Những chiếc Boeing đầu tiên của Air Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau thương vụ mua những chiếc máy bay DC6 và Cessna năm 1962, Air Việt Nam (AVN) còn tiếp tục mua thêm một số máy bay khác cho đến đầu thập niên 1970.

Một mặt, hãng vẫn mua một số máy bay cánh quạt để đảm đương tuyến bay gần nối liền các tỉnh trong nước như DC3, DC4, DC6... nhưng trọng tâm của hãng đã chuyển sang thế hệ máy bay phản lực hiện đại hơn.

Đàm phán mua phản lực

 
Máy bay B727 hiện đại của Air Việt Nam - Ảnh tư liệu
Máy bay B727 hiện đại của Air Việt Nam - Ảnh tư liệu

Đặc biệt nhất là thương vụ năm 1967 AVN chọn mua Boeing 727 chuyên chở hành khách bay quốc tế.

Đây là thương vụ được sự chú ý đặc biệt của Chính phủ Sài Gòn vì cùng lúc mua cả hai chiếc phản lực thương mại hiện đại do Mỹ sản xuất trong bối cảnh kinh tế thời chiến miền Nam lúc ấy rất khó khăn.

Thật sự ngay từ năm 1962, khi Tân Sơn Nhất được nâng cấp thành phi trường hạng A với đường băng dài 3.000m đảm bảo vận hành các phản lực cơ hạng nặng, AVN đã tính toán phải trang bị loại máy bay hiện đại này.

Tuy nhiên, do khả năng tài chính AVN chưa thể đáp ứng kịp thời mong muốn này, nên đội bay phản lực ban đầu của hãng chủ yếu là máy bay thuê để cùng lúc đào tạo phi công.

Việc chuẩn bị mua thêm máy bay phản lực của AVN được khởi động từ cuối năm 1966 đến năm 1967 thì chính thức thực hiện. Hãng cử hẳn một phái đoàn gồm bốn cán bộ, chuyên gia đi Mỹ và Pháp để thương thuyết chọn mua máy bay.

Trưởng đoàn là kỹ sư không vận Nguyễn Từ Thiện, giám đốc Nha Hàng không dân sự kiêm quản trị viên AVN.

Ba thành viên còn lại là các kỹ sư cao đẳng hàng không Nguyễn Đình Lân, chánh sự vụ Sở Không tải Nha Hàng không dân sự; kỹ sư kiến tạo hàng không Nguyễn Tấn Việt và ông Nguyễn Xích Hào, phó giám đốc thương vụ AVN.

Trong chuyến đi "con thoi" 20 ngày, họ đã chính thức làm việc với các hãng Boeing, Douglas, Continental Airlines, Pan American World Airways (PAN AM) tại Mỹ và Air France ở Pháp.

Trước nhu cầu mua máy bay của AVN, các hãng ở Mỹ đã đưa ra nhiều khả năng đáp ứng về loại máy bay phản lực (cùng là Boeing 727 nhưng khác dòng như B727 -100, B727 - 100C), giá cả, thời hạn giao, hỗ trợ phi công.

Hãng PAN AM đề nghị bán hai chiếc B727 - 100C, tổng giá là 11.037.412 USD, thời hạn giao chiếc thứ nhất ngày 5-1-1968, chiếc thứ hai vào ngày 25 cùng tháng.

Hãng Boeing cũng thỏa thuận bán hai chiếc máy bay cùng loại mới như PAN AM nhưng tổng đơn giá chênh lên 11.430.338 USD và thời gian giao chậm hơn, vào tháng 8 và 9-1968.

Trong khi đó, Hãng Douglas tại Santa Monica đề nghị AVN mua hai chiếc DC9 - 30C. Đây là thế hệ phản lực thương mại mới của hãng mà AVN đã vận hành quen thuộc những chiếc cánh quạt đời trước như DC3, DC4, DC6.

Riêng Air France không chào bán máy bay Mỹ, mà thay bằng loại phản lực do Pháp sản xuất cũng khá hiện đại vào thời điểm ấy là thế hệ Caravelle III.

Đồng thời, họ đưa ra các thỏa thuận ưu đãi như lấy chính hai chiếc máy bay mà Air France mới sử dụng để giao nhanh nhất cho AVN một chiếc vào tháng 10-1967 và chiếc còn lại vào năm sau.

Hoặc Air France sẽ mua hai chiếc Caravelle 10R (tương đương với DC9) của nhà sản xuất để bán lại cho AVN với mức giá dưới giá sản xuất.

Ngoài ra, phía Pháp hứa hẹn nhiều ưu đãi khác như sẽ dành điều kiện trả tiền dễ dãi cho Việt Nam, thời gian trả chậm có thể lên đến 10 năm.

Air France cũng cam kết giúp AVN huấn luyện phi hành đoàn, bảo trì, khởi sự khai thác và hỗ trợ cung cấp phụ tùng trong trường hợp khẩn dụng.

Chọn B727 - 100C của Pan Am

 

Xưởng sửa chữa máy bay đầu tiên của Air Việt Nam ở Tân Sơn Nhất.
Xưởng sửa chữa máy bay đầu tiên của Air Việt Nam ở Tân Sơn Nhất.

Ban đầu một vài ý kiến trong phái đoàn Việt Nam có vẻ thiên về mua máy bay CaravelleI III, bởi đội phi công AVN cũng đang quen sử dụng một chiếc loại này để bay đường dài. Đó là chiếc Caravelle được hãng mua từ cuối thập niên 1950 và là chiếc máy bay hiện đại nhất của AVN vào thời điểm ấy.

Tuy nhiên, sau đó đề nghị của Hãng PAN AM đã được Sài Gòn cân nhắc chọn lựa.

Có nhiều lý do quan trọng dẫn đến quyết định này. Ngoài việc Boeing 727 là loại máy bay phản lực sản xuất tại Mỹ mà AVN muốn mua từ đầu, PAN AM còn đưa ra nhiều cam kết có lợi cho phía khách hàng.

Thay vì chỉ giúp hãng bay miền Nam Việt Nam việc tư vấn, nghiên cứu mua máy bay như thỏa thuận ban đầu, sau đó PAN AM sẵn sàng tiến hành "thuê - bán" (lease - purchase) hai chiếc B727 - 100C loại mới nhất.

Thời gian PAN AM cam kết giao máy bay cũng nhanh hơn nhiều hãng khác, một chiếc ngay tháng 9-1967, một chiếc vào tháng 1-1968.

Đặc biệt nhất là PAN AM giúp AVN thiết lập một chương trình viện trợ (Technical Assistance Program) và thực hiện thủ tục thỏa thuận với Cơ quan viện trợ Mỹ USAID. Đồng thời, PAN AM rút giảm một chuyến bay đông khách Sài Gòn - Singapore để nhường lại AVN khai thác...

Ngoài ra, riêng phía Việt Nam còn có thêm một lý do khác để chọn mua máy bay Mỹ vì từ sau năm 1954 hầu hết phi công, kỹ sư hàng không đều được cử đi học tại Mỹ thay vì ở Pháp như trước đây.

Trong hoàn cảnh thời chiến, việc mua sắm phương tiện hay cử người đi đào tạo ở Mỹ đều được hưởng khá nhiều ưu đãi...

 

Thành công ấn tượng

Ngoài các chuyến bay kết nối với tất cả tỉnh, thành từ vĩ tuyến 17 trở vào, AVN với đội bay phản lực hiện đại đã mở rộng được nhiều đường bay quốc tế như Bangkok, Vientiane, Phnom Penh, Hong Kong, Singapore, Manila, Nhật Bản.

Đây là thành công ấn tượng của AVN, đi trước nhiều nước khu vực cả về thế hệ máy bay đời mới, trình độ phi công lẫn các hạ tầng hàng không và cung cách phục vụ chuyên nghiệp...

Ngày 15-12-1967, kỹ sư Lương Khải Siêu, chủ tịch - tổng giám đốc AVN, đã gửi tờ trình lên chính phủ để xin vay số tiền 1,440 tỉ đồng (tương đương 13,053 triệu USD) để thanh toán cho PAN AM hai đợt vào đầu và giữa tháng 1-1968.

Sở dĩ số tiền AVN phải trả cho PAN AM cao hơn mức chào bán ban đầu chỉ khoảng 11 triệu USD cho hai chiếc máy bay, vì hãng còn phải mua thêm nhiều bộ phận rời và phụ tùng.

Riêng thời gian AVN cam kết trả nợ lại cho chính phủ Sài Gòn trong thời hạn 10 năm với lãi suất 3% mỗi năm.

Và bắt đầu từ đây, AVN đã sở hữu riêng mình hai chiếc máy bay phản lực thương mại Boeing 727 - 100C sản xuất tại Mỹ, ước mơ của những người làm hàng không dân sự miền Nam Việt Nam...

Quốc Việt/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.