Mê hoặc vẻ đẹp của đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đôi bàn chân sưng tấy vì ngâm trong nước nhiều giờ liền, bàn tay rớm máu vì gặp phải những mảnh đá sắc nhọn… Đó là những gì mà “vua săn đá” Nguyễn Phi Hải (62 tuổi) ở số 51 vòng xoay Liên Khương, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đã từng nếm trải suốt mấy chục năm qua trong cuộc hành trình dọc dài đất nước để thỏa mãn thú chơi đá nghệ thuật của mình.
 

Nghệ nhân Nguyễn Phi Hải (áo đỏ) trong chuyến “săn đá” tại bãi đá lộ thiên dưới chân núi Voi.
Nghệ nhân Nguyễn Phi Hải (áo đỏ) trong chuyến “săn đá” tại bãi đá lộ thiên dưới chân núi Voi.

Gian nan nghề “săn đá”

Thật tình cờ, vào một ngày cuối năm 2017, chúng tôi có dịp được mục sở thị chuyến đi “săn đá” của nghệ nhân Nguyễn Phi Hải tại bãi đá lộ thiên nằm phía dưới chân núi Voi thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Cũng giống như bao chuyến “lên rừng xuống suối” bấy lâu, xem ra việc cất công kiếm tìm những viên đá tự nhiên để thỏa mãn thú chơi đá nghệ thuật của “vua săn đá” Nguyễn Phi Hải thật không đơn giản! Dõi theo anh bước thấp bước cao, cặm cụi bới tìm từng viên đá…, chúng tôi mới hiểu phần nào sự gian nan, vất vả mà anh nếm trải suốt mấy chục năm qua. Thì ra, thú chơi đá đòi hỏi ở người chơi sự kiên trì, nhẫn nại và cũng lắm công phu. Theo Nguyễn Phi Hải, trên thực tế không phải chuyến đi “săn đá” nào cũng thu lượm được những viên đá đẹp, ưng ý mang về. Thậm chí, đi cả ngày trời nhưng chẳng tìm được viên đá nào vừa ý là chuyện bình thường!

Nhưng hôm ấy, dưới chân núi Voi có lẽ là một ngoại lệ. Niềm vui trên cả sự mong đợi khi anh vừa tìm được một vài viên đá ưng ý như một duyên may. Khệ nệ mang những viên đá về nhà, anh Hải cùng với hai nghệ nhân thân hữu khác là Nguyễn Đình Quý Hương và Nguyễn Văn Ngà đã ngồi lại bàn thảo chuyện đặt tên “khai sinh” cho những viên đá. Sau một hồi nâng lên đặt xuống, ngắm nghía bằng đôi mắt nhà nghề, cuối cùng các nghệ nhân thống nhất tên gọi cho các tác phẩm vừa tìm được: Mái đình làng Việt, Chiếc cuốc thời tiền sử, Đò ngang, Sợi chỉ mong manh… Anh hài hước: “Nghề của tôi chủ yếu là rong chơi, nhưng mà hái ra tiền đấy”.

 

Bộ đàn đá mini.
Bộ đàn đá mini.

Bảo tàng đá nghệ thuật

Anh đam mê, yêu thích và bắt đầu tìm đến với bộ môn đá - gỗ lũa nghệ thuật từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau mấy chục năm lặn lội, đến nay nghệ nhân Nguyễn Phi Hải đang sở hữu một bảo tàng đá và gỗ lũa nghệ thuật lên đến hơn 2.000 tác phẩm với đủ hình dáng, kích cỡ và giá trị khá nhau. Nghệ nhân Nguyễn Phi Hải “bật mí”, hiện nay giá một tác phẩm đá nghệ thuật của anh thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất lên đến vài chục triệu! Có tác phẩm anh chỉ để ngắm, chứ không bán với bất cứ giá nào. Ngoài bộ đàn đá mini xinh xắn, hiếm có, phát ra những thanh âm trong vắt thì một số tác phẩm đá nghệ thuật hiện đang được nghệ nhân lưu giữ tại nhà riêng như: Gái quê, Bóng cây Kơ-nia, Bàn chân Việt, Một thoáng quê hương và một số tác phẩm gỗ lũa như: Đạt Ma sư tổ, Phụng thổ, Ông già và trái tim được xem là những tác phẩm độc và lạ mà bất kỳ ai cũng muốn sở hữu. Đây cũng là những tác phẩm đã đưa tên tuổi anh vượt ra khỏi “lũy tre làng” với rất nhiều giải thưởng danh giá tại các hội thi sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh.

Sở hữu những tác phẩm đá đẹp, “biết nói” và  “có hồn” đã khó, nhưng để nhận biết giá trị thực của nó là điều còn khó hơn gấp bội. “Người chơi đá phải có đôi mắt tinh tường và cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm từ rất nhiều năm. Tiêu chí chọn và chơi đá phải hội đủ 3 yếu tố: kỳ - dị - mỹ”, anh Phi Hải nói. Không chỉ âm thầm “săn đá” trên những cung đường dọc dài đất nước để tìm kiếm những viên đá đẹp về hình khối, vóc dáng, nội hàm giàu sức liên tưởng, lạ và độc, nghệ nhân Nguyễn Phi Hải còn là một người gần gũi, cởi mở; đặc biệt là việc hỗ trợ, sẻ chia về mặt chuyên môn và truyền ngọn lửa đam mê cho những nghệ nhân trẻ yêu thích bộ môn đá - gỗ lũa nghệ thuật tại địa phương.

Có thể nói, công việc kiếm tìm những viên đá tự nhiên để thỏa mãn thú chơi của nghệ nhân Nguyễn Phi Hải được ví như thể “tìm kim đáy bể”. Chỉ có niềm đam mê thực sự mới đủ hấp lực thôi thúc nghệ nhân bước tiếp, dù rằng trong cuộc hành trình đi tìm cái đẹp mà tạo hóa đã ban tặng không ít khó khăn.

Lê Trọng/sggp

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.