Phía sau làn sóng di cư-Bài 1: Ào ạt rời quê ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ đã rời bỏ làng quê, tới đô thị, làm nhiều ngành nghề mưu sinh. Sau lưng người ra đi, một khoảng trống mênh mông ở quê nhà.

Ra đi

Anh Trương Hùng Sim (46 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Bé (34 tuổi) vượt chặng đường hơn 120km từ vùng quê gần biển ấp Thạnh Quý A, xã Bình Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) lên TPHCM làm thợ hồ từ nhiều năm nay. Gia đình bà ngoại ở ấp Thạnh Quý A, nơi hai vợ chồng anh Sim ở, có 3 người con và 4 công ruộng. Ruộng ngập mặn, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa và thả một vụ tôm quảng canh.

 

Công nhân sau giờ tan ca. Đa số họ là lao động từ các tỉnh về TPHCM sinh sống.
Công nhân sau giờ tan ca. Đa số họ là lao động từ các tỉnh về TPHCM sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Ri, mẹ chị Bé chia sẻ, 4 công lúa được 50 giạ lúa/năm, chỉ đủ gạo ăn cho gia đình. Tôm thì năm được năm thất. Như mùa tôm năm nay, bà Ri thả 50 thiên tôm sú mà tới chừng xổ không có gì. 1,6 triệu đồng tiền tôm giống coi như mất.

“Nếu chia mỗi đứa mỗi công ruộng thì cũng không làm được cơm cháo gì. Nên nhà tôi cho 4 công vô vuông hết, vợ chồng già trông nom, còn các con đành đi xa làm thuê”, bà Ri phân trần.

Nếu như những người nông dân chọn tới TPHCM làm nghề tự do, làm công nhân, thì nhiều trí thức tới TPHCM học tập, khi tốt nghiệp cũng đã chọn cuộc sống gắn với TP. 23 năm trước, chị Nguyễn Thị Lương cùng gia đình vượt hành trình dài gần 2.000km từ Thái Nguyên vào TPHCM. Tốt nghiệp cao đẳng, chị Lương ở lại TP đi làm rồi học tiếp Trường Đại học KHXH-NV TPHCM và gắn bó với nơi làm việc tới nay được gần 13 năm.

Trong khi nhiều người dân ở các vùng nông thôn phía Nam di cư lên TPHCM hay Đông Nam bộ, nhiều người dân nông thôn ở phía Bắc lại “đổ về” Hà Nội. Ven chợ Long Biên (Hà Nội), chị Lê Thị Duyên (52 tuổi, quê Yên Mỹ, Hưng Yên) mua những thùng xốp cũ về lấy băng kéo dán cho lành lặn, cứng cáp và bán cho các tiệm bán đồ khô. Mỗi chiếc thùng lành lặn, chị mua 20.000 đồng, sau khi “tút” bán lại lời 2.000 đồng/chiếc. Một ngày, chị ngồi cặm cụi sửa sang 50 chiếc thùng.

Chị Duyên đeo khẩu trang, ngồi như thế 21 năm qua, từ khi chị mới 31 tuổi. Nhắc đến đồng ruộng, chị Duyên nhìn xa xăm rồi vừa cười vừa lắc đầu: “Cấy chỉ đủ gạo ăn, vẫn lỗ vốn”. Cấy cày không hiệu quả, chị Duyên bèn đi theo mọi người trong làng, lên Hà Nội “nhặt nhạnh được cái gì tốt cái đó” dù vất vả, để có tiền gửi về quê.

Trên phạm vi cả nước, quá trình đô thị hóa được tăng tốc trong thập niên 1990 đã làm cho số người di cư từ nông thôn tới thành thị tăng lên. PGS-TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ chia sẻ, khác với các chương trình di dân hộ gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở nông thôn trong giai đoạn đầu, di cư trong giai đoạn sau phần lớn là từ nông thôn đến các đô thị và di cư cá nhân phổ biến hơn. Chính sách Đổi mới từ năm 1986 và tác động lan tỏa tới di biến động dân số bắt đầu rõ rệt từ thập niên 1990 trở đi. Đó cũng là thời điểm những người như gia đình chị Lương, chị Duyên, sau đó là vợ chồng anh Sim chị Bé khăn gói từ quê ra phố. Họ chỉ là 4 trường hợp trong số khoảng 13 triệu người dân đang di cư của cả nước. 84% trong số đó là người trẻ, trong độ tuổi lao động.

 

Khu nhà trọ của công nhân các tỉnh lên TPHCM sinh sống.
Khu nhà trọ của công nhân các tỉnh lên TPHCM sinh sống.

Làng quê chỉ còn người già và trẻ em

Từ Hà Nội, chúng tôi ngược về quê nhà chị Duyên và ghi nhận những thanh niên, trung niên huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên rời quê đi xa làm ăn như chị Duyên rất nhiều, chiếm khoảng 30% dân số của huyện. Đơn cử tại xã Tân Việt (huyện Yên Mỹ), ông Nguyễn Tiến Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã, tính toán có khoảng 3.000 người dân trong xã đi làm xa, chiếm hơn 30% dân số và chiếm đến 50% người trong độ tuổi lao động.

