Hãng bay đầu tiên của người Việt-Kỳ 2: Bài toán mua máy bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời chiến, Việt Nam Hàng không được nhiều hành khách chọn lựa vì đường bộ không an toàn, nhưng hãng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu tiên là mua máy bay, bài toán khó trong tình hình tài chính thiếu hụt thời chiến. Ban đầu hãng chỉ có vài chiếc cánh quạt loại nhỏ như DC3, Bristol, dần dần trang bị thêm các máy bay hành khách lớn hơn như DC6, Caravelle, B707, B727.

 
Một máy bay cỡ nhỏ của Air Việt Nam cho thuê bao chuyến - Ảnh tư liệu
Một máy bay cỡ nhỏ của Air Việt Nam cho thuê bao chuyến - Ảnh tư liệu

Thương vụ DC6

Bước ngoặt phát triển đội bay Air Việt Nam (AVN) bắt đầu từ năm 1954 khi phi trường Tân Sơn Nhất cùng toàn bộ hạ tầng hàng không miền Nam được Pháp chuyển giao dần cho chính phủ người Việt. Chương trình mua sắm máy bay được hãng thực hiện trải đều qua các năm.

Ngày 23-6-1962, chủ tịch AVN Nguyễn Văn Khải gửi tờ trình lên Hội đồng tối cao tiền tệ và tín dụng xin cấp ngoại tệ mua một chiếc DC6-B chở được 78 hành khách và hai chiếc Cessna 310-G chở bảy hành khách, đồng thời bán ra một chiếc DC4.

Lý do AVN đưa ra: "Đường bay Sài Gòn - Hong Kong là trục chính mà doanh nghiệp và du khách ra vào Việt Nam. AVN phải luôn có mặt trên đường bay ấy, nếu không công ty ngoại quốc thao túng không phận của ta...".

"Từ đầu năm 1961, AVN tạm dùng chiếc Viscount trong lúc xúc tiến mua chiếc phản lực. Nay nhận thấy tình trạng giao thời này còn kéo dài, cần thay chiếc Viscount vì phi cơ này phải ghé trạm Đà Nẵng lấy xăng nên hành khách chuyến Sài Gòn - Hong Kong ngày càng thưa thớt".

"Trong lúc chờ đợi phi cơ phản lực, chúng tôi thấy việc thay thế phi cơ Viscount bằng DC6-B là có lợi và đã mướn của Hãng Northwest Orient Airlines (NWA) một phi cơ loại này từ 21-2-1962".

"Phi cơ DC6-B bền bỉ, có nhiều an ninh. Các công ty như Cathay Pacific Airways, TAI, Thai International Airlines đã nhờ nó mà làm nên, và nó còn có giá trị cao trong vùng Đông Nam Á và Viễn Đông (hôm trước Japan Ailines mua của NWA ba chiếc DC6-B, một thứ với chiếc DC6-B mà NWA cho AVN mướn hiện tại).

Mai sau, dầu AVN sắm phi cơ phản lực, chiếc DC6-B này cũng tiếp tục hữu dụng ở các phi trường mà các phi cơ phản lực không đáp được...".

Theo tờ trình AVN, từ tháng 2 đến tháng 4-1962, hãng thu được trung bình mỗi giờ bay DC6-B thuê là 36.740 đồng trong khi phí khai thác 34.300 đồng. Air France nhận hợp tác với AVN trong khai thác chiếc DC6-B này trên đường Hong Kong - Sài Gòn.

Dự trù mỗi chuyến bay, AVN có thể được chia 40 hành khách trong khi với 31 hành khách đã đủ vốn khai thác.

Ông Khải cho biết Hãng NWA định giá bán chiếc DC6-B là 450.000 USD. Theo khế ước cho thuê, nếu AVN mua trong sáu tháng đầu sẽ được NWA hoàn lại mỗi ba tháng là 63.870 USD.

Tính tới ngày 20-6-1962, nếu AVN mua chiếc DC6-B này thì chỉ phải trả 365.000 USD. Còn phụ tùng và bộ phận rời cần thiết trị giá 120.000 USD, NWA bằng lòng cho thuê nếu AVN cần.

Theo đó, hãng bay miền Nam Việt Nam đề nghị chính phủ Sài Gòn cấp 365.000 USD để mua chiếc DC6-B của NWA đang cho AVN mướn, và trong tương lai nếu cần, cấp thêm 120.000 USD để mua phụ tùng và bộ phận rời cần thiết.

