Vì yêu chịu vạ với làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 26-6-2016, chúng tôi lặn lội về làng Óp (xã Ia Phí, huyện Chư Pah) để chứng kiến cảnh một cô gái hiện đang là sinh viên năm 3 Đại học Luật Huế bị dân làng bắt vạ vì “cái tội chửa hoang”.

Bị phạt vạ vì… yêu ở tuổi 23

…Trời mưa như trút nước nhưng bà con làng Óp lại vui như hội, hồ hởi cho rằng: “Ô hô! Hôm nay cái Rơ Châm P. phải chịu tội phạt vạ nên Yàng mới cho đổ mưa xuống giải hạn… Nếu nó không chịu về nhận phạt, cái bệnh tật, cái hạn hán trong làng này không biết bao giờ mới được giải, cái tội chửa hoang nó nặng lắm, Yàng phạt cả làng, thần nhà rông phạt cả làng…!”.

 

Nhà rông làng Óp. Ảnh: M.T
Nhà rông làng Óp. Ảnh: M.T

Những ngôn từ khó nghe không đầu không cuối cứ nối tiếp nhau khiến chúng tôi-những người lần đầu chứng kiến, không khỏi thấy xót xa cho cô gái tội nghiệp đang quỳ chịu tội trên nhà rông kia. Nơi ấy nếu không có việc gì quan trọng, những phụ nữ không được phép bước lên.

Mang bầu hơn 8 tháng, P. mang theo con gà trống còn sống đứng từ ngoài cửa ném vào góc nhà rông, nơi để ché rượu cúng Yàng 3 lần. Đến khi con gà chết và quay đầu về phía người ném thì lúc này già làng Rơ Châm Réo mới gật đầu bảo tốt.

Một thanh niên trong làng bước đến, mang con gà ra cắt lấy máu, hòa cùng với máu và gan của con dê đực to, con heo béo mà gia đình P. mang đến. Già làng dùng một cái liềm cũ, đắp tất cả mọi thứ lên đầu liềm, bọc một lá Ngăl vào, sau đó cắm liềm vào góc nhà rông để hoàn tất lễ cúng thần nhà rông.

Tiếp đến, P. phải cùng 3 già làng Rơ Châm Réo, Rơ Châm Géo và Rơ Châm Lích cùng với thư ký làng Rơ Châm Hvin làm lễ khấn thần nhà rông, cầu không ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu cho dân làng. P. nặng nề quỳ trước ché rượu cần, cầm nhánh lá Ngăl cùng những “mồi ngon” gia đình mang đến chịu phạt trước thần nhà rông, trước dân làng, rằng: Tất cả những ốm đau bệnh tật của làng, những hạn hán khiến làng đói kém trong thời gian qua đều do P. mà ra, P. và gia đình phải chịu sự phỉ nhổ, chì chiết của làng. Vậy nên, P. phải chịu phạt vạ trước thần, cầu thần cho dân làng được bình an, không ốm đau bệnh tật, không hạn hán, mùa màng bội thu…

Chị Glucl-một cán bộ y tế xã Ia Phí nói với chúng tôi: Xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động rằng dân làng Óp ốm đau là do sinh hoạt mất vệ sinh, do uống rượu nhiều. Do đó, dân làng phải biết rửa tay trước khi ăn, dùng đũa để gắp thức ăn, thế này thế kia… thì ốm đau, bệnh tật mới không đến… Hoàn toàn không có chuyện Yàng bắt tội P. mà làng mình bị thế. Tuy nhiên, khi tôi lý giải cặn kẽ như thế thì dân làng lại khinh thường tôi.

Cầu thần nước tha tội “chửa hoang”

 

Dân làng Óp hả hê sau lễ phạt vạ, tạ tội với thần nước và kéo về nhà rông uống rượu.Ảnh: M.T
Dân làng Óp hả hê sau lễ phạt vạ, tạ tội với thần nước và kéo về nhà rông uống rượu.Ảnh: M.T

Sự việc không dừng lại ở đó. Trong cơn mưa tầm tã, trên con đường đất đỏ trơn trượt, P. phải cùng với 3 già làng Rơ Châm Réo, Rơ Châm Géo và Rơ Châm Lích cùng với thư ký làng Rơ Châm Hvin đi bộ về nguồn, nơi có giàn nước giọt của làng để khấn thần nước. Dọc đường đi, P. phải mang theo hỗn hợp máu gà, dê, heo, dùng nhánh lá Ngăl vẩy khắp dọc đường đi để đuổi tà ma và xin thần nước tha thứ. Những người làng đi theo, có người nhổ nước bọt vào P. vì cho rằng: “Tại cái thai hoang của P. nên người làng Óp mới bị đau ốm”.

...Không một ai dám ngăn cản hành động của dân làng đối với P.. Người bố của P. đi ngay phía sau con chỉ biết chịu đựng nhìn con mình bị dân làng mặc sức xỉ vả chỉ vì “phép vua thua lệ làng”.

Đứng trước giàn nước giọt 6 ống, P. khấn cầu xin thần nước đầu nguồn phải chảy to và có nước cho dân làng sinh hoạt, phải xin lỗi thần vì tội mình gây ra khiến cho dân làng chịu hạn.

Hoàn tất lễ, P. quay về nhà rông uống một can rượu cần, sau đó quỳ gối rót rượu mời già làng và những người đàn ông của làng Óp để tạ tội.

Lời người trong cuộc

 

Trò chuyện với chúng tôi, P. nặng lòng: “Em là người có học. Em biết xã hội bây giờ đâu nặng nề chuyện đó, làm mẹ đơn thân khi có con cũng chẳng là gì to tát giữa xã hội hiện đại ngày nay. Em đã từng nghĩ sẽ bỏ rơi con vì sợ làng bắt vạ nhưng nhờ sự động viên của người nhà nên giữ lại. Em chịu phạt thì không có gì, chỉ đau lòng cho bố mẹ. Mỗi lần làng có người ốm đau bệnh tật, mỗi lần có người bị tai nạn hay đợt hạn hán, họ lại kéo nhau đến nhà mắng mỏ bố em, khiến bố nghĩ quẩn suýt tự tử”.
 

Ông Rơ Chăm Hăo-Trưởng thôn Óp thở dài một cách não nề: “Chúng tôi là những người từng đi học, từng qua đào tạo và tiếp xúc với bên ngoài. Chúng tôi rất muốn xóa bỏ những tập tục lạc hậu này để những người bị mắc lỗi lầm không một ai bị kỳ thị nữa. Nhưng mà dân làng Óp thì lại khác. Họ bó mình vào trong cái làng này và bó bản thân vào trong những suy nghĩ cổ xưa rằng lệ làng có từ hơn trăm năm, không được xóa bỏ đi, như thế là mang tội với Yàng… Ý kiến cá nhân làm sao thắng được đa số bây giờ? Cái mà dân làng Óp đang cần có lẽ là thời gian và những lớp trẻ được đi học cao, hiểu rộng thì may ra…”.

Mộng Thường - Xuân Nhật - Nguyễn Thảo

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.