Bài cuối: Lo xa để tránh họa gần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cả hệ thống đảo của ta trong quần đảo Trường Sa, cùng với An Bang, Thuyền Chài, Tốc Tan, Phan Vinh..., có một đảo có cái tên thật... huyền thoại, đó là đảo Tiên Nữ. Trước khi “hành quân” đến những điểm đảo theo lịch trình của chuyến đi, chúng tôi đến Tiên Nữ vào một bình minh của ngày giữa tháng tư...
Nói về đảo Tiên Nữ, trong nhật ký chuyến đi tôi có ghi một đoạn như thế này: “Đêm, lại một đêm nữa con tàu neo đậu trên vùng biển mênh mông sao trời và sóng nước. Phía mờ xa kia về hướng Đông đã thấy nhấp nhô phần đảo có tên là Tiên Nữ. Bây giờ (sáng sớm 15-4) thì chúng tôi đã có mặt ở đây rồi. Đây cũng là hòn đảo san hô- nhiều mỏm đá nổi tự nhiên khi triều xuống, người ta nói ở đây là nơi duy nhất trên vùng biển này nhìn thấy mặt trời mọc đầu tiên mỗi sớm...
Đảo Tiên Nữ. Ảnh: B.H
Đảo Tiên Nữ. Ảnh: B.H
Cách nay chừng mấy trăm năm, ngư dân của mình đã có mặt ở đây, lấy đây làm nơi trú ngụ khi hành nghề cá tôm ngoài khơi mỗi khi biển động, bởi thế nên mới có sự gặp được các nàng tiên xuống vui đùa như là chốn bồng lai này trên mặt nước. Chuyện xưa về những nàng tiên mà các chàng trai chài lưới đã từng gặp và từng nhận được sự giúp đỡ, cưu mang; hơn thế nữa các tiên nữ còn đem may mắn ban phát cho con người... Và bây giờ cũng thế, ai đến đảo này cũng đều gặp nhiều điều may mắn, vì thế làm cho nhiều chàng trong đoàn công tác lần này vì lý do chính đáng mà không vào được đảo phải đợi nơi con tàu neo đậu, tiếc ơi là tiếc”.
Theo chuyện kể, ngày xưa có một người con gái xuất hiện giữa trùng khơi, và kể từ ấy, nàng mang bình yên đến cho biển, cho người làm ăn quanh vùng đảo này... cho nên người xưa đặt tên là đảo Tiên Nữ. Tiên Nữ nằm cách không xa lắm giữa các đảo Phan Vinh, Núi Le, Tốc Tan. Chiều dài của đảo trên 9 km, rộng 8 km. Thềm san hô bao quanh đảo rộng đến trên 500 mét; phía trong vành đai san hô có kích thước 7,5 km x 3,4 km. Theo một số tài liệu thì vùng biển quanh khu vực Tiên Nữ rất sâu, có chỗ sâu đến 3.000 mét, là một trong những điểm đảo có vị trí vô cùng quan trọng trên mọi lĩnh vực, bởi thế cho nên có kẻ luôn rình rập, dòm ngó; các chiến sĩ ta cho biết những năm gần đây tàu “lạ” luôn xuất hiện và ta luôn để ý để xua đuổi chúng ra khỏi vùng biển của mình.

Những ngày tiếp theo của hành trình đã định, chúng tôi có mặt ở nhiều điểm đảo như: Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa lớn rồi Đá Lát, vùng biển Bạch Hổ. Thật sự thấy yên lòng khi mà đã đến tận nơi chứng kiến được những gì ở quần đảo Trường Sa từ những người lính nơi đây thay mặt cho đất liền ngày đêm canh giữ trời biển của quê hương. Họ yêu biển, yêu đảo theo cách riêng của người lính.

Một góc đảo Phan Vinh. Ảnh: B.H
Một góc đảo Phan Vinh. Ảnh: B.H
Công việc mỗi ngày là công việc của tất cả những ngày; trên đầu là trời, dưới chân là biển, giữa trời và biển những người lính quá nhỏ nhoi về thể chất, nhưng tinh thần của họ dành cho đất nước thì không hề nhỏ. Các anh nhìn thấy được tầm quan trọng như thế nào của biển Đông nói chung và biển đảo của ta nói riêng, bảo vệ, giữ lấy nó là chuyện thường xuyên, thường nhật bằng chính tấm lòng và con tim của người lính. Kẻ thù rình rập ngày đêm, chúng có thể lại dùng những thủ đoạn nham hiểm cướp giật của ta từng hòn đảo nhỏ nếu mình sơ hở, lơ là không cảnh giác triệt để. Ấy cũng là điều của sự “biết lo cái lo ở xa, sẽ tránh được cái lo ở gần”, câu mà người phương Đông thường lấy nó làm điều răn trong cuộc sống.
Hôm ở đảo Trường Sa lớn, trong những câu chuyện với các chiến sĩ, tôi lại biết thêm được nhiều chuyện về đảo, về những người dân và người lính đảo... Có một chàng trai xứ Bắc nhưng lại là chàng rể “tương lai” của Gia Lai, bạn này rất bịn rịn khi chia tay với chúng tôi trong đêm để lại phải ra biển; còn có một đồng hương xứ Quảng tên Tài nữa, cũng thế, phải chia tay để còn có nhiệm vụ... Thế đấy, xa xôi, cách trở là thế, yêu quê hương, đồng hương là thế, nhưng công việc mà các anh gọi là nhiệm vụ ấy nhất định không thể bỏ bê dù chỉ ít phút thôi. Đáng tự hào biết bao về những chàng trai trẻ quê ta!
Đêm 20-4 là một đêm tưng bừng giao lưu giữa những cán bộ chiến sĩ trên tàu với đoàn công tác của chúng tôi. Đang ở giai đoạn... “cao trào”, Phan Đăng- một nhà báo trẻ đến từ Hà Nội, đọc một bài thơ mới làm về Trường Sa trong chuyến công tác này làm xúc động nhiều người. Những gì thơ “nói” một lần nữa cho chúng ta điều khẳng định về lớp trẻ với công cuộc giữ nước là đúng lắm- họ không phụ lòng tổ tiên, không phụ lòng những lớp lớp người đi trước đã mở cõi và dựng nước!
Vùng biển Bạch Hổ về đêm như một thành phố, sáng bừng những giàn khoan, những con tàu đánh bắt hải sản... làm tôi suy nghĩ đến nhiều điều mung lung và sâu xa rất khó nói; biển bây giờ là vàng, là những đống vàng- hiện hữu chứ không phải là tiềm năng như ai đó hay nói.
Ảnh: B.H
Ảnh: B.H

Đêm càng về khuya, biển như thấu hiểu lòng tôi, cũng buồn buồn xao xao, những con sóng nhỏ từng đợt từng đợt ngắn vỗ vào mạn tàu rồi dội ra biển cả để lại những chùm bọt trắng vàng lên dưới ánh sáng chiếu xuống từ những ngọn đèn của những con tàu và những giàn khoan gần đó.

Từ phía xa khơi kia, giờ này những chàng lính biển trẻ trung gan dạ vẫn đang vững tay súng canh giữ biển trời. Cách đây mấy hôm, dưới cái nắng đặc trưng của biển, tôi chứng kiến một chàng lính trẻ- Phạm Văn Ngọc, quê Hải Dương- đang một mình trên tháp đảo. Anh nói với tôi là đang trong giờ làm nhiệm vụ, nếu không sẽ kể chuyện nhiều hơn về quê mình, rồi về đảo nữa cho... chú nghe. Chàng trai mới chỉ đôi mươi mà trông rất từng trải với dãi dầu sương gió, không chỉ riêng anh, những người lính đảo tôi đã gặp trong chuyến công tác này đều thế cả. Dạn dày và cứng cỏi lắm!

Trên boong tàu, vọng lại một lần nữa tiếng hát như ẩn giấu một điều gì ấy khi rất gần gũi lúc lại xa xăm... “nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ...” của ca sĩ Châu Hằng. Tôi chợt nhớ lại hôm trên đảo Phan Vinh, Hằng nói rất nhỏ và chỉ cho tôi một anh lính vừa hát chung với Hằng “thấy thế mà em vừa cầm tay anh ấy anh ấy run lên bần bật...”, rồi mắt Hằng như ẩn chứa điều gì thật con gái, từ đó nước mắt cứ như chực ứa ra và nghe giọng hát này hôm nay tôi đoán Hằng cũng đã ở vào “tình thế” như bữa nọ rồi!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.