Những người ở lại tuyến sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, trong dấu tích bom đạn, cây cỏ đã lên xanh; niềm vui của thống nhất, hòa bình và tái thiết cũng đã làm dịu ngọt lại những buồn đau. Những con người anh dũng năm xưa đã cống hiến cả quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp “như một ánh sao” trong chiến tranh lại trở lại với những lo toan của đời sống thường nhật. Có khó khăn, có mất mát và có cả những thua thiệt, nhưng không hề có sự so đo, oán thán; những con người anh hùng quả cảm ấy vẫn tâm niệm rằng: còn sống để tận hưởng những ngày tháng hòa bình đã là một may mắn lớn lao…
 

 Ảnh Bác Hồ luôn được bà Sâm đặt ỏ vị trí trang trọng.  Ảnh: Hà An
Ảnh Bác Hồ luôn được bà Sâm đặt ở vị trí trang trọng. Ảnh: Hà An

Hơn bốn mươi năm cũng đủ cho các thế hệ hiểu rằng mỗi địa danh ở Quảng Trị với tên gọi đẹp như một áng thơ: Hiền Lương, Cồn Tiên, Dốc Miếu, bến đò Tùng Luật, Cồn Cỏ, Thành Cổ… đã đi vào những trang sử với những trang viết không phải là thơ. Trong những năm tháng chiến tranh, bị chia cắt bởi đôi bờ giới tuyến, Vĩnh Linh (Quảng Trị) trở thành hậu phương lớn của cả miền Nam. Đã có những lớp người bất chấp hiểm nguy để ở tuyến sau, chăm sóc, cõng cáng thương binh, mai táng tử sĩ, xây dựng hậu phương, phục vụ tiền tuyến, đưa đất nước đến ngày hoàn toàn thống nhất.

Tấm bia đá với những dòng chữ khắc ghi trên đó đã nhắc về một thời oanh liệt của bến đò B (thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị): Bến đò Tùng Luật, những năm giao thông vượt tuyến quan trọng bên sông Bến Hải dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Lực lượng thanh niên xung phong 771, nhân dân thôn Tùng Luật, chính quyền xã Vĩnh Giang đã đảm bảo sự hoạt động liên tục của bến đò, chi viện kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ trong giai đoạn 1968-1972 với sức vận chuyển 2 triệu lượt người, hàng vạn tấn hàng hóa với 78.000 chuyến qua”.

Đằng sau những con số khô khan ấy, đã có rất nhiều chiến sĩ đã gửi lại máu xương trên dòng Bến Hải, người này ngã xuống lại có người khác thay thế, đêm đêm thầm lặng vượt tuyến giữa mưa bom bão đạn, pháo sáng và thủy lôi chi chít dòng sông với quyết tâm: “Đò chưa qua, đời không tiếc”. Có lẽ vì vậy mà ông Lê Khánh Y, đại đội trưởng 771 năm xưa cho rằng, dù cuộc sống của vợ chồng ông còn không ít khó khăn, thì ông vẫn là người may mắn, quá may mắn. Đem tuổi thanh xuân của mình làm nhịp cầu nối đôi bờ Bến Hải, ông biết ở nơi một thời mịt mùng bom đạn này, đã có hàng trăm đồng đội của ông ngã xuống, có người hy sinh đến hai lần. Họ nằm xuống để ông được trở về. Ông bảo, với đồng đội, ông thấy mình như người thiếu nợ. Một món nợ không thể bù đắp. Ông vẫn còn nhớ như in cái đêm kinh hoàng của năm 1967, “chỉ trong một đêm, bọn địch đã dội bom làm sập hàng chục căn hầm. Sau mỗi loạt bom là anh em lao ngay về phía hầm bị sập để tìm kiếm người bị mắc kẹt trong đó. Phần tui cũng đưa được mấy đồng chí bị thương nặng ra khỏi đống đổ nát. Sau này, anh em nhìn nhau mà cứ rưng rưng nước mắt"-ông Y ngậm ngùi.     