Máy bay Cessna cỡ nhỏ được ưa chuộng

 

Lễ đón chiếc máy bay trực thăng đầu tiên Air Việt Nam mua cuối thập niên 1950 về đến Tân Sơn Nhất.
Lễ đón chiếc máy bay trực thăng đầu tiên Air Việt Nam mua cuối thập niên 1950 về đến Tân Sơn Nhất.

Từ đầu năm 1962, AVN đã khai thác hai chiếc Cessna 185 (loại một động cơ, chở năm hành khách) để bay thường xuyên từ Sài Gòn đi An Xuyên, Phong Dinh, Ba Xuyên, Phan Thiết, Khánh Hưng, Cần Thơ, Long Xuyên, Hà Tiên, Cà Mau...

Loại máy bay nhỏ này có thể cho cơ quan thuê bao như các bộ của chính phủ, Công ty đường Hiệp Hòa, Công ty Ximăng Hà Tiên, USOM Mỹ... bay đi công tác.

Năng suất khai thác máy bay đạt 70% và liên tục tăng lên: tháng 1-1962 bay 82 giờ, tháng 2 bay 171 giờ, tháng 3 bay 208 giờ, tháng 4 bay 154 giờ. Các đường bay kể trên đều thực hiện mỗi tuần hai chuyến khứ hồi. Giá thuê bao tối thiểu là 2.500 đồng cho mỗi giờ bay.

Theo AVN, hai chiếc Cessna 185 rất đắt khách. AVN đánh giá ít nhất mỗi tháng cũng bay được 400 - 450 giờ loại máy bay nhỏ, nên cần thiết phải mua thêm hai chiếc nữa.

Và theo ông Khải, loại máy bay Cessna 310-G được đề xuất chọn mua vì dùng được trên những đường băng ngắn (chỉ khoảng 550m), có thể bay từ Sài Gòn đến bất cứ nơi nào trong xứ ta.

Đặc biệt, loại Cessna 310-G hai động cơ này bay đạt tốc độ 270km/h trong khi Cessna 185 bay chỉ 170km/h, DC3 là 240km/h. Ngoài ra, lợi nhuận thu được từ Cessa 310-G trên chi phí khai thác cũng lợi hơn loại Cessna 185.

Giá cả hai chiếc Cessna 310-G khoảng 70.000 USD và có thể nhận nhanh máy bay sau 55 ngày kể từ khi đặt cọc mua.

Tờ trình mua máy bay Cessna 310-G được Hội đồng tối cao tiền tệ và tín dụng do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ chủ trì xét duyệt. Sau đó, nó tiếp tục được trình lên tổng thống Ngô Đình Diệm và được chấp thuận.

Ngoài việc mua chiếc DC6-B, AVN còn tiếp tục mua thêm một chiếc DC6 khác khi Air France thu hồi hai chiếc Viscount đang cho hãng thuê, đồng thời đổi lại một chiếc DC6 khác theo nhu cầu từ phía Việt Nam.

 

Kinh doanh thuận lợi

Cùng tờ trình mua máy bay mới, AVN còn đính kèm tình hình kinh doanh của hãng. Năm 1961, hãng thu được số ngoại tệ 3.054.367 USD, chi tổng cộng 1.447.967 USD, dư 1.606.400 USD. Năm 1960 thu 2.488.162 USD, chi 1.562.813 USD, dư 926.349 USD.

Như vậy, tình hình kinh doanh của AVN tăng trưởng thuận lợi, đủ khả năng mua thêm máy bay nếu được phép của chính phủ.

Thỏa thuận cụ thể là sau khi nhận lại hai chiếc Viscount, Air France sẽ mua một chiếc DC6 từ Air Liban và bán chịu lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó thương vụ với Liban không thành, Air France chuyển hướng mua máy bay từ Hãng CPA Hong Kong...

Lý do Air France đồng ý những thỏa thuận có lợi cho AVN vì họ vừa là đối tác liên doanh với hãng bay Việt Nam, vừa được độc lập kinh doanh các tuyến bay đắt khách ở Sài Gòn, xứ sở vốn từng chịu ảnh hưởng nặng từ Pháp.

Quốc Việt/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).