Ai giữ rừng phòng hộ Đức Cơ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyến gỗ lúc 0 giờ

(GLO)- 0 giờ 15 phút ngày 10-1, chúng tôi đang đi xe máy trên quốc lộ 19B hướng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đi thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) tới đoạn ngã ba giữa quốc lộ 19B và quốc lộ 14C thuộc địa bàn xã Ia Dom, thì bỗng phát hiện hai xe ô tô loại 12 chỗ ngồi đi từ đường 14C ra đường 19B. Chúng tôi liền cho xe đi chậm lại để tiện theo dõi.

Chiếc xe đi trước nhanh chóng vọt ra đường 19B rồi nhấn ga lướt trên quốc lộ 19B theo hướng về thị trấn Chư Ty. Dưới ánh đèn đường, chúng tôi thấy trên nóc thùng xe chở khoảng 8 người mặc áo quần lấm lem, trong thùng xe chở 5 hộp gỗ (chưa xác định loại gỗ) dài khoảng 5 mét, đường kính 50-70 cm không hề che đậy.
 

Con đường lâm tặc tự tạo ra để vào khai thác gỗ. Ảnh: Ngọc Tú
Con đường lâm tặc tự tạo ra để vào khai thác gỗ. Ảnh: Ngọc Tú

Xe thứ nhất vượt qua, xe thứ hai cũng chở gỗ tương tự trờ tới. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ, tài xế nhá đèn, bẻ tay lái áp sát xe máy của chúng tôi. Đề phòng các đối tượng manh động, chúng tôi tấp xe dạt vào lề đường tránh được cú “ép phe” của chúng. Chiếc xe thứ hai theo đà ga lướt theo xe đầu tiên rồi cả hai cùng rẽ vào một đường nhánh bên tay phải cách ngã ba kia chừng 300 mét sau đó mất hút vào bóng đêm. Sau nhiều lần theo dõi tại địa điểm này, chúng tôi thấy, mỗi đêm có khoảng 4-5 ô tô có hành tung như chiếc xe trên.

Ngay sau đêm “đụng độ” đó, chúng tôi liền đóng vai những công nhân cao su và người đi rừng lấy phong lan để tìm hiểu tình trạng khai thác gỗ tại khu rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ. Theo ghi nhận của P.V, lâm tặc vẫn vô tư dùng cưa lốc để cưa gỗ giữa ban ngày ở các tiểu khu 680, 681, 675. Đặc biệt, chỉ cần đi dọc quốc lộ 14C vẫn nghe tiếng cưa lốc vang rền. Nhưng phải đến ngày 20-1, sau khi tổ tuần tra truy quét cơ động liên ngành của tỉnh trên địa bàn huyện Đức Cơ phát hiện một “công trường” gỗ với quy mô lớn tại tiểu khu 675, chúng tôi mới có cơ hội tận mắt chứng kiến cảnh rừng bị băm nát không thương tiếc.

Hàng trăm m3 gỗ đã bị đốn hạ

11 giờ 30 phút ngày 18-1, trên đường đi tuần tra tại tiểu khu 675, tổ tuần tra truy quét cơ động liên ngành đã phát hiện ra một bãi gỗ bằng lăng và gỗ dầu đã xẻ thành hộp được tập kết với khối lượng lớn. Sau khi mở rộng kiểm tra hiện trường, tổ tuần tra đã phát hiện thêm nhiều điểm tập kết gỗ hộp rải rác. Ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện xác nhận, khối lượng gỗ đo đạc được tại hiện trường là 54 m3 gồm bằng lăng và dầu.

 

Xe lâm tặc dùng để chở gỗ bị Công an huyện Đức Cơ bắt giữ. Ảnh: Ngọc Tú
Xe lâm tặc dùng để chở gỗ bị Công an huyện Đức Cơ bắt giữ. Ảnh: Ngọc Tú

Từ vườn cao su của Đội 21 (Công ty 72, Binh đoàn 15), men theo con đường đất khoảng 100 mét là hiện trường vụ phá rừng. Đi dọc theo con đường đất này khoảng 4 km, đưa mắt về hai bên, chúng tôi cảm thấy xót xa vì những thân gỗ lớn đường kính 0,7-1,2 mét bị đốn trơ gốc. Các dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy lâm tặc đã có tổ chức khá quy mô. Từ một con đường đất duy nhất từ đồi cao su vào hiện trường, lâm tặc đã tự tạo hàng chục con đường mòn chằng chịt để thuận lợi cho việc phá rừng và vận chuyển gỗ ra điểm tập kết.

Ngày 22-1, sau gần một ngày lội rừng, đoàn liên ngành của tỉnh đã khám nghiệm hiện trường, lập biên bản với 26 gốc gỗ dầu và bằng lăng. Nhiều gốc đã được cưa xẻ thành từng hộp vuông vắn với chiều dài từ 5 mét đến 7 mét, nhưng cũng nhiều gốc lâm tặc vừa dùng cưa đốn hạ chưa kịp xẻ. Theo quan sát của P.V, ngoài 26 gốc cây lớn bị lâm tặc triệt hạ vẫn còn nguyên thân hoặc gỗ bị xẻ nhưng vẫn còn tại hiện trường, thì có đến trên dưới 30 gốc bằng lăng và dầu, căm xe trong bán kính khoảng 1 km, đã bị hạ và lấy gỗ đi chỉ còn trơ gốc và dấu mùn cưa, dấu vỏ. Ước tính khối lượng gỗ lâm tặc để lại và số gỗ đã được vận chuyển đi có thể lên tới cả trăm m3.

Gỗ tuồn qua lỗ kim?

Trở lại những vụ vận chuyển gỗ mà P.V Báo Gia Lai đã phát hiện tại ngã ba giao giữa quốc lộ 14C và quốc lộ 19B. Ngay trước mặt trụ sở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ vào ban đêm, nếu lâm tặc muốn vận chuyển gỗ từ rừng ra tới địa điểm này sẽ bắt buộc phải đi qua một chốt của Trạm Quản lý Bảo vệ rừng số 3 và chốt chặn cuối cùng chính là trụ sở của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ đóng ngay tại ngã ba nói trên. Vậy tại sao xe chở gỗ vẫn luồn qua “lỗ kim” để thoát khỏi rừng trong khi cơ quan này khẳng định là luôn túc trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm. Mang câu hỏi này đến ông Đỗ Văn Lợi-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ thì ông nói: “Các chốt để tuần tra, kiểm tra rừng thôi chứ không chốt để chặn xe”.  

Theo nguồn tin của P.V, khoảng một tháng trở lại đây, các xí nghiệp gỗ trên địa bàn xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) đã không “ăn hàng” (tức không mua-P.V) gỗ bằng lăng và dầu nên lượng gỗ mới bị ứ lại trong rừng. Và phải nhờ tổ tuần tra truy quét lặn lội theo dõi mới phát hiện được vụ phá rừng trên. Về vấn đề này, ông Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần tuần tra ở khu vực trên nhưng không phát hiện được vì đây là khu vực rừng le rậm rạp và có lẽ lâm tặc đã lợi dụng ban đêm để cưa gỗ”.

Mặt khác, 26 gốc gỗ tại hiện trường, nhiều gốc lâm tặc đã cưa xẻ vuông vắn thành từng khúc dài 5-7 mét với kích thước lớn. Với những khúc gỗ này, lâm tặc chỉ có thể dùng xe máy cày chuyên dụng để kéo gỗ ra rồi sau đó tập kết lại chuyển lên xe công nông độ chế để vận chuyển ra khỏi rừng. Hai loại xe này sẽ rất dễ phát hiện khi vào rừng cũng như khi ra khỏi rừng. Vậy tại sao lâm tặc đã vận chuyển trót lọt hàng chục thân gỗ trước đó nhưng lại không bị phát hiện?

Với những chi tiết trên, dư luận không thể không đặt một dấu hỏi về sự khuất tất trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây.

Ai giữ rừng?

Phóng viên Báo Gia Lai đã mang câu hỏi “Biện pháp nào để giữ rừng?” chất vấn các cơ quan chức năng huyện Đức Cơ nhưng đều nhận được những câu trả lời giống nhau. Trong khi tình trạng phá rừng tại huyện biên giới này vẫn đang nổi cộm thì các cơ quan chức năng chỉ nói được hai chữ rất chung chung: tăng cường. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý… hoặc liên tục duy trì các đoàn liên ngành. Đã tăng cường thì tại sao tình trạng vận chuyển gỗ lậu cũng như phá rừng vẫn diễn ra? Và phải đợi đến khi tổ tuần tra truy quét cơ động liên ngành của tỉnh kiểm tra mới phát hiện ra vụ phá rừng quy mô lớn ngay trong lõi rừng.

Thậm chí, một cơ quan như Hạt kiểm lâm lại tỏ ra bất lực trước tình trạng này và chỉ dám hy vọng mà thôi. Ông Nguyễn Hữu Huân-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Chúng tôi vẫn tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng. Hy vọng như vậy tình trạng vi phạm sẽ giảm”. Khi được hỏi về trách nhiệm của kiểm lâm trong vụ phá rừng tại tiểu khu 675, ông Huân lại đẩy toàn bộ trách nhiệm về phía Ban Quản lý rừng. Ông nói: “Việc này trách nhiệm của chủ rừng chứ, chúng tôi chỉ làm công tác quản lý nhà nước và tham mưu cho huyện thôi”. Về phía UBND huyện, ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn: “Để xảy ra tình trạng như vậy huyện cũng đã nhận thấy trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đến đâu thì huyện chịu đến đó theo quy định”.

Văn Ngọc-Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).