Ký ức tháng ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đó mà đã 40 năm rồi. Đúng là bóng câu cửa sổ. Thoáng chốc mà tôi đã hai thứ tóc trên đầu. Ngày ấy, tôi là chàng trai mười tám tuổi, đang bước vào năm cuối phổ thông với bao ước mơ của tuổi trẻ, mặc dù chiến tranh kéo dài và ngày càng khốc liệt. Bạn bè tôi đã đôi đứa không may bước vào cuộc chiến trong thế triệt buộc, thả số phận mình với hòn tên mũi đạn.

Tôi còn nhớ tháng ba năm ấy, trời cũng oi nồng không kém bây giờ, đám học trò chúng tôi vẫn cắp sách đến trường như thường lệ (bấy giờ Trường Trung học Pleiku đang ở vị trí của Trường THCS Nguyễn Du, TP. Pleiku hiện nay) và không hề nghĩ đến một cuộc chạy loạn nào có thể xảy ra mặc dù Phố núi Pleiku đầy rẫy lính tráng và các phương tiện chiến tranh. Vì là năm cuối của bậc học phổ thông, chúng tôi đang bước vào ôn tập để chuẩn bị cho kỳ “vượt vũ môn” (thi tú tài toàn phần). Đối với đám học sinh chúng tôi xem đó là kỳ thi có tính quyết định đến vận mệnh của mình. Nếu trượt tú tài năm ấy, chúng tôi sẽ bị sung quân và dễ cầm chắc cái chết trong tay.

 

Quốc lộ 25-đoạn qua thị xã Ayun Pa.
Quốc lộ 25-đoạn qua thị xã Ayun Pa.

Có thể nhận ra trên các khuôn mặt còn ngây thơ của bạn bè tôi khi mỗi buổi lên lớp ở niên khóa cuối cùng là những khắc khoải lo toan, nhưng nỗi buồn thoáng qua đầy trắc ẩn vì không ai trong chúng tôi trả lời được câu hỏi thường trực “ngày mai rồi sẽ ra sao ?...”. Những người thầy của chúng tôi, mỗi người cũng mang một tâm trạng ẩn chứa bao điều không lý giải được khi cuộc chiến chưa có dấu hiệu ngày tàn. Khi đó tôi đang học lớp 12A cùng với gần 40 bạn trong lớp. Bước qua những ngày đầu tháng 3-1975, một số tin tức chiến sự ở cao nguyên lan truyền trong số bạn bè; nhưng rồi những suy tư cũng qua đi, trong đầu đứa nào cũng tập trung lo chuyện học hành. Gần thi cử rồi mà bài vở cứ ngồn ngộn, những chồng sách cứ cao dần lên quá đầu.

Vì thời bấy giờ, học môn nào thi môn đó, mặc dù có phân ban rõ ràng nhưng không thể xem thường bất cứ môn học nào dù nó chỉ là hệ số l. Nhà trường đã tổ chức cho chúng tôi thi thử tú tài (thi trắc nghiệm), cũng làm nghiêm túc như cuộc thi thật. Dù biết rằng kỳ thi chỉ để tập luyện, làm quen nhưng bạn bè tôi đứa nào cũng toát mồ hôi hột, lo lắng, cặm cụi trên từng môn thi. Tôi thở phào khi qua kỳ thi thử với kết quả không đến nỗi tồi. Thầy cô cũng vui với những gì mà mình mong đợi ở học trò năm cuối. Tôi đang ôm niềm hy vọng cho kỳ thi năm ấy và bỏ ngoài tai chuyện thời cuộc, đạn bom.

Ngày 15-3, tôi còn cắp sách lên trường cùng với một số bè bạn. Nhưng hỡi ôi, sân trường dường như vắng lặng. Đa số thầy cô, bạn bè không còn đến trường như mọi khi. Mấy đứa bạn tôi còn lại túm tụm nhau, ngơ ngác như bầy chim lạc đàn. Một số đứa có người thân đi lính nên biết ít thời sự, đưa tin rằng, Quân Giải phóng đã tiến vào Buôn Ma Thuột và Pleiku đang trong thế bị bao vây. Lính tráng, công chức và người dân Pleiku đang di tản về đồng bằng. Vậy, chắc là thầy cô và bạn bè chúng ta đã ra đi hết rồi! Nghe vậy, tôi hoang mang cực độ. Tôi là dân mới đến với cao nguyên chưa được bao lâu; ngay cả những đường phố ít ỏi của Pleiku tôi còn chưa thuộc hết, nữa là… Đi hay ở, tôi phó mặc cho gia đình cậu mợ tôi đang ngụ cư ở phường Hội Thương, trong một con hẻm đường Hoàng Diệu, dưới ngã ba Diệp Kính (nay là đường Hùng Vương, TP. Pleiku). Sáng 16-3, cậu tôi làm y tá ở Bệnh xá Tiểu đoàn 37 pháo binh, từ đơn vị hớt hải chạy về hối thúc gia đình chuẩn bị di tản vì Pleiku sẽ bị Quân Giải phóng đánh chiếm.

Tôi vô cùng thất vọng. Bao nhiêu năm đèn sách, giờ thành dã tràng se cát… Nghĩ vậy nhưng tôi cố gắng tìm bao tải chất hết sách vở còn đang dở dang vào và mang ra xe với ý định sẽ tiếp tục học khi mà điều kiện cho phép. Chiếc xe lam ba bánh cũ kỹ xưa nay là cái cần câu cơm của gia đình cậu mợ thì nay làm phương tiện chở đồ đạc và chục con người kể cả người lớn và trẻ em, trong đó có đứa còn ẵm trên tay, chạy loạn. Ngày hôm ấy, Phố núi Pleiku dường như yên ắng hơn, không có tiếng súng nổ, mọi người dường như ra đi từ vài ngày trước đó và nay còn tiếp tục rồng rắn kéo nhau đi về hướng Đông Nam.

Cậu tôi bảo, con đường 19 về Quy Nhơn- Bình Định đã bị cắt đứt, chỉ duy nhất còn đường 7 (nay là quốc lộ 25) về hướng Tuy Hòa-Phú Yên mới được khai thông. Toàn bộ các binh chủng Quân đoàn II Việt Nam Cộng hòa đang rút theo con đường này. Chiếc xe lam ì ạch như con trâu già nhích đi từng chặng và luôn phải dừng lại để lách qua những đoàn xe lớn nhỏ đủ loại cả dân sự và quân đội nối dài từ đoạn qua Hàm Rồng đến đèo Chư Sê rồi kéo về Phú Bổn. Nhiều lần, chiếc xe như quá mệt mỏi nằm lì ra, mọi người phải lăn lê bò toài dưới nắng gắt để sửa chữa. Tôi còn nhớ xe chạy suốt ngày hôm ấy cho đến khi mặt trời khuất núi, cả đại gia đình chúng tôi mới len lỏi đến được thị xã Phú Bổn. Đến đoạn gần nhà thờ thì xe hoàn toàn không thể nào nhích lên phía trước được nữa, người, xe cộ ngổn ngang như kiến cỏ. Cậu tôi ra lệnh phải bỏ lại xe và toàn bộ đồ đạc để theo đoàn người đi bộ.

Bấy giờ tôi chẳng còn phân biệt được phương hướng nào và tôi tin là nhiều người cũng ngớ ngẩn như mình. Nhìn mấy bao sách bỏ lại trên xe lam, tôi tiếc đứt ruột nên vội vác vào một căn nhà bỏ trống bên đường gửi tạm với ý định nếu có dịp quay lại sẽ lấy mang về. Lẩn thẩn một hồi để xác định đi về đâu thì phía trước có tiếng súng nổ ầm ầm, chúng tôi cùng đoàn người chạy dạt vào nhà thờ Phú Bổn để ẩn nấp. Trời tối đen như mực, cả thị xã không một ánh đèn dầu. Nhà thờ cũng lặng yên, chẳng nghe tiếng chuông cầu nguyện vang lên như mọi khi, chỉ có tiếng người đi lại lao xao, gọi tìm nhau í ới…

Vừa ngớt tiếng súng thì tôi và mọi người nghe tiếng máy bay quần thảo trên bầu trời đen kịt. Những loạt đạn rocket bắn thẳng sát rạt bên nhà thờ. Chúng tôi hãi hùng nằm nép sát vào chân tường phía bên ngoài nhà thờ và cầu khấn chúng đừng bắn trúng vào đám dân đen chạy loạn này. Qua đợt xạ kích của máy bay, chúng tôi hú hồn mới biết mình còn sống. Lúc sau, biết chắc là máy bay không quay lại nữa, chúng tôi lom com bò dậy trong đêm tối, vượt qua hàng rào kẽm gai phía sau nhà thờ định đi tiếp. Tôi mới đưa được vài người nhà vượt hàng rào đến vườn chuối thì nghe một loạt đạn xé tai nhưng không biết từ hướng nào. Tôi linh cảm có chuyện không hay nên gọi xem người thân của mình đang ở đâu. Nhưng tất cả đều lặng yên… Loay hoay một lúc, tìm quanh mấy bụi chuối thì hỡi ôi… mẹ vợ và vợ của cậu tôi đã trúng đạn chết tự khi nào! Thần hồn nát thần tính, cả gia đình co cụm lại, không ai dám khóc thành tiếng. Cứ thế, ngồi đợi cho đến sáng. Mặt trời chưa ló dạng, chúng tôi lo hậu sự cho hai người thân xấu số và tiếp tục cuộc hành trình vô định. Khi băng ngang vườn chuối, phát hiện có chiếc xe tăng đang chúc đầu nằm bất động, không còn bóng dáng con người điều khiển, tôi thầm hiểu có lẽ đích thị đây là thủ phạm gây ra cái chết cho hai người thân trong gia đình khi hôm.