Trường hợp may mắn thoát chết dưới mưa bom bão đạn ấy không nhiều. Giọng ông Y nghèn nghẹn: "Ở ngọn đồi Cổ Mỹ, chỗ cạnh bờ sông Bến Hải ấy, trong một loạt bom B52 của Mỹ ném xuống năm 1968, đã giết chết o du kích Nguyễn Thị Đông cùng với mấy người nữa đang làm nhiệm vụ thông lại tuyến giao thông hào. Sau tiếng nổ, thân thể o Đông không còn nguyên vẹn. Cùng hôm ấy, 30 ngôi mộ bộ đội do anh em dân quân du kích chôn cất vào đêm trước cũng bị bom B52 của địch cày xới tanh bành…”. Đã không ít lần, ông Y suýt phải bỏ mạng: Cũng trong năm 1967, khi tui cùng đồng đội đang đón một đơn vị bộ đội Song Dinh từ miền Bắc vào thì bị địch phát hiện; bọn chúng dội bom suốt 3 giờ đồng hồ liền. Một mình tui giữa đêm tối băng đồng, nước ngập ngang cổ, lội qua 8 thôn để chỉ đạo đồng đội ứng phó, bảo đảm an toàn cho anh em. Mấy lần lội qua hồ nước lớn, tui bị sẩy chân suýt trôi. Trời rạng sáng, mấy o du kích nhìn thấy tui mình mẩy, áo quần một màu đỏ au tưởng ma nên hét toáng lên. Cả đơn vị được một trận cười”.

 

Bà Ngô Thị Ngân nâng niu những kỷ vật của chiến tranh. Ảnh: Hà An
Bà Ngô Thị Ngân nâng niu những kỷ vật của chiến tranh. Ảnh: Hà An

Cô y sĩ Ngô Thị Ngân (Vĩnh Giang-Vĩnh Linh-Quảng Trị) tình nguyện làm y sĩ trực chiến bên bến đò B. Bà Ngân cho biết: "Suốt bao nhiêu ngày giặc Mỹ dằn xéo mảnh đất này là bấy nhiêu ngày tui dầm mình trong nước bùn nhão nhoét dưới giao thông hào giữa đêm khuya, lăn mình qua bom đạn để băng bó vết thương cho thương binh, nhiều đêm có đến cả trăm lượt người của Sư đoàn Tam Đảo, Song Dinh, Trung đoàn 27... chuyển về tuyến sau. Trời tảng sáng, vừa đặt mình lên giường chưa kịp nhắm mắt đã có điện báo thương binh từ phía Nam chuyển ra; thế là bật dậy mang y cụ đi". Trong muôn vàn những thương, bệnh binh đã qua tay bà chăm sóc, bà Ngân vẫn nhớ mãi về người thương binh đặc biệt cuối năm 1966. Lúc ấy khoảng 2 giờ sáng, bà tiếp nhận một ca bị pháo cắt xuyên cổ, lưng, máu me bê bết. Người chiến sĩ mê man bất tỉnh. Bà hết nhìn vắt cơm, khẩu phần cả ngày chưa kịp ăn, lại nhìn người thương binh. Cuối cùng bà đành nhịn đói, đi kiếm củi đun vắt cơm thành cháo, rồi bón cho người ấy. 5 tháng sau, bà gặp lại người chiến sĩ này trong tình trạng vết đạn xuyên bụng, chân trái bị dập nát. Tưởng duyên nợ như thế đã nhiều! Cuối năm 1967, anh bị mảnh bom cắt sâu hoắm ở cổ... Ngày sức khỏe hồi phục, trước lúc quay trở lại đơn vị, người thương binh hứa ngày hòa bình nhất định sẽ về xin nhận bà làm người mẹ thứ hai. Sau này bà mới biết, người chiến sĩ ấy tên Khánh, quê mãi tận Hải Phòng. Anh đã anh dũng chiến đấu hy sinh ở mặt trận phía Nam trước ngày hòa bình.

Câu chuyện của bà cụ Lương Thị Sâm, năm nay ngoài 80, ở khu phố 5, phường 3, thị xã Quảng Trị, từng làm cơ sở cách mạng trong lòng địch, cũng không kém phần vất vả, hiểm nguy. Năm 15 tuổi, cô bé Sâm đã nếm trải nỗi đau xé tâm can khi cả cha lẫn mẹ lần lượt bị giặc Pháp bắn chết ngay trên đám ruộng nhà mình. "Hôm làm đám tang cho cha mẹ xong, tui quyết định tham gia hoạt động cách mạng để trả thù nhà nợ nước"-bà Sâm cất giọng kể buồn buồn.

