Xét xử vụ sai phạm trong đấu thầu thuốc ở Sở Y tế: 9 bị cáo lãnh án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 ngày xét xử, chiều 19-6, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Sở Y tế với mức án cao hơn so với các bản án đã tuyên trước đây. 
9 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Phùng Xuân Quýnh (SN 1953, nguyên Giám đốc Sở Y tế) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Công Nhân (SN 1955, nguyên Phó Giám đốc), Đặng Đức Châu (SN 1963, nguyên Phó Giám đốc), Phan Minh Hiếu (SN 1968, nguyên Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y), Đoàn Cường (SN 1963, nguyên Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược), Lê Khánh Lân (SN 1956, nguyên cán bộ Phòng Kế hoạch-Tài vụ), Nguyễn Thị Kim Liên (SN 1972, nguyên chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Dược), Rmah Plih (SN 1956, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch-Tài vụ), Bùi Ngọc Thư (SN 1968, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài vụ) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong bản cáo trạng truy tố lần này, kết quả giám định lại về tài chính xác định: Từ năm 2008 đến 2010, bị cáo Quýnh với tư cách là Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu thuốc. 8 bị cáo còn lại tham gia vào tổ chuyên gia với tư cách khác nhau. Các bị cáo trong tổ chuyên gia đấu thầu đã có 2 hành vi xét thầu gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính của Nhà nước. Hành vi thứ nhất là có 8 mặt hàng thuốc dự thầu đạt đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại hồ sơ mời thầu nhưng các bị cáo loại ra, dẫn đến có 8 mặt hàng thuốc dự thầu khác có giá chào thầu cao hơn được trúng thầu. Tuy nhiên, trong số 8 mặt hàng thuốc giá cao trúng thầu thì có 1 mặt hàng sau đó không được thực hiện việc ký kết hợp đồng mua nên không gây ra thiệt hại. 7 mặt hàng thuốc còn lại có giá chào thầu cao được trúng thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,9 tỷ đồng. Hành vi sai phạm thứ 2 là có 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai xuất xứ, lẽ ra phải loại ngay nhưng các bị cáo lại xét đạt, cho trúng thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng. Tổng cộng thiệt hại do hành vi xét thầu sai của các bị cáo gây ra là hơn 6,1 tỷ đồng. 
 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: L.V.N
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: L.V.N
Riêng với bị cáo Quýnh là Giám đốc Sở Y tế, chủ đầu tư dự án đấu thầu thuốc, là người chịu trách nhiệm chung trong hoạt động đấu thầu thuốc nhưng trong 2 năm 2009-2010 đã ủy quyền cho bị cáo Nhân ký các văn bản đấu thầu với tư cách chủ đầu tư, thực hiện nhiệm vụ tổ chức đấu thầu, ký vào các tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả xét thầu. Do đó, bị cáo Quýnh không phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại do hành vi xét thầu sai gây ra. Bị cáo Quýnh chỉ chịu trách nhiệm hình sự đối với việc trực tiếp ký vào tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả xét thầu năm 2008, trong đó có 5 mặt hàng thuốc bị xét thầu sai, gây thiệt hại hơn 415 triệu đồng. 
Tại phiên tòa, bị cáo Quýnh thừa nhận việc truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh là đúng với hành vi thiếu đôn đốc, kiểm tra các thuộc cấp dẫn đến sai phạm, gây thất thoát số tiền lớn của Nhà nước. Trong khi đó, bị cáo Nhân và bị cáo Châu đều cho rằng mình “đã làm hết sức”. Bị cáo Châu nói: “Tôi là một bác sĩ, không quá am hiểu về nghiệp vụ dược. Thực ra, tôi tham dự tổ chuyên gia chỉ là một quyết định hành chính cho đủ ban bệ, chứ các công việc khác của Sở còn rất nhiều. Đúng là tôi quá tin tưởng vào anh em và phần mềm máy tính. Tôi đã không tham gia đầy đủ công tác xét thầu, đó là sai sót của tôi. Nhưng tôi không có động cơ, không thông thầu, rất vô tư và khách quan nên tôi nghĩ mình chỉ thiếu trách nhiệm chứ không cố ý làm trái”. 
Bào chữa cho các bị cáo Nhân, Châu, Plih, luật sư Lê Văn Thành (Đoàn luật sư Gia Lai) cũng đề nghị thay đổi tội danh cho các bị cáo này sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì không có yếu tố cố ý. Luật sư Thành cũng đề nghị Hội đồng xét xử cho các bị cáo được hưởng án treo vì đã khắc phục hậu quả, hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội, các bị cáo đều có nhân thân tốt, có nhiều công lao đóng góp cho ngành. 
Tuy nhiên, kiểm sát viên Doãn Thị Trúc thực hiện quyền công tố tại phiên tòa chỉ ra rằng, các bị cáo có tên trong tổ chuyên gia đều đã được tập huấn về công tác xét thầu; đều phải trực tiếp tham gia và biết mình cần phải làm những gì, biết hậu quả của việc mình làm sai sẽ như thế nào nhưng vẫn làm sai quy định, thực hiện không đúng công việc nên đã cấu thành hành vi cố ý. Đồng quan điểm, Hội đồng xét xử cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã truy tố các bị cáo đúng tội danh. Qua đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nhân 5 năm tù; các bị cáo Châu, Hiếu, Cường mỗi người 6 năm tù; Thư, Lân cùng  3 năm 6 tháng tù; Liên 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Plih 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Quýnh 18 tháng tù. Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc Công ty cổ phần Dược-Vật tư Y tế Gia Lai phải nộp lại hơn 1,1 tỷ đồng liên quan trong vụ án này; các bị cáo cũng phải nộp lại số tiền tổng cộng hơn 5 tỷ đồng. 
LÊ VĂN NGỌC 

Có thể bạn quan tâm