Thủ đoạn của các đối tượng phá rừng ở Gia Lai ngày càng tinh vi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo báo cáo của Công an tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ gần 2.300 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đã xử lý hơn 2.200 vụ.

Hiện trường một vụ phá rừng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)Hiện trường một vụ phá rừng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Hiện trường một vụ phá rừng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)Hiện trường một vụ phá rừng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như huyện Chư Păh, Kông Chro, Kbang, Ia Grai.
Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số vụ khai thác rừng quy mô lớn, nhiều đối tượng tham gia.
Thủ đoạn hoạt động của các nhóm đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi, lợi dụng đường tiểu ngạch, phân chia khu vực khai thác, chia nhỏ lâm sản hoặc sử dụng xe độ chế, hết niên hạn sử dụng để vận chuyển lâm sản. Một số vụ đối tượng hoạt động manh động, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng để tẩu thoát khi bị phát hiện, gây khó khăn cho công tác xác minh, xử lý.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lâm sản lợi dụng sơ hở các quy định pháp luật và sự kiểm soát thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng để kinh doanh gỗ không có nguồn gốc hợp pháp.
Các đơn vị chủ rừng tại một số địa phương chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trong thời gian dài nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, gây hậu quả lớn, nhất là tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ, Ayun Pa, Ia Grai, Chư Mố.
Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường thực hiện hiệu quả các quy chế, kế hoạch phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của các ngành chức năng trên địa bàn, nòng cốt là lực lượng công an, kiểm lâm, tỉnh Gia Lai đã triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh tội phạm vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng, hủy hoại rừng, đồng thời xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
Mặt khác, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai phối hợp Thanh tra tỉnh chủ động phát hiện, xử lý hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý rừng gây hậu quả nghiêm trọng của một số cán bộ, nhân viên các Ban quản lý rừng phòng hộ thời gian qua.
Điển hình, vào đầu tháng 9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can là Ngô Càng Thanh (nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai giai đoạn trước năm 2015) và Lê Tiến Hiệp (Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai) để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2018, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện trong giai đoạn từ năm 2001-2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai xảy ra sai phạm để mất rừng và vi phạm trong việc sử dụng ngân sách.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Quản lý rừng này đã để mất và cháy hơn 360ha rừng. Dù để rừng bị lấn chiếm nhưng hằng năm, Ban Quản lý không thống kê, báo cáo thực trạng tình hình và nguyên nhân mất rừng cho các cơ quan chức năng.
Từ giữa tháng 6/2020 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kbang khởi tố 4 vụ án với 32 bị can về hành vi khai thác lâm sản trái phép; khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lê Hữu Đức (nhân viên bảo vệ rừng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Lơ Ku) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại khoảnh 8, tiểu khu 120, xã Sơ Pai và khoảnh 2, tiểu khu 122 xã Đăk Smar, lâm phần Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Lơ Ku quản lý với khối lượng gỗ bị khai thác hơn 103m3.

Công an huyện Kbang, Gia Lai thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Lê Hữu Đức - nhân viên bảo vệ rừng - về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại huyện Kbang vào tháng 6/2020. (Ảnh: TTXVN phát)
Công an huyện Kbang, Gia Lai thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Lê Hữu Đức - nhân viên bảo vệ rừng - về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại huyện Kbang vào tháng 6/2020. (Ảnh: TTXVN phát)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quốc Hùng (sinh năm 1976, trú thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê) về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng.
Trước đó, ngày 29/6/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Gia Lai phát hiện 2 xe ôtô có biểu hiện nghi vấn vận chuyển lâm sản trái phép vào Doanh nghiệp tư nhân Hùng Ny do ông Nguyễn Quốc Hùng làm chủ.
Lực lượng chức năng kiểm tra kho, phát hiện doanh nghiệp tàng trữ gần 200m3 gỗ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Gia Lai, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ gần 2.300 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đã xử lý hơn 2.200 vụ; trong đó, khởi tố, xử lý hình sự hơn 120 vụ; xử lý hành chính hơn 2.000 vụ.
Trong gần 2.300 vụ vi phạm, các lực lượng chức năng tỉnh đã xử phạt 935 vụ với số tiền hơn 36 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước; thu giữ tang vật với hơn 4.100 m3 gỗ các loại, 137 xe ôtô, máy kéo, 516 xe máy.
Với hàng nghìn vụ án phá rừng, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai hàng năm bị kéo giảm rất lớn. Năm 2017, tỉnh Gia Lai bị giảm hơn 18.000ha rừng; năm 2018, giảm hơn 83.700ha, năm 2019, giảm hơn 94.600ha và 6 tháng đầu năm 2020, diện tích rừng Gia Lai tiếp tục giảm gần 56.000ha. Nguyên nhân chủ yếu do phá rừng trái phép.
Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.