"Nóng" tình trạng buôn bán thuốc lá nhập lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hoạt động buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi. Hiện tại, lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh ngăn chặn hành vi này. 
Liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu
Trong tháng 5 và đầu tháng 6-2020, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) đã tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường thuốc lá điếu, trong đó có các điểm bán lẻ. Ông Nguyễn Đức Tuấn-Đội trưởng Đội QLTT số 1-cho biết: “Đội thường xuyên triển khai nhiều đợt tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá. Đồng thời, tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng-chống buôn lậu thuốