Gia Lai: Đa dạng hóa tuyên truyền về bảo vệ, phát triển rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai không ngừng đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ rừng trong cộng đồng. Không những phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến tận thôn, làng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông tại các trường học nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về vai trò, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng.
Trồng cây kết hợp nâng cao nhận thức cộng đồng
Tham gia lễ phát động trồng cây, anh Nay Sứ (buôn Phu Ma Nhe 1, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) cùng bà con trong làng rất phấn khởi. Anh Sứ cho hay: “Khi xã tổ chức họp làng tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây, bà con đều phấn khởi hưởng ứng thực hiện, bởi trồng cây xanh mang lại bóng mát, tạo cảnh quan môi trường, giúp đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Tôi sẽ vận động bà con tích cực chăm sóc thật tốt để cây sống và phát triển”.
Ông Đặng Tấn Hòa-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các thôn, buôn tăng cường tuyên truyền cho bà con hiểu lợi ích lâu dài của việc trồng cây, đồng thời vận động người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Theo Chủ tịch UBND xã Ia Rtô, việc trồng cây phải đi đôi với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ; các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tự quản, tự chăm sóc, bảo vệ, không để xảy ra sâu bệnh, khô hạn hay gia súc phá hại.
“Để đảm bảo tỷ lệ cây sống, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, buôn tăng cường giám sát, nhắc nhở; phân công cán bộ, công chức phụ trách các thôn, buôn vận động người dân bảo vệ, chăm sóc để cây trồng có tỷ lệ sống cao”-ông Hòa nhấn mạnh.
Người dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) trồng cây phân tán tại các tuyến đường liên thôn. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) trồng cây phân tán tại các tuyến đường liên thôn. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Lương Đình Trọng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã chủ động tham mưu và được UBND tỉnh thống nhất dành hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thu tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) để hỗ trợ UBND các huyện trồng cây phân tán, “Trồng cây nhớ ơn Bác Hồ” hàng năm. Riêng năm 2020, đơn vị hỗ trợ thị xã Ayun Pa và huyện Đak Đoa (mỗi đơn vị 500 triệu đồng) để triển khai trồng hàng chục ngàn cây xanh các loại như: dầu rái, thông ba lá, sao đen, xà cừ, bằng lăng…
Đa dạng hoạt động tuyên truyền
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Những năm gần đây, đơn vị chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nội dung phong phú, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với phát triển sinh kế bền vững cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, ngày càng gắn bó với rừng, coi việc bảo vệ rừng như bảo vệ tài sản của gia đình, tích cực tuần tra bảo vệ diện tích rừng nhận khoán.
Ông Đinh Sưr-Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cho hay “Chúng tôi được tuyên truyền, giải thích về chính sách chi trả DVMTR giúp có cuộc sống ổn định từ việc tham gia giữ rừng. Do vậy, chúng tôi ý thức phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng”.
Ngoài tuyên truyền tại các buôn làng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với giáo dục ý thức bảo vệ rừng tại các trường học. Chủ động phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện Chư Pah, Kbang (sắp tới là huyện Chư Prông, Ia Grai) tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép hoạt động thi vẽ tranh với chủ đề “Rừng xanh trong mắt em”; thi tìm hiểu về chính sách chi trả DVMTR, giao lưu “hỏi đáp-nhận quà”… giúp các em học sinh hiểu hơn giá trị, ý nghĩa của việc bảo vệ và phát triển rừng.
Người dân làng Đê Tar, xã kon Chiêng, huyện Mang Yang tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Trao đổi với P.V, thầy Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong (huyện Kbang) khẳng định: Phần lớn gia đình các em đều được hưởng lợi từ chính sách DVMTR thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, chương trình ngoại khóa là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa, giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền đến người thân trong gia đình, vận động dân làng không phá rừng làm rẫy, chung sức bảo vệ rừng.
Việc đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR có tác động tích cực đối với toàn thể xã hội. Đặc biệt, việc tuyên truyền trong trường học đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của học sinh trong việc chung tay bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái.
“Mong rằng trong thời gian tới, thầy-cô giáo và các em học sinh tiếp tục đồng hành với đơn vị trong việc tuyên truyền, vận động bà con và gia đình tích cực tham gia bảo vệ rừng cũng như thực thi chính sách chi trả DVMTR ngày càng tốt hơn”-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nói.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm