Tết của những thân phận không nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tết về, không khí ấm cúng bên gia đình, bạn bè và người thân trở nên quen thuộc với mỗi người. Nhưng hạnh phúc tưởng chừng rất đỗi bình dị ấy lại là ước mơ rất xa vời đối với những mảnh đời bất hạnh, hàng ngày phải bươn chải, mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Họ dường như đã quên cảm giác được hưởng cái Tết sum vầy, đầm ấm và yêu thương.

Những tâm sự buồn

 

Chị Loan (trái) trò chuyện với một người đi làm từ thiện ngày Tết.
Chị Loan (trái) trò chuyện với một người đi làm từ thiện ngày Tết.

Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều người lao động nghèo, vô gia cư lang thang, cơ nhỡ vẫn phải “vật lộn” với công việc mưu sinh của mình. Họ thường tập trung khắp các con đường ngõ hẻm ở Sài thành khi đêm về. Trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, khu này nhịp sống yên bình, không ồn ào tấp nập và cũng không có nhiều dân giang hồ quậy phá nên giấc ngủ đêm giúp họ được trọn vẹn hơn. Hơn nữa, bà con nơi đây có tấm lòng hảo tâm thường đến giúp đỡ cho họ, lúc thì là những phần cơm, bịch sữa, gói bánh, lúc thì là cái chăn, cái chiếu…Tất cả những con người mà chúng tôi gặp nơi đây đều có cùng một điểm tương đồng là họ không nhà không cửa, nhưng mỗi người lại có một câu chuyện khác nhau đẩy họ vào tình cảnh hiện tại.

Bà Thúy (62 tuổi), trước kia cũng có sức khỏe và gia cảnh tốt, nhưng sau đó cuộc đời bà gặp nhiều biến cố. Để rồi giờ đây, ban ngày bà chỉ còn có thể nhặt ve chai và đêm về nằm ngủ vỉa hè trên con phố này.

Bà tâm sự: “Tôi trước vốn ở ngoài Phú Thọ. Sau xảy ra nhiều việc khiến tôi phải lang bạt vào Sài Gòn. Đây là cái Tết thứ mười của tôi trong hoàn cảnh này. Riết rồi tôi cũng quen. Gia đình tôi khổ quá, ruộng đất vườn tược nhà cửa đều mất hết cả. Con cháu cũng ly tán, mỗi đứa đều đón Tết ở một nơi. Tôi lớn tuổi rồi, còn làm lụng gì được nữa. Giờ chỉ còn cái nghề lượm ve chai kiếm đồng ra đồng vô để sống qua ngày thôi chứ chẳng mong muốn gì nữa đâu”.

 

Đây là cái Tết thứ 6 mà ông Quang ở vỉa hè, ông đã quen với những đêm giao thừa giá lạnh nơi đất khách quê người.
Đây là cái Tết thứ 6 mà ông Quang ở vỉa hè, ông đã quen với những đêm giao thừa giá lạnh nơi đất khách quê người.

Một hoàn cảnh khác là chị Loan (36 tuổi), phải dứt ruột để lại đứa con thơ ở quê mà vào Sài Gòn bươn chải. “Tôi quê ở Nam Định. Chồng có vợ bé, nên bỏ hai mẹ con tôi vất vưởng. Nhà nghèo lắm, ở đó làm không ra tiền nên tôi gửi con lại cho bà ngoại chăm sóc rồi lên đây lang thang lượm ve chai kiếm sống cũng được hai năm rồi. Nhiều lúc tôi nhớ con, nhưng không làm thì sao có tiền mà gửi về cho con có cái ăn cái mặc. Nên thôi đành bấm bụng Tết ở lại đây luôn kiếm được đồng nào hay đồng đó, ra tháng giêng có dư chút đỉnh, tàu xe giá rẻ hơn thì về thăm con sau”, chị Loan tâm sự mà nét mặt buồn não nùng.

Còn ông lão đạp xích lô tên là Quang (64 tuổi) ngủ ở vỉa hè trên đường Lê Đại Hành, quận 11 cũng có hoàn cảnh đáng buồn. Nhà cửa mất hết, ông rời Bình Phước để về con đường này khi mà sức lao động chẳng còn nhiều.“Cậu hỏi tại sao tôi phải ra đây hả? Là vì tôi không còn nhà nữa. Trước kia cũng có nhà có cửa, cũng đàng hoàng lắm nhưng rồi vì chuyện tranh chấp tài sản, vợ con đẩy tôi ra đường. Tôi không về được, 6 năm tôi lang bạt rồi cậu. Giờ ráng kiếm gì đó để làm đặng còn có chút tiền, nhưng tuổi đã già, cũng chẳng lựa chọn được gì nhiều đâu cậu”, ông Quang trải lòng.

Một số trường hợp chúng tôi gặp, họ cũng còn người thân, nhưng lại không muốn nương tựa bởi con cháu cũng có hoàn cảnh khó khăn, không muốn làm gánh nặng cho con cháu. Như ông Lâm Diễn (58 tuổi) là người gốc Hoa, cũng đã nhiều năm ông không còn về quê, dù đó là ngày Tết. Ông Diễn kể: “Lúc trước tôi ở Bến Tre, gia sản cũng thuộc hàng “thứ dữ” đó. Nhưng rồi đầu tư làm ăn mấy vụ liên tiếp thất bại, thua lỗ nặng nề, nhà cửa tài sản phải bán đi hết để trả nợ nên chẳng còn chỗ ở. Tôi đâm ra chán nản, chẳng thiết tha gì nữa. Vợ con tôi bây giờ cũng có nơi ăn chốn ngủ đàng hoàng, nhưng tui không muốn làm phiền họ. Tôi lên đây lang thang. Ban ngày cứ ra ngoài chợ ngồi rồi ai kêu gì thì làm nấy thôi, kiếm chút tiền xài được ngày nào hay ngày đó”.

 

Không nhà, con đường, vỉa hè Sài Gòn là hạnh phúc đối với những thân phận phải đón Tết trong cô đơn, tủi lạnh.
Không nhà, con đường, vỉa hè Sài Gòn là hạnh phúc đối với những thân phận phải đón Tết trong cô đơn, tủi lạnh.

Mong ngày mai tươi sáng

Sống bên vỉa hè lang thang, vất vưởng thì có ngày nào là yên bình? Vất vả mưu sinh cả ngày là vậy, nhưng khi mỏi mệt, muốn tìm một chỗ đặt lưng, họ cũng nơm nớp lo sợ bị đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội vì các lực lượng chức năng như dân quân địa phương hay cảnh sát khu vực đều thường xuyên có chiến dịch truy quét lòng lề đường mà cao điểm là những đợt cuối năm, giáp Tết. “Tui cũng từng bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội rồi. Ở trong đó chán lắm. Sống thế này tuy cực khổ nhưng “phiêu bạt giang hồ” kiếm được chút tiền thì mình thèm gì mua nấy. Như vậy thì đầu óc thoải mái hơn”, ông Quang phân trần.

Với những con người lấy đất làm chiếu, bầu trời sao làm chăn, tài sản quý giá nhất của họ chỉ độc mỗi chiếc xe đạp, xe xích lô... Đó vừa là “của cải”, vừa là phương tiện mưu sinh và cũng là người bạn thân nhất đối với họ.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện, tất cả chỉ mong sao có những người hảo tâm giúp họ một bữa ăn lót dạ qua ngày, đặc biệt là vào dịp Xuân về chứ chưa dám nghĩ đến có một chỗ gọi là nhà. Họ chia sẻ, vào những ngày cận và sau Tết vừa qua, vẫn có những nhà hảo tâm đến và “lì xì” cho họ. Khi là tiền, khi là bánh trái, gói mì… Họ cũng có những phút chạnh lòng khi nhìn ra ngoài kia, trên các con đường là cảnh…“gần xa nô nức yến oanh”. Tết đã qua, họ vẫn luôn phải bươn chải với công việc mưu sinh nặng nhọc, vẫn oằn mình đạp chiếc xe đạp cọc cạch mà rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở cái đất Sài Gòn.

Vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo mà họ đành phải gác lại cái cảm giác được hưởng cái Tết sum vầy, hạnh phúc. Với họ, Tết cũng giống như những ngày bình thường mà thôi, vẫn phải tiếp tục “trường kỳ” lao động, nhưng trong ánh mắt họ vẫn sáng lên niềm tin về một ngày mai “dễ thở” hơn.

Đình Đình/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.