Năm 1952, bà nên duyên với anh bộ đội cùng quê, rồi cùng chồng ở lại bám trụ hoạt động ở thị xã Quảng Trị. Hai năm sau, ông thoát ly ra Bắc, một mình bà ở lại sắm gánh hàng rong nuôi con, vừa làm liên lạc. Hàng ngày, bà bôn ba khắp làng trên, phố dưới, sáng ra bán bánh chưng, chiều về thì lá chuối, thuốc lào... Cũng không phải ngẫu nhiên mà bà chọn buôn mấy thứ lặt vặt ấy. Gánh bánh chưng bán dạo khi trời chưa tảng sáng là cái cớ để bà giấu vào đó mấy bó truyền đơn đến đặt ở cổng vào bốt địch; còn mấy bó lá chuối chủ yếu dùng để nhận truyền đơn về và chuyển đi những lá thư, tài liệu tuyệt mật. Gánh hàng rong của người phụ nữ tảo tần ấy theo chân bà "biến hóa" khôn lường, lúc thì gánh cháo vào viện nuôi thương binh; lúc thì gánh hàng vải kiếm thêm tiền mua lương thực cho bộ đội; lúc lại là đồ văn phòng phẩm chuyển ra vùng giải phóng ở xã Triệu Ái (Triệu Phong) cho cấp trên.

Suốt bao nhiêu năm âm thầm hoạt động trong lòng địch, dù chưa một lần để lộ ra điều gì, nhưng bọn địch vẫn kiếm cớ bắt bà tra tấn để lần tìm đường dây hoạt động của ta. Nhắc đến những lần bị địch bắt bớ, tra tấn dã man, bà Sâm cho biết: "Ui chao! kể chi hết cái cực khổ khi nớ, chỉ cần nghi ngờ là bọn địch kiếm cớ bắt lên tra khảo. Sáu lần bị bắt là sáu lần tui chết đi sống lại dưới những ngón đòn hành hạ của chúng. Nhưng tui đã cắn răng chịu đựng, thà chết chứ không để đồng đội bị hại". Có lần bà bị chúng dùng chân ghế đánh thủng đỉnh đầu, đến bây giờ vết sẹo vẫn còn hằn sâu. Nhưng có lẽ kinh hoàng hơn cả là cái đận bà bị bắt vào một chiều cuối năm 1969: "Lúc nớ tui ngược thị trấn Ái Tử lên vùng Triệu Ái để báo tin cho ta, đi chưa đến nơi thì bị bắt. Vừa đặt chân lên cửa phòng lấy cung thì tui nghe tiếng thằng Uynh hỏi: Sâm đó phải không?. Phải, tui vừa dứt tiếng trả lời thì bị bọn hắn đánh tới tấp, đạp chân lên bụng, rồi đá văng vào góc tường ngất xỉu. Tỉnh dậy, thấy mình mẩy tê dại, tui đưa tay sờ xuống bụng, cái thai gần 4 tháng tuổi bị sẩy ngay hôm ấy"-bà Sâm đau xót nhớ lại.

Ngày hòa bình, ông bà đưa nhau về dựng nhà trên nền đất cũ, bà mở một gian hàng nhỏ bên góc chợ thị xã bán hàng mã. Bà bảo, con cái giờ thành đạt cả rồi, vả lại tiền lương của vợ chồng bà cũng đủ sống một cuộc sống an nhàn, nhưng bà vẫn muốn bán hàng. Bước chân bây giờ không đủ sức rong ruổi trên đường phố, thì bà mở quán ngồi một nơi, lời lãi chẳng đáng là bao, cốt để nhớ về một thời mà nhờ những gánh hàng rong như thế này mới lọt qua được mắt địch, mới giành được tự do. Khi được hỏi về ước nguyện bây giờ, bà bảo với tôi: "Cực khổ chi cũng biết hết, thấy hết rồi, năm kia mệ nghe đài báo nói về nhà máy thủy điện lớn nhất nước miềng đã được xây dựng, ước gì mệ được đi thăm một lần để xem đất nước đổi mới ra răng".

Hà An

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...