Tại Thái Bình, quê hương 5 tấn nổi danh, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Thái Bình, chia sẻ, mỗi năm có khoảng trên 5.000 người đi xa làm ăn. Trong khi đó, Bến Tre có khoảng 150.000 người, bằng hơn 20% lao động đi làm xa. Hàng năm, có đến 8.000 người gác lại ruộng vườn để tới TPHCM và các đô thị khác kiếm việc. Riêng ở huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), 12.700 người trong huyện đã “xuất cư”, phần lớn tới TPHCM.

“Đặc biệt, có khoảng gấp đôi con số đó đang cư trú lâu dài, chủ yếu trên TPHCM, ít hoặc không về. Thực tế coi như là người của huyện “cống hiến” cho TPHCM và các tỉnh, thành khác”, ông Lê Trọng Quyền, Phó trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Thạnh Phú, chia sẻ.

Theo ông Quyền, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn khiến nhiều thanh niên, trung niên xuất cư. Địa phương có lợi thế là lao động trẻ nhưng không sử dụng hết, không tạo ra việc làm đủ cho họ. Đặc biệt, nhiều người trẻ, nhất là 30 tuổi đổ lại, sinh ra đã không được chia ruộng, không có đất để sản xuất. Người đẻ nhưng đất không đẻ. Nếu cha mẹ có chia từ phần đất gia đình hiện có thì cũng chỉ đủ cất ngôi nhà hoặc được công ruộng, không đủ để bày biện làm ăn và buộc lòng phải “xuất cư”.

Sự ra đi của thanh niên, trung niên để lại một khoảng trống mênh mông ở các làng quê. “Trong thôn gần như nhà nào cũng có người đi. Có nhà đi cả nhà, đóng cửa vườn không nhà trống để đó, chỉ khi lễ, tết hay nhà có đại sự mới về. Làng xóm còn lại chủ yếu toàn người già và trẻ em”, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng thôn Giã Cầu, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cho hay.

Cách Hưng Yên gần 2.000km, tại Bến Tre, ông Nguyễn Phúc Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (huyện Thạnh Phú) cảm thán: “Nam nữ thanh niên đi hết”!

Người đi đã gửi tiền về giúp cải thiện kinh tế gia đình, đồng thời, gánh nặng việc nhà, đồng áng cũng đặt lên vai những người ở lại. Người già trẻ em phải làm việc trong thời kỳ cao điểm của nhà nông. Con cái học hành thiếu sự quản lý của cha mẹ.

Nông nghiệp cầm chừng, làng nghề teo tóp

Tình trạng ào ạt bỏ quê đi cũng khiến nhiều mặt sản xuất ở làng quê bị cầm chừng, teo tóp. Ông Nguyễn Tiến Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), chia sẻ, vào vụ sản xuất, xã thiếu lao động làm nông nên hầu như phải nhờ lực lượng lao động của các xã bạn, huyện bạn đến cấy, gặt giùm. Ngã tư Cống Tráng ở trong xã trở thành “chợ người”, tập trung khoảng 100 người các nơi đến cung ứng cho người dân Tân Việt thuê về làm ruộng. Vì phụ thuộc lao động nơi khác nên Tân Việt thường phải chờ “người ta cấy xong thì mình mới có người cấy”, ít khi gieo trồng đúng vụ.

Ông Bộ cũng cho hay, người dân có xu hướng bỏ ruộng nhiều hơn, thành ra xã phải “ép” cấy cày. Xã làm việc với cấp ủy, lãnh đạo thôn yêu cầu đôn đốc bà con nhân dân tích cực phủ kín ruộng. Đồng thời, lập các đoàn vận động người dân bám ruộng, không để ruộng trống, nếu không cấy thì phải cho người khác mượn ruộng.

Cũng giống như Hưng Yên, nhiều nông dân ở vùng quê 5 tấn Thái Bình cũng không còn mặn mà với ruộng đồng. Nhiều hộ làm nông nhằm tiêu thời gian rỗi và lấy gạo sạch ăn, chứ về kinh tế, một người đi làm công nhân 1 tháng bằng cả nhà cấy cày 6 tháng. Và người dân cứ vậy rời quê ra đi.

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Thái Bình, nhận xét, lực lượng lao động trẻ (lao động chính) trong các hộ gia đình di chuyển làm việc ở khu vực thành thị đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương cơ sở, làm thay đổi cơ cấu mùa vụ và giá trị sản lượng cây trồng, con vật nuôi. Người di cư nhiều đã ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tại xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư (Thái Bình) có 1 tập đoàn da giày của Đài Loan vừa đầu tư, cần tuyển khoảng 6.000 lao động song rất khó khăn để tuyển được đủ người.

Sự di cư của người dân từ nông thôn ra thành thị, bỏ ruộng đồng tới công ty cũng khiến nhiều làng nghề teo tóp. Làng nghề thêu truyền thống xuất khẩu xã Minh Lãng có số cơ sở, đại lý và số lao động thêu tay giảm mạnh. Trước đây, xã có khoảng 800 thợ thêu tay, giờ chỉ còn khoảng 100 người. Ông Hoàng Đình Chiêm, chủ Công ty TNHH thêu xuất khẩu Tuấn Dương, có kinh nghiệm hoạt động 22 năm trong nghề, chia sẻ, lao động trong nghề rất khó kiếm, chủ yếu là lao động lớn tuổi, mắt mờ tay kém.

Đường Loan/sggp

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.