Báo động tội phạm giết người do mâu thuẫn nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra nhiều vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn, va chạm nhỏ trong cuộc sống. Chỉ vì phút nóng giận nhất thời không kiểm soát được bản thân, nhiều đối tượng đã gây ra những hậu quả đau lòng, gây phức tạp cho tình hình an ninh trật tự.
Theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ giết người (tăng 25% số vụ so với cùng kỳ năm 2020), làm 5 người chết, 17 người bị thương. Trong đó, có 11 vụ xuất phát từ những mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt hàng ngày, 3 vụ do mâu thuẫn từ trước và 1 vụ có nguyên nhân khác. Hơn 80% đối tượng gây án là thanh-thiếu niên. Điển hình như vụ án mạng xảy ra vào khoảng 1 giờ ngày 23-3 tại xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát trong cuộc sống. Theo đó, trong lúc ngồi uống rượu ở nhà người quen, giữa Rơ Châm Cân (SN 2005) và Kpă Minh (SN 2005, cùng trú tại làng Tnao) xảy ra mâu thuẫn. Do nóng giận, Cân đã dùng dao đâm khiến Minh tử vong tại chỗ.
Đối tượng Rơ Châm Cân. Ảnh: Lê Anh
Đối tượng Rơ Châm Cân. Ảnh: Lê Anh
Qua phân tích của Cơ quan Điều tra Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của các vụ giết người trong thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống dẫn đến lời qua tiếng lại, một số đối tượng bị kích động, sử dụng rượu bia hoặc thích thể hiện nên đã dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, gây thương vong cho người khác. Cùng với đó, do tác động của phim ảnh bạo lực, mạng xã hội, việc lạm dụng chất kích thích, sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình; việc chăm sóc, chữa trị, quản lý người có dấu hiệu, tiền sử bệnh tâm thần của một số gia đình chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến những hành vi phạm tội.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Công an, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cảnh báo phương thức, thủ đoạn, hậu quả, hệ lụy của tội phạm giết người. Thực hiện tốt công tác hòa giải ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải; chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm, tham mưu chính quyền cơ sở giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong đời sống. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý cư trú, quản lý vũ khí, vật liệu nổ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng, nhóm đối tượng có nghi vấn phạm tội. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại cơ sở; quản lý chặt các nhóm đối tượng, đối tượng có tiền án, tiền sự, thanh-thiếu niên lêu lổng, nghiện ma túy để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.