Chúng tôi cứ thất thểu dắt nhau đi theo đoàn người như mộng du, chẳng ai nói với ai câu gì. Đau khổ nhất lúc bấy giờ có lẽ là cậu tôi, người mà cùng một lúc mất đi hai người phụ nữ quan trọng trong đời (vợ và mẹ vợ), còn lại 4 đứa con nhỏ nheo nhóc. Giữa cái nắng gắt tháng ba trong vùng cái chảo lửa Cheo Reo, cơn đói khát đang hành hạ, chúng tôi cứ lê lết nhắm hướng núi dọc theo triền sông Ba mà đi. Có ai đó đã chỉ cho chúng tôi, cứ vượt qua hết dãy núi cao phía trước là đến đồng bằng, nơi mà hàng vạn con người chen chúc nhau, bất kể sống chết, bỏ cả gia sản, sự nghiệp để cố chạy về. Khi lê chân vào đến núi, từng tốp người, đoàn người, già trẻ, trai gái cứ hớt hải nối nhau mà đi trong ê chề, chúng tôi không còn gì để bỏ vào bụng, cơn khát như xé cổ khiến ai cũng vục đầu xuống dòng nước cạn mà uống. Càng uống vào càng rã rời chân tay không thể nào bước nổi. Cậu tôi như cùng đường, ông như muốn tự sát để không phải chứng kiến thêm nỗi đau nào nữa. Tôi và bạn Minh, người bà con, cũng là học sinh trung học là trai tráng còn tỉnh táo hơn, nên ra sức động viên cậu phải cố sống vì các con. Việc gì rồi cũng đến lúc kết thúc, cứ phó mặc sự sống chết cho số phận.

Để giải quyết cho cái bụng réo gào, chúng tôi phải dừng lại nơi triền sông để người già và trẻ nhỏ nghỉ ngơi, riêng tôi và Minh đi tìm rau cỏ trong nương rẫy đồng bào và mót lại những miếng thịt trâu mà người đi trước đã bắn chết nhằm cầm cự qua ngày. Khổ nhất là ban đêm, đứa bé mất mẹ, con út của cậu tôi khát sữa khóc thét lên vang xa mấy ngọn đồi khiến ai nghe cũng xót xa nhưng chẳng biết làm sao. Tình hình ngày càng tồi tệ, nếu như không có cuộc gặp gỡ đoàn Quân Giải phóng hôm ấy…

Qua ba ngày hai đêm trong núi, tất cả chúng tôi ai cũng như cái bao rách, thiểu não vô cùng. Buổi trưa, tôi và những người trong gia đình nằm thiêm thiếp trong bóng râm thì bất chợt có một tốp bộ đội đến. Họ hỏi han đôi câu rồi đưa chúng tôi về trong khu rừng rậm, nơi có nhiều bộ đội và dân chúng tụ tập. Dọc đường chúng tôi được cấp lương khô và nước uống nên sức khỏe dần dần hồi phục. Khi đến nơi tập kết, chúng tôi tiếp tục được phát cơm vắt để ăn và gạo chuẩn bị cho cuộc trở về bổn quán. Nghỉ lại một đêm nữa trong rừng, sáng sớm hôm sau, đoàn người chúng tôi được các anh bộ đội dẫn đường ra thị xã Phú Bổn để bàn giao cho đoàn xe đón về thị xã Pleiku. Phú Bổn bấy giờ như một bãi chiến trường ngổn ngang với hàng trăm xe cộ vất khắp nơi trên đường, người chết nằm la liệt từ bờ sông đến mọi nơi trong vườn tược, vỉa hè, đã mấy ngày qua, dưới khí trời oi bức, mùi xú uế bốc lên nồng nặc thật kinh khủng.

Sau này, khi nghiên cứu lịch sử cách mạng, tôi mới hiểu đó là cuộc tháo chạy tán loạn của binh lính, viên chức của chế độ Sài Gòn và một bộ phận dân chúng ở Bắc Tây Nguyên khi mà đòn mở màn của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên đánh vào cứ điểm Buôn Ma Thuột thành công. Từ cú điểm huyệt này của Quân Giải phóng đã nhanh chóng làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực của địch ở cao nguyên Trung phần và giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, tạo ra bước ngoặt có tính quyết định để giải phóng miền Nam tháng 4-1975.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).