Mua bán pháo tràn lan trên mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù bị nghiêm cấm sử dụng nhưng nhiều người vẫn bất chấp rao bán pháo nổ, pháo hoa nổ tràn lan trên mạng xã hội
Chuyện cấm mua bán pháo nổ, pháo hoa nổ nghĩ ai cũng biết nhưng xem ra không phải ai cũng tuân thủ. Bằng chứng, khi chúng tôi lên Facebook gõ cụm từ "cần mua pháo nổ, pháo hoa nổ" thì cho ra hàng trăm tài khoản đăng thông tin bán mặt hàng này. Trong đó, nếu so sánh thì tài khoản bán pháo nổ ít hơn so với pháo hoa nổ.
Công khai giao dịch
Tại một nhóm trên Facebook, tài khoản P.H.P đăng thông tin ngắn gọn rao bán pháo đại 100 trái với giá 650.000 đồng kèm theo hình ảnh là "mua bao nhiêu cũng có". Bên dưới, rất nhiều người ở các tỉnh, thành hỏi mua và được chủ tài khoản hăng hái trả lời.
Liên lạc với tài khoản bán pháo, chủ nhân cho biết sinh sống tại huyện Bình Chánh (TP HCM) và pháo được bán với giá 700.000 đồng mỗi bịch 100 trái do đang hút hàng. Nếu mua thì sang Bình Chánh nhận hàng và giao tiền tại chỗ chứ không giao hàng qua dịch vụ.
Bên cạnh việc rao bán pháo nổ, một số tài khoản còn quay video đăng bán súng pháo công khai trên Facebook. Chủ một trang bán súng pháo thường quay clip thử súng thông tin rằng đây là mặt hàng đang bán rất chạy và kêu gọi khách hàng mua về chơi thử trong dịp Tết.

Pháo nổ, pháo hoa nổ đang được rao bán tràn lan trên mạng
Pháo nổ, pháo hoa nổ đang được rao bán tràn lan trên mạng
Anh N.H.N (ngụ quận 10, TP HCM) cho rằng các đối tượng buôn bán pháo rất tinh vi khi giao dịch trên mạng xã hội. Khi có nhu cầu mua bán pháo, các đối tượng thường yêu cầu khách gửi tin nhắn qua Facebook để giao dịch. Nếu những trang Facebook không rõ hình ảnh thì các đối tượng bán pháo thường trả lời qua loa còn nếu có số điện thoại, hình ảnh thật thì sẽ được trả lời nhiệt tình và hẹn thời gian, địa điểm giao dịch. Cũng theo anh N., dù pháp luật nghiêm cấm nhưng vào các dịp Tết vẫn thấy người dân ở một số địa phương đốt pháo nổ ầm ầm, thậm chí còn đăng tải hình ảnh, video lên mạng xã hội. Chính nhu cầu tiêu thụ của người dân là điều kiện để hoạt động mua bán pháo nổ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức. Anh N. cũng nói có những người hoàn toàn mù mờ ranh giới giữa pháo hoa và pháo hoa nổ mà cứ mua về sử dụng.
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM, cho biết để tránh vi phạm pháp luật thì người dân cần phải hiểu rõ các khái niệm được quy định tại điều 3 Nghị định số 137/NĐ/2020 ngày 27-11-2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1. Theo đó, quy định về pháo nổ là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc là công nghiệp, khi có tác động, kích thích cơ, điện, hóa thì sẽ gây ra tiếng nổ và có hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa được chế tạo sản xuất thủ công và công nghiệp khi có tác động kích thích cơ, điện, hóa gây ra hiệu ứng màu sắc trong không gian và đặc biệt không gây ra tiếng nổ. Đối với người dân khi sử dụng các loại pháo thì chủ yếu là sử dụng pháo hoa và không được sử dụng các loại pháo có tiếng nổ. "Người dân cần tìm hiểu kỹ các khái niệm pháo nổ, pháo hoa, pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật" - thượng tá Nguyễn Minh Thơ lưu ý.
Trả giá đắt
Trước đó, Công an TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trực thuộc tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo. Công an TP chỉ đạo công an cơ sở tham mưu chính quyền địa phương tổ chức in tài liệu tuyên truyền cho từng hộ dân, hộ kinh doanh... trên địa bàn ký cam kết không để xảy ra tình trạng sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ. Đặc biệt, Công an TP giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị, nếu buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo, để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn và Ban Giám đốc Công an TP HCM.
Tuy nhiên, nhiều người vì ham lợi vẫn cố tình phớt lờ để mua bán pháo thu lợi bất chính và bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Cụ thể, ngày 15-1, sau một thời gian theo dõi, Công an quận 5 (TP HCM) đã phát hiện Nguyễn Quốc Chiến (SN 1968, chạy xe ôm) chở bao pháo nổ từ cửa hàng của Nguyễn Anh Thắng (SN 1995) trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) chạy ra nên bám theo. Đến giao lộ Dương Tử Giang - Phạm Hữu Chí (quận 5), Chiến bị trinh sát chặn lại kiểm tra. Từ lời khai của Chiến, Công an quận 5 kiểm tra điểm kinh doanh của Thắng, thu giữ gần 60 kg pháo nổ các loại. Thắng khai mua pháo nổ trên Zalo, sau đó thuê Chiến phân phối lại cho khách kiếm lời.
Ngoài vụ này, Công an quận 5 còn đang củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi mua bán pháo của Nguyễn Văn Thành Long (SN 2000). Long là sinh viên một trường cao đẳng ở TP HCM và thường xuyên bán pháo nổ cho người có nhu cầu. Rạng sáng 21-1, Long mang 10 hộp pháo nổ và 5 bịch pháo bánh lớn có chữ nước ngoài thì bị công an bắt quả tang. 
Chỉ được mua pháo hoa ở nơi được cấp phép
Theo thượng tá Nguyễn Minh Thơ, các tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, Tết, hội nghị, đám cưới và các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, người dân chỉ được sử dụng pháo hoa mua ở các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được cho phép kinh doanh và những nơi được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và bảo đảm điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
Bài và ảnh: HẠNH NGUYÊN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.