Thương chồng, vợ vướng lao lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù người chồng lao vào vòng xoáy nợ nần, lừa đảo, bệnh tật và bị truy nã, nhưng vì tình nghĩa, người vợ đã bao che cho chồng lẩn trốn để rồi cả 2 cùng vướng vào vòng lao lý.
 

Lê Thị Nga (SN 1960, trú tại làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng chồng là Trần Quang Vinh (SN 1959) từng có một tổ ấm hạnh phúc với 2 con gái, 1 con trai. Vinh từng là công nhân quốc phòng, còn Nga từng là thanh niên xung phong công tác tại các đơn vị thuộc Binh đoàn 15. Cần mẫn làm ăn, 2 vợ chồng cũng đã có 1 căn nhà và mảnh vườn để nuôi các con ăn học.

Song, bước ngoặt khiến tổ ấm gia đình tan vỡ là từ khi Vinh xuất ngũ trở về địa phương vào năm 2013. Vinh thường xuyên đi khỏi nhà và chỉ nói với vợ con là mình đi mua bán gỗ cao su thanh lý. Cũng từ ngày ấy, Nga một mình cáng đáng công việc gia đình. Bỗng một ngày, một số thanh niên xăm trổ đến đòi nợ, Nga mới tá hỏa rằng Vinh buôn bán thua lỗ, nợ tiền người khác nhưng không có khả năng chi trả. Sau đó, Vinh trở về nhà và yêu cầu phải bán nhà, bán đất để trả nợ.

 Hai vợ chồng Nga và Vinh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Văn Ngọc
Vợ chồng Nga và Vinh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Ngày 23-7, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt bị cáo Vinh 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị cáo Nga 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Che giấu tội phạm”. Theo hồ sơ, năm 2017, Vinh đã đưa thông tin gian dối khi giới thiệu với 1 công ty tại tỉnh Bình Dương về việc mình có vườn cao su thanh lý. Tin tưởng Vinh, công ty này đã đặt cọc số tiền 700 triệu đồng để mua gỗ cao su thanh lý với giá gần 2,3 tỷ đồng. Vinh nhận số tiền 700 triệu đồng rồi chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Mất đất, mất nhà, mẹ con Nga phải dọn đi ăn nhờ, ở đậu. Các con của Nga lần lượt lập gia đình, Nga buồn lắm vì không có của cải chia cho các con. “Ngày các con đi lấy chồng, mà tôi còn chẳng may cho nó được một tấm áo mới”-Nga nức nở. Dù đã tuổi cao sức yếu nhưng Nga vẫn phải bươn chải khắp nơi để làm thuê trong khu công nghiệp, các rẫy cà phê… Riêng Vinh vẫn đi biền biệt. Rồi một ngày đầu tháng 11-2018, đại diện Công an, Viện Kiểm sát đến gặp Nga và nói rằng Vinh đang bị truy nã toàn quốc khi lừa đảo của một công ty đến 700 triệu đồng.


Vừa choáng váng với số tiền “trên trời”, vừa lo lắng cho người đã hơn 30 năm đầu ấp tay gối nhưng Nga cũng chỉ biết cặm cụi kiếm sống mà chờ tin chồng. Khoảng đầu tháng 1-2019, sau khi đã lẩn trốn nhiều nơi, đến lúc hết tiền tiêu xài, Vinh trở về tìm Nga. Nga khuyên Vinh ra đầu thú nhưng Vinh nói rằng mình đang bị bệnh, sau khi chữa trị xong sẽ ra đầu thú. Lúc này, Nga đang làm thuê cho 1 nhà rẫy ở thôn Prông Thông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Tin lời chồng, Nga đã đưa Vinh đến ăn ở tại nhà rẫy này. Biết Vinh đang bị truy nã, Nga vẫn hàng ngày tận tụy cơm nước, mua thuốc chữa bệnh cho chồng.

Vinh không đủ sức làm lụng, Nga vẫn một mình gồng gánh mọi khoản chi phí cho chồng. Khi Nga kể với 2 con gái về việc Vinh đang lẩn trốn ở nhà rẫy nơi mình làm thuê, 2 người đã khuyên mẹ đưa cha ra đầu thú. Tuy nhiên, Nga không đồng ý. Đến ngày 10-4-2019 thì Vinh bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Tại phiên tòa xét xử cha mẹ mình, chị T.T.T.T. đã không cầm nổi những giọt nước mắt ngắn dài. Chị T. khóc nói: “Mẹ tôi cũng vì thương bố tôi quá, cũng khuyên ông ra đầu thú rồi nhưng sợ ông bị tiểu đường, biến chứng nặng quá nếu vào tù lỡ có chuyện gì nên bây giờ mới bị liên lụy như thế. Mẹ tôi đã cả đời vất vả nuôi con, nuôi cháu giờ lại rơi vào cảnh tù tội thế này…”.
 

 LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.