Chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người: Chuyện bây giờ mới kể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyên án GL622 được Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai xác lập để đấu tranh với tội phạm hoạt động mua bán người và giải cứu các nạn nhân từ Campuchia đưa về nước. Đến nay, chuyên án đã thành công. Nhiều câu chuyện xung quanh việc thực hiện chuyên án lần đầu được các cán bộ tham gia kể lại cho thấy quyết tâm của những người lính quân hàm xanh trong cuộc đấu tranh với tội phạm và bảo vệ an toàn cho công dân.
Xác lập chuyên án
Thượng tá Nguyễn Thế Bất-Trưởng phòng Phòng-chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai) vẫn nhớ như in những ngày đầu tiếp nhận thông tin và lập án đấu tranh. Bởi lẽ, đây là vụ án đầu tiên xảy ra trên địa bàn biên giới của tỉnh có nhiều nạn nhân và có yếu tố nước ngoài, nếu lập án đấu tranh không khôn khéo có thể ảnh hưởng đến công tác ngoại giao. Trăn trở, băn khoăn này không chỉ với anh mà cả lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Thượng tá Nguyễn Thế Bất cho biết: “Xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có 2.852 hộ với hơn 11 ngàn khẩu thuộc 7 dân tộc anh em. Qua công tác nghiệp vụ, chúng tôi phát hiện tại làng Kloong có một số công dân vắng mặt với dấu hiệu bất thường. Tiếp đến, ngày 23-6, Đồn Biên phòng Ia O tiếp nhận tin báo của chị Puih Niêng (SN 1992, trú tại làng Kloong) về việc em trai mình là Puih Đại (SN 1998) cùng 6 người trong làng bị lôi kéo đi làm việc tại các tỉnh phía Nam, sau đó bị lừa bán sang Campuchia. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động. Những người này muốn trở về nước phải bỏ ra 120-150 triệu đồng chuộc thân”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên án. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chuyên án. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Xét tính chất vụ việc phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai đã báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy Gia Lai, Cục Phòng-chống ma túy và tội phạm. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thỉnh thị các ý kiến, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xác lập Chuyên án GL622 để đấu tranh với tội phạm hoạt động mua bán người. Theo đó, qua thu thập chứng cứ, lực lượng Biên phòng xác định đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001, trú xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) là “mắt xích” quan trọng trong đường dây mua bán người. Ban chuyên án đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ phối hợp với BĐBP tỉnh Kon Tum gặp gỡ gia đình để vận động Quyết ra đầu thú. Đến ngày 29-6, Quyết đã đến Đồn Biên phòng Ia O đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, thông qua mạng xã hội, Quyết đã dụ dỗ được anh Puih Đại, Puih Môi (SN 2004), Ksor Jối (SN 2004), Puih Chiêu (SN 2003), Ksor Gum (SN 1999), Puih Thái (SN 1994) và Puih Phú (SN 2006) vào các tỉnh phía Nam làm việc, nhưng thực chất là lừa bán sang Campuchia. Thông qua việc bán người sang Campuchia, Quyết thu lợi bất chính 128 triệu đồng.
Nói về tính chất, mức độ của vụ án này, Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai-cho biết: Đây là một vụ án rất phức tạp và nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, vì vậy cần có sự phối hợp, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp trên. Bản thân đối tượng Quyết trước đây cũng là một nạn nhân bị lừa sang Campuchia, gia đình phải bỏ tiền chuộc mới được về nước. Sau đó, do thiếu hiểu biết pháp luật cùng với tính chất đua đòi ăn chơi nên đối tượng đã dùng các mạng xã hội để lừa bịp, dụ dỗ người khác rồi bán ra nước ngoài.
Hành trình giải cứu các nạn nhân
Mục tiêu mà Ban chuyên án GL622 đặt ra là quá trình đấu tranh phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và quy định, đáp ứng yêu cầu về chính trị và nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ với chủ trương “Bí mật, tập trung, thống nhất, nhanh chóng, kịp thời, điều tra sâu, xác minh kỹ, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm”. Trong quá trình thực hiện chuyên án, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ BĐBP các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Tây Ninh, Cục Phòng-chống ma túy và tội phạm, Đoàn đặc nhiệm số 2, 3... đã được huy động tham gia.
Những ngày diễn ra chuyên án, điện thoại của Đại tá Trần Thanh Bình-Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai, Trưởng ban chuyên án-không ngớt đổ chuông bởi những cuộc gọi chỉ đạo của cấp trên và của các thành viên Ban chuyên án báo cáo tình hình. Bản thân ông cũng rất hồi hộp, lo lắng bởi đây là lần đầu tiên Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xác lập một chuyên án đấu tranh và giải cứu công dân vượt ra khỏi phạm vi của 1 tỉnh, 1 quốc gia. “Nhiệm vụ của Ban chuyên án tại Gia Lai là đấu tranh với đối tượng Quyết, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tại địa bàn; làm công tác tư tưởng đối với thân nhân, chuẩn bị đón nạn nhân… Bên cạnh đó, Ban chuyên án cung cấp dữ liệu cho Đoàn 3, Cục Phòng-chống ma túy và tội phạm để xác minh các địa điểm mà đối tượng đưa 7 công dân tới tạm trú tại TP. Hồ Chí Minh trước khi bán sang Campuchia; xác minh các phương tiện chở nạn nhân, các mối quan hệ”-Đại tá Bình thông tin.
Các nạn nhân được lực lượng chức năng bàn giao cho gia đình. Ảnh: Hoành Sơn
Các nạn nhân được lực lượng chức năng bàn giao cho gia đình. Ảnh: Hoành Sơn
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh-Cục trưởng Cục Phòng-chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) cho biết: Sau khi xác lập chuyên án, Cục đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai, Tây Ninh và các lực lượng khác để xác định địa chỉ của các nạn nhân tại Campuchia. Cùng với đó, trao đổi với Cục Lãnh sự quán, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Sau khi xác minh đúng địa điểm các công dân đang ở tại một casino hotel thuộc tỉnh Siem Reap, lực lượng chức năng đã phối hợp bố trí cho 2 nạn nhân là Puih Thái và Puih Phú trốn ra để củng cố tài liệu, chứng cứ. Sau đó, lực lượng Biên phòng phối hợp với Cục Lãnh sự quán trao đổi với Cục Di trú Campuchia giải cứu 5 nạn nhân còn lại. Đến ngày 6-7, tất cả 7 nạn nhân đã được đơn vị phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh tiếp nhận, hỗ trợ và đưa về tỉnh Gia Lai để phục vụ công tác điều tra. “Đến bây giờ khi kết thúc thành công chuyên án, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia đều phải ký hợp đồng lao động, nếu vi phạm sẽ bị đánh đập, bị mất mạng, tàn tật suốt đời. Thậm chí, qua công tác nghiệp vụ, chúng tôi còn phát hiện những đối tượng quản lý người lao động đã thông báo là người nào bỏ trốn nếu bắt được sẽ chặt chân tay, thậm chí là lấy nội tạng để bán. Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng, trăn trở nên quyết tâm bằng mọi giá phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các nạn nhân, đặc biệt là 2 nạn nhân trốn ra ngoài trước”-Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh chia sẻ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung: Thành công của Chuyên án GL622 thể hiện tinh thần cương quyết đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ tính mạng người dân của BĐBP tỉnh. Kết quả này phản ánh việc chúng ta đã kịp thời phát hiện các đối tượng chính của chuyên án, chuyển cho cơ quan Công an để có các bước điều tra tiếp theo và giải cứu thành công 7 nạn nhân bị lừa qua Campuchia làm việc. Lực lượng Biên phòng cũng đã thực hiện tốt các quy định trong công tác phối hợp với các lực lượng chức năng của nước ta và Campuchia để thực hiện thành công chuyên án.

Trung tá Đinh Công Thông-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O-thông tin: “Trong những ngày triển khai chuyên án, nhiều thân nhân của các nạn nhân đã có mặt ở đơn vị mong muốn lực lượng chức năng sớm đưa con em họ về an toàn. Thậm chí, nhiều người khóc lóc, lo lắng nên chúng tôi phải cử cán bộ, chiến sĩ động viên, chia sẻ. Nhiều hôm, tại đơn vị có hơn 40 người vừa là lực lượng đấu tranh của chuyên án, vừa là thân nhân, chúng tôi phải đảm bảo nơi ăn ở. Dù vất vả nhưng chúng tôi luôn cố gắng để đáp ứng yêu cầu của mọi người”.
Còn Đại tá Trần Tiến Hải thì chia sẻ: “Khi nhận được tin các nạn nhân đã được giải cứu và trên đường trở về, chúng tôi xúc động rơi nước mắt. Bởi lẽ, những nạn nhân này đã trải qua nhiều vất vả, khổ cực cả về thể xác lẫn tinh thần, đây là con em của đồng bào mình trên biên giới. Chúng tôi cũng đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ gần 200 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình nạn nhân”.
Trở về sau những tháng ngày vất vả, khổ cực trên đất khách quê người, anh Puih Đại cho biết, đến bây giờ, anh cũng chưa thể tin nổi là mình đã được về đoàn tụ với gia đình. Khi được lực lượng chức năng đón ở biên giới, nhìn thấy màu áo xanh của BĐBP Việt Nam, mọi người đều reo lên là mình được cứu sống rồi. “Dọc đường di chuyển về Gia Lai, chúng tôi được chăm sóc, động viên, lo ăn uống nên mừng lắm. Chúng tôi biết rằng, để đưa chúng tôi trở về nhà, lực lượng chức năng đã tốn biết bao công sức, tiền bạc. Vì vậy, tôi khuyên mọi người đừng bao giờ tin có việc nhẹ lương cao, đừng tin lời lừa phỉnh của kẻ xấu, bởi không đâu an toàn hơn quê hương, đất nước mình”-anh Puih Đại tâm sự.
VĨNH HOÀNG - HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

Mẹ lãnh án vì giao xe cho con trai gây tai nạn chết người

(GLO)-

Sáng 27-3, Tòa án nhân dân huyện huyện Chư Prông đưa ra xét xử lưu động và tuyên phạt bị cáo Rơ Mah Pil (SN 1986, trú tại làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.