Công an Hưng Yên cảnh báo chiêu trò lừa đảo mua bán lan đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 10.4, trước tình trạng hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến với tổng giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng vừa diễn ra, công an tỉnh Hưng Yên đã đưa ra cảnh báo tới người dân, tránh bị lợi dung vào các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, theo Công an tỉnh Hưng Yên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh này đã diễn ra một số vụ giao dịch, chuyển nhượng lan đột biến với giá trị rất lớn.

Điển hình như vụ chuyển nhượng 5 cây lan đột biến Bảo Duy diễn ra tháng 1.2021 tại Nhà vườn ở xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) với tổng giá trị chuyển nhượng 26 tỉ đồng.

Vụ chuyển nhượng 1 cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước diễn ra vào tháng 2.2021 tại Hội hoa lan Var Phố Hiến (đường Chu Mạnh Trinh, TP Hưng Yên) với giá trị chuyển nhượng 40 tỉ đồng.

Gần đây nhất, vụ chuyển nhượng 6 cây lan đột biến Ngọc Sơn Cước diễn ra ngày 24.3 tại Nhà hàng Phương Hồng, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, tổng số tiền giao dịch là khoảng 34 tỉ đồng.

 

 Hình ảnh trong một diễn đàn chơi lan đột biến, nhiều thương vụ mua bán lan lên tới tiền tỉ diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua. Ảnh: Chụp màn hình.
Hình ảnh trong một diễn đàn chơi lan đột biến, nhiều thương vụ mua bán lan lên tới tiền tỉ diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua. Ảnh: Chụp màn hình.


Theo công an tỉnh Hưng Yên, việc mua bán, chuyển nhượng lan đột biến thu hút sự chú ý, lôi kéo rất nhiều người lao vào vòng xoáy trồng, đầu tư, mua bán lan đột biến.

Việc đầu tư, kinh doanh lan đột biến đang có xu hướng tạo thành trào lưu, nhiều người nhìn từ bên ngoài tưởng việc kinh doanh này dễ kiếm lời nên bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hoạt động liên quan đến mua bán lan đột biến đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Bởi lẽ, giá trị lan đột biến được định giá tự do, không có căn cứ, là cơ hội cho hành vi thổi giá, gây hấp dẫn giả để dụ người chơi mới, kém hiểu biết tham gia.

Các hoạt động mua bán, giao dịch lan đột biến diễn ra tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, có nguy cơ biến tướng thành hoạt động đa cấp hoặc rửa tiền. Do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng lan đột biến nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch.

Điển hình, tháng 12.2020, Công an huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 3 tỉ đồng; đối tượng sử dụng phương thức tinh vi là tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan Phi Điệp thường bằng keo và chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Gần đây, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, bắt tạm giam 1 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn thông qua việc bán lan trên mạng xã hội, lừa đảo bán lan đột biến giả cho nhiều người với số tiền 4,6 tỉ đồng.

Trước thực trạng trên, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác quản lý, phổ biến, tuyên truyền đến người dân; kiên quyết không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động lừa đảo bằng việc kinh doanh lan đột biến; kịp thời phát hiện chấn chỉnh, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng hoạt động này để vi phạm pháp luật.

Đồng thời, công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước khi mua; chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán lan đột biến nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

https://laodong.vn/kinh-te/cong-an-hung-yen-canh-bao-chieu-tro-lua-dao-mua-ban-lan-dot-bien-897597.ldo

Theo ĐÌNH TRƯỜNG  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.