Công an tỉnh Gia Lai thông báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu tháng 9-2022 đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người dân với số thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Theo đó, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn tố giác của chị L.A (trú tại huyện Ia Grai) và chị T.H (trú tại huyện Đức Cơ) trình báo về việc bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 2 tỷ đồng. 
Công an Gia Lai bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh: T.T
Công an Gia Lai bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh: T.T
Theo đơn trình báo của các bị hại, thông qua mạng xã hội Facebook, các đối tượng đăng bài quảng cáo tuyển cộng tác viên làm việc online bằng hình thức like (thích), share (chia sẻ) hoặc “thả tim” (yêu thích) các bài viết của các diễn viên nổi tiếng trên ứng dụng Tiktok. Mỗi lần thực hiện thao tác thành công sẽ nhận được 10.000 đồng, tối đa là 300.000 đồng/ngày, số tiền nhận được sẽ được thanh toán chuyến khoản ngay trong ngày. 
Khi đăng ký tham gia các đối tượng sẽ yêu cầu người tham gia cài đặt ứng dụng Telegram hoặc Lark (ứng dụng OTT, cung cấp cho người dùng các nội dung như hình ảnh, âm thanh, tin nhắn, gọi điện) để thực hiện các hình thức liên lạc. 
Sau khi thực hiện các chỉ tiêu like, share, “thả tim”, các đối tượng chuyến cho bị hại số tiền 200.000-300.000 đồng vào tài khoản và thông báo cho người tham gia đã nhận được một nhiệm vụ ưu đãi mới có lợi nhuận 30-40%, người tham gia phải nộp vào số tiền 5-7 triệu đồng để đặt cọc làm nhiệm vụ. 
Lúc này người tham gia sẽ được các đối tượng đưa vào nhóm kín trên ứng dụng Telegram gồm 3-4 thành viên (các thành viên đều trong nhóm đối tượng) để cùng thực hiện nhiệm vụ (các thành viên trong nhóm thường xuyên đưa những thông tin về lợi nhuận cao, hình ảnh nhận tiền để tạo lòng tin, sau đó gọi điện, nhắn tin tạo áp lực để bị hại phải thực hiện nạp tiền để hoàn thành nhiệm vụ). 
Sau khi đã nạp tiền làm nhiệm vụ và thông tin số tiền hoa hồng được hưởng, người tham gia muốn rút về thì được đối tượng yêu cầu phải hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo với các mức đối tượng đưa ra lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, nếu không sẽ hủy nhiệm vụ và bị mất hết toàn bộ số tiền đã đóng trước đó. 
Vì tâm lý lo sợ mất số tiền đã bỏ ra nên bị hại buộc phải đóng thêm số tiền lớn hơn để hoàn thành nhiệm vụ với hy vọng rút được tiền về tài khoản cá nhân. Lợi dụng việc này, các đối tượng đưa ra đủ mọi lý do như sai số tài khoản, phải xác minh thông tin, phải cọc thêm tiền để xác minh tài khoản, đóng phí vì số tiền rút về quá lớn... 
Cho đến khi chuyển vào số tiền rất lớn, không có khả năng lấy lại thì bị hại mới biết là đã bị lừa đảo và trình báo cơ quan chức năng. Số tiền của các bị hại sau đó bị các đối tượng chuyển sang nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ khác nhau, chuyển mua tiền “kỹ thuật số”, tiền “ảo”, thẻ game để chiếm đoạt.
Đây là hình thức biến tướng của thủ đoạn tuyển cộng tác viên bán hàng online trên Lazada, Shopee, Tiki... chúng chuyển các ứng dụng OTT từ Zalo, Messeger sang các ứng dụng Telegram, Lark...
Để kịp thời tuyên truyền cho người dân biết, phòng ngừa, Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đề nghị Đài phát thanh-truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai thông báo rộng rãi cho người dân biết, nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sản thông qua hình thức kiếm tiền online như trên.
Công an các huyện, thị xã và TP. Pleiku tăng cường, triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền đến quần chúng nhân dân để hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm trên, đồng thời nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện các vụ việc có hình thức, thủ đoạn như trên đề nghị thông báo đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai; địa chỉ: 80 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) để phối hợp, xử lý.
TRẦN ĐỨC
 

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.