Bài 1: An Khê- Nơi khởi nghiệp của người Anh hùng áo vải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tôi, An Khê vẫn là cái địa danh bao gồm cả một vùng đất mênh mông trù phú, điệp trùng rừng rú và cả một cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống đã như từ mấy trăm năm trước, cho dù xuất xứ của họ khác nhau xa lắm…
Được anh em nhà Tây Sơn chọn làm vùng “Thượng đạo”, ngày ấy chắc chắn vùng đất này đã là nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Bao câu chuyện về một thời oanh liệt ấy vẫn còn lưu truyền trong dân gian cho tới ngày nay. Không những chỉ có “lưu truyền” nó còn hiện hữu những di tích vật thể mà chưa lâu sau ngày giải phóng đất nước, đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia-một quần thể di tích từ An Khê, Kông Chro cho đến Kbang.
Thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Đức Thanh
Thị xã An Khê hôm nay. Ảnh: Đức Thanh
Vùng đất thiêng này ngày trước nó bao gồm cả các đơn vị hành chánh cấp huyện bây giờ là Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê. Vùng đất ấy gần 170 năm sau- kể từ thời Tây Sơn, được các chiến sĩ cộng sản của hai tỉnh Bình Định và Gia Lai chọn làm nơi đứng chân để hoạt động từ trong những ngày phong trào cách mạng còn trong trứng nước. “Thiên thời” và “địa lợi” đã làm cho con người ở đây trở nên kiên cường, bất khuất, dũng cảm đấu tranh qua bao thế hệ chống chọi với tự nhiên để sinh tồn và phát triển; chống chọi với các thế lực gian ác để tìm đến tự do, ấm no, hạnh phúc.
Tôi cũng đã là người của chính vùng đất này, yêu thương và gắn bó với nó trong nhiều năm còn thời chống Mỹ cứu nước. Những địa danh: Cửu Đạo, Cửu An, An Điền…, những làng Bung, làng Kruối, Đê Chơ Gang…, người Kinh, người Thượng, người của các vùng, các miền quy tụ nơi đây đã là như anh em ruột thịt một nhà, một cội, đùm bọc che chở, “tối lửa tắt đèn” có nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi… Nhờ vậy mà suốt cả chặng đường từ những năm kháng Pháp rồi đến thời chống Mỹ, những người cộng sản “sinh cơ lập nghiệp” chốn này luôn được bà con che chở đùm bọc.
Còn mấy ngày nữa Đảng bộ Gia Lai tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đảng bộ. Một trong những cái nôi nuôi dưỡng và trưởng thành của Đảng bộ là vùng đất này- nơi mà ngày xưa người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ đã khởi nghiệp, từ đó giúp cho anh em nhà Tây Sơn từ lương thảo, quân lính đến phương tiện phục vụ cho kháng chiến chống thù trong giặc ngoài. Mọi nhân tài vật lực từ đây mà ra, giúp cho nhà Tây Sơn giành từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, cho đến chiến thắng vĩ đại cuối cùng- đánh đuổi 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, đem lại hòa bình, thống nhất giang san.
Mấy hôm trước, trong dịp trở lại vùng đất này, dừng lại dưới chân đèo Mang Yang, ngày xưa là vùng thường diễn ra các cuộc chiến tàn khốc; thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đã ghi đậm dấu son vào lịch sử dân tộc- trận quyết chiến vào tháng 6-1954 trong khi quân Pháp tháo lui khỏi An Khê-giữa quân chủ lực Cách mạng với quân Pháp, kết cục một binh đoàn tinh nhuệ vào hàng đầu của quân đội Pháp đã bị xóa sổ- Binh đoàn 100; trận thắng oanh liệt này từ Đak Pơ (vùng đất An Khê ngày ấy) đã góp phần quan trọng đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Trong suốt cuộc chiến đấu chống Mỹ, đây cũng là chiến trường ác liệt, nơi diễn ra bao trận chiến đấu ngoan cường của quân dân ta, đó là những cuộc đương đầu với quân đội Mỹ- Sư đoàn Không vận số 1- An Khê.
Bây giờ, vùng đất ngoan cường, trung dũng này đã chuyển mình vươn lên một cách ngoạn mục. Trung tâm của cả vùng là An Khê, là một thị xã tầm trung trong khu vực. Kinh tế đã trở thành trọng tâm chi phối cả vùng, là cửa ngõ của Tây Nguyên, nơi “đấu nối” Duyên hải miền Trung với vùng “Tam giác phát triển” của ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia mà Gia Lai- TP. Pleiku là “tâm” của tam giác ấy.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV mới đây, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ rõ rằng: “Gia Lai phải trở thành trung tâm của cả vùng Bắc Tây Nguyên” và “đến 2015 phải được ra khỏi danh sách tỉnh nghèo…”. Trong những điểm mấu chốt nhằm thực hiện chủ trương này, An Khê được coi là một điểm nhấn, một trung tâm vùng của trung tâm tam giác!
Cùng với đó, Đak Pơ- huyện “đàn em”, tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng đã có thể nói rằng những cái khó đã không thể bó được cái khôn, nhìn dọc theo hai bên con đường 19 và xa hơn-những vùng được coi là đói nghèo thuở trước, giờ đã căn bản thoát nghèo, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi căn cơ, đời sống của đại bộ phận đồng bào đã được cải thiện một cách rõ rệt.
Kông Chro là huyện cách đây vài năm được coi là nghèo nhất tỉnh, giờ trở lại, dường như cái nghèo xưa đã và đang ngày càng lùi về phía sau, với những cố gắng to lớn của cả tỉnh và Trung ương dành cho sự đầu tư thích đáng, có xã chưa đầy vài ngàn dân mỗi năm được cấp các nguồn vốn đầu tư lên đến trên hàng chục tỷ đồng.
Cuối tháng 11 này, tôi có dịp quay trở lại Kbang, tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng con đường Trường Sơn Đông nhiều đoạn đã được rải nhựa phẳng lỳ, quanh co uốn lượn theo những sườn núi, những con suối trong veo dẫn chúng tôi từ điểm xuất phát- ngã ba Đồng Găng- An Khê, chưa đầy tiếng đồng hồ chúng tôi đã có mặt ở Kbang.
Nhớ lại thời trước 1975, cũng cung đường như thế, nhưng chúng tôi đã phải đi mất cả một ngày, một đêm ròng rã. Nhưng đó là chuyện xưa, giờ trở lại con đường này, sự trù phú hiện ra từ bao làng xóm, ruộng đồng, vườn tược bạt ngàn, bát ngát những ruộng lúa, vườn mía, nương bắp, đồi cây công nghiệp ngắn và dài ngày... Đường làng ngõ xóm vùng tiếp giáp giữa Kbang- An Khê đã dường như hoàn toàn bê tông hóa, nhựa hóa.
Mấy mươi năm trước, nhà thơ Tố Hữu từng viết “Núi rừng có điện thay sao/Nông thôn có máy làm trâu cho người”, giờ điều ấy đã hiện hữu nơi một thời là “rừng thiêng nước độc”. Nhìn lại cái “biểu đồ” phát triển cả toàn vùng An Khê trong những năm gần đây, chúng ta có quyền khẳng định vùng “đất thiêng” này đã phát triển đến đúng với cái tầm, cái danh của nó.
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).