phòng mộ được phát lộ, người dân đã dựng ngôi miếu nhỏ kế bên và đặt tên là miếu Ông Đá.

Năm 2011, được sự chấp thuận của Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa, UBND tỉnh Đồng Nai, dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn được triển khai với các hạng mục công trình: Bảo tồn các cấu kiện kiến trúc đá, xây dựng nhà bao che hầm mộ, hàng rào bảo vệ xưởng chế tác, nhà điều hành, nhà trưng bày, nhà bảo vệ, cổng tường rào, nhà vệ sinh, sân đường nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, chống sét, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng toàn khu... tạo nên diện mạo như di tích ngày nay.

Hàng năm vào ngày 13-9 âm lịch, Ban Quý tế miếu Ông Đá phối hợp với các cơ quan chức năng xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh cùng Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, long trọng tổ chức Lễ hội miếu Ông Đá mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thể hiện lòng ngưỡng vọng của người dân địa phương với các bậc thần linh.

Lễ hội diễn ra với những hoạt động phong phú và hấp dẫn theo nghi thức và phong tục tập quán của người Việt, thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc sinh sống quanh khu vực.

Hé lộ nền văn minh sông Đồng Nai

Năm 2006, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học - Xã hội TPHCM tổ chức điều tra, đào thám sát trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn nhằm nghiên cứu sâu hơn về mộ cổ Hàng Gòn làm cơ sở lập dự án bảo tồn, tôn tạo.

Đợt đào thám sát năm 2006, trên diện tích rộng gần 400m2, với 58 hố, các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều mảnh gốm cổ, các dấu vết than tro, đất cháy trong tầng văn hóa và một số hiện vật quý, có thể nói là độc nhất vô nhị, đó là 2 tù và bằng đồng, 2 thẻ đá, cùng 1 bàn mài.

Sau khi dùng phương pháp carbon C14 phân tích, xác định niên đại 5 mẫu than, cho thấy mẫu có niên đại sớm nhất là 150 năm trước Công nguyên (thế kỷ thứ II trước Công nguyên) và mẫu có niên đại muộn nhất là 240 năm sau Công nguyên (thế kỷ thứ III sau Công nguyên).

Từ kết quả trên, các chuyên gia khảo cổ học đã xác định, xung quanh khu vực Mộ cự thạch Hàng Gòn đã từng là địa bàn cư trú của cộng đồng người cổ, có thể là chủ nhân của Mộ cự thạch Hàng Gòn.
Những vết đất cháy là dấu vết của những bếp lửa, chỗ nung gốm hay là lò luyện kim đồng và bên cạnh cấu trúc Mộ cự thạch Hàng Gòn đồ sộ có lẽ cũng đã tồn tại phong tục mai táng trong chum, trong vò bằng gốm.

Bí ẩn hấp dẫn

Ông Lê Trí Dũng-Giám đốc Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai, cho biết gần một thế kỷ từ khi được phát hiện đến nay, Mộ cự thạch Hàng Gòn vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều giới và khách tham quan.

Trong đó, kiến trúc Mộ cự thạch, hình thức tín ngưỡng liên quan của cư dân cổ vẫn còn là một sự bí ẩn hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu. Như về hình thức kiến trúc gốc của Mộ cự thạch Hàng Gòn, căn cứ vào số lượng chi tiết đá còn lại, có nhiều ý kiến khác nhau về đồ án khôi phục cấu tạo nhà mồ ban đầu.

Có đồ án phỏng theo nhà mồ của các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, từ nhà đá đến nhà gỗ là cả một quá trình dài, không dễ có sự lặp lại về cấu trúc.

Ngoài ra, các chi tiết đá còn lại chưa đủ để dựng một ngôi nhà như vậy; việc khớp nối các cột đá ổn định trong tư thế dựng đứng là vấn đề không hề đơn giản và hệ thống móng để giữ yên vị trí các cột đá hiện không phát hiện ở di tích thì quả là không dễ tìm ra câu trả lời cuối cùng.

Hay theo các nhà địa chất, 6 tấm đá hoa cương được sử dụng làm mộ chỉ có ở Đà Lạt hoặc ở Phan Rang (ngày nay). Để di chuyển những khối đá lớn nặng hàng chục tấn, đi quãng đường xa trên 100km trong điều kiện không có đường thủy lẫn đường bộ, có thể nói là một kỳ tích của những người xây mộ.


Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết là người Việt cổ đã biết tập hợp nhau lại tạo thành sức mạnh phi thường mới có thể vận chuyển được những cấu kiện bằng đá lớn như vậy, ngay cả đền Angkor (Campuchia) cũng không thấy những tảng đá to nặng như thế. Tuy nhiên, đây chỉ là những giả thuyết, những bí ẩn trên có lẽ sẽ chờ những khám phá mới của khảo cổ học để có câu trả lời xác đáng nhất.

Tiến Minh (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.