Ân tình với những người lính Gạc Ma

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày giỗ của 64 người lính hy sinh ở đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) được tính là ngày 27 tháng Giêng bởi ngày 14-3-1988 trùng vào lịch âm. Chúng tôi trở về miền quê Quảng Bình, nơi có 13 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến đó, nhiều gia đình không chỉ giỗ cho con cái của mình mà còn hương khói 64 liệt sĩ từ 30 năm nay.

30 năm cúng vọng đồng đội của con

 

Gia đình cụ Nhỏ làm giỗ cả 64 liệt sĩ, gồm cả con và đồng đội của con.
Gia đình cụ Nhỏ làm giỗ cả 64 liệt sĩ, gồm cả con và đồng đội của con.

27 tháng Giêng năm nay trùng với 14-3, cụ Hoàng Nhỏ (90 tuổi) xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), thân phụ của liệt sĩ Hoàng Văn Túy, dặn con cháu trong nhà tề tựu đông đủ, làm mâm cơm tươm tất, sắp tất thảy 64 đôi đũa, 64 cái bát. Cụ nói, rồi đứa con dâu ghi lại trên mảnh giấy nhỏ những thức ăn, vật phẩm cần mua làm đủ 5 mâm cơm.

Vào gần ngày giỗ, cụ Nhỏ đêm nào cũng thắp hương trên trang thờ, khấn cầu cho những người lính biển ở Trường Sa được an toàn, khấn cầu con của cụ và đồng đội độ trì cho các thế hệ lính biển sức khỏe, sự kiên cường. Cụ cũng lên lịch mời hàng xóm, cán bộ xã cùng về dự bữa cơm mặn tưởng nhớ ngày con mình và đồng đội đã xả thân vì biển đảo trong sự kiện bi tráng Gạc Ma ngày 14-3-1988.

Cụ Nhỏ kể: “Cứ 5 năm thì làm một bữa giỗ 5 mâm, còn những năm khác thì chỉ trong gia đình. Làm giỗ, sắp 64 đôi đũa, 64 cái bát để mời đồng đội của con cùng về dự. Tiền chế độ liệt sĩ nhà nước cấp 1 triệu đồng mỗi tháng, tui gom góp mua hương hoa đèn nến. Hồi đó làng biển nghèo lắm, không có điện thoại, không có báo, chỉ nghe người làng kể là thông tin từ xã, con tui cùng đồng đội hy sinh. Cũng cả tháng sau mới biết. Các con không sinh ra một ngày, nhưng hy sinh cùng ngày, cùng giờ, cùng tháng nên ai tui cũng coi như con của mình. Ngày giỗ, trước là giỗ con trong nhà, sau thì trịnh trọng mời đồng đội của con cùng về hưởng chút hương hoa, lễ bạc để cảm ơn các con đã cùng nhau chiến đấu. Khi còn sống thì mỗi đứa một quê, khi mất cùng nhau thì khấn mời đồng đội của con cùng chung bữa cơm đạm bạc. Tui nghĩ, mẹ cha của các liệt sĩ dù ở địa phương mô, đến ngày cũng giỗ cho con và cũng đều mời đồng đội của con về nên tui cũng làm như vậy, đâu cũng là con cái của mình”.

Ngày xưa, cụ Nhỏ tất bật trên biển đánh bắt, bữa giỗ là sản vật con cá, củ khoai của làng, nay có chút tiền cháu con góp vào, cụ làm đủ đầy để khói hương ấm cúng hơn. Đã 30 năm như thế, không một năm nào đến ngày thiêng mà cụ quên khói hương. Ở tuổi gần đất xa trời, cụ dặn con cái: “Khi bọ (ba) mất đi thì cứ nối tiếp làm cơm nước đủ đầy ngày giỗ thằng Túy, sắp đủ 64 cái bát, 64 đôi đũa, cung kính mời các liệt sĩ về chung bữa cho đúng đạo đồng đội xưa nay bọ vẫn làm”, 6 con của cụ Nhỏ đều hứa sẽ làm đúng như những gì cụ dặn. Anh Hoàng Văn Vũ, con út ở với cụ Nhỏ, nói: “Em sẽ làm như những gì lời bọ dặn, vì các anh xứng đáng như vậy”.

Không chỉ nhà cụ Nhỏ, những gác nhà khác của các liệt sĩ Gạc Ma có gốc gác Quảng Bình cũng dâng hương viếng vọng anh linh của 64 liệt sĩ. Cụ Hồ Thị Đức (phường Quảng Phúc, xã Ba Đồn), mẹ của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, người nổi tiếng với câu nói: “Chúng ta thà hy sinh, nhất quyết không để mất cờ mất đảo” cũng thắp đủ 64 nén hương, như tấm lòng người mẹ che chở những đứa con đi xa. Bên dòng Kiến Giang, tại làng Tả Phan, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, ngoài hương khói giỗ chồng, chị cũng xới cơm đủ bát mời đồng đội của chồng. Chị nói: “Ngày đó anh em có nhau, về bên kia đi đâu cũng có nhau, nên bữa cơm tui vẫn cúng mời hương hồn đồng đội anh Phong về cho ấm cúng nhà cửa”.

Huân chương bên những trang thờ

 

Anh hùng Trần Văn Lanh hạnh phúc vì còn được trở về với mẹ.
Anh hùng Trần Văn Lanh hạnh phúc vì còn được trở về với mẹ.

Gia đình của những liệt sĩ hy sinh trong hải chiến 14-3-1988 đều có tấm huân công trang trọng của con cái ở gian nhà giữa. Cụ Nhỏ nói, trước đây nhà lợp cỏ rười, bằng liệt sĩ của con cũng để giữa nơi tốt nhất, mưa bão mấy chục năm giấy tờ ố vàng, có khi mối mọt đục thủng ở góc nhưng không ai có thể quên”.

Cụ Nhỏ treo một bên tấm bằng liệt sĩ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký với dòng chữ ghi công: “Đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, một bên treo tấm bằng Huân chương Chiến công hạng Ba: “Đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa” do Chủ tịch nước Võ Chí Công ký. Trên trang thờ của gia đình mẹ Đức, tấm bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang của anh Trần Văn Phương được đề từ: “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc”. Tấm Huân chương Chiến công hạng nhất của anh hùng Trần Văn Phương ghi: “Đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa”.

Bao nhiêu người hy sinh là bấy nhiêu sự vinh quang của huân công yêu nước. Tên tuổi của những người lính ngã xuống vì Trường Sa thân yêu mãi mãi sẽ không thể bào mòn, tên tuổi của những người lính có mặt tại trận hải chiến 14-3-1988 luôn được xướng lên, nhắc nhớ trong tâm khảm người dân nước Việt. Vì thế mà thời gian trôi đi, lớp anh phục viên trở về, lớp em lại lên đường nhập ngũ ra với Trường Sa. 10 năm trở lại đây, Quảng Bình đã có hơn 2.210 con em lên đường vào các đơn vị hải quân, chủ yếu là ra với Trường Sa. Trong đó có con cái của các liệt sĩ đã ngã xuống ở Gạc Ma. Con gái của anh hùng Trần Văn Phương là Trần Thị Thu Thủy là một minh chứng, cô đã noi gương cha vào binh chủng hải quân đúng ngay đơn vị ngày xưa ba cô làm nhiệm vụ. Hay như hai con trai của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) cũng làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu biển đảo.

Có lẽ chiến sĩ Gạc Ma Trần Văn Lanh là cá nhân duy nhất được phong anh hùng trong trận hải chiến 14-3-1988 còn sống. Quê anh ở xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Tình cờ gặp được anh Nguyễn Văn Lanh ở quê nhà, anh cho biết vẫn còn nỗi ám ảnh của trận hải chiến năm xưa. Anh được Bộ Tư lệnh Hải quân bố trí làm việc tại Nhà khách Bộ Tư lệnh ở phía Nam tại TPHCM. Năm nay về quê để thăm mẹ già đã gần 90 tuổi, anh Lanh tâm sự: “Mình là người may mắn còn sống sót trở về với mạ (mẹ) để mạ xoa đầu, được mạ nấu cơm cho ăn, để mạ gọi tên, để mạ hỏi vợ. Những đồng đội không được trở về khiến mình buồn thương vô cùng”. Mỗi năm đến ngày giỗ âm lịch, hay ngày kỷ niệm dương lịch trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, anh vẫn hương khói trên trang thờ cho đồng đội.

Không chỉ gia đình các liệt sĩ nhớ về trong ngày giỗ, mà người trở về cũng trọn đạo hiếu đồng đội tưởng nhớ ngày các anh hy sinh ở Gạc Ma. Cựu binh Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh) là người vừa thả đèn hoa đăng hôm 11-3 tưởng nhớ các đồng đội trên bờ biển Cẩm Xuyên chia sẻ: “Mỗi năm bằng cách này, cách khác, tôi tổ chức anh em còn sống sót trở về gặp nhau, ôn lại câu chuyện của 30 năm trước, tưởng niệm những đồng đội đã vì biển đảo quê hương mà hy sinh. Chúng tôi không bao giờ quên”.

Anh Thảo là người đã nhiều năm dày công kết nối, tìm kiếm đồng đội cũ để lập ra Ban liên lạc Cựu binh Gạc Ma, không những thế, anh còn kết nối nhiều kênh thông tin để nhờ các cá nhân, tập thể giúp đỡ nhiều phận đời người lính khó khăn sau ngày trở về.

Anh kể: “Tôi đau đáu phải tìm hết tất cả đồng đội cũ, dù ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất nước Việt. Năm này tìm kiếm chưa hết thì năm sau, năm sau nữa, tìm kiếm đến khi nào sức lực không còn để biết về nhau, nhớ về nhau. Ai khó khăn thì nhờ giúp đỡ, ai thành danh thì mừng vui chia sẻ”.

Không những thế, anh Thảo còn tìm về gia đình các liệt sĩ Gạc Ma để thắp nén nhang tri ân: “Tôi về với các mẹ, các cha của liệt sĩ, về với vợ con của anh em để được nhận là con với bậc sinh thành đồng đội, để thắp lên nén nhang mà bao nhiêu năm chưa tìm được thông tin”.

Minh Phong/sggp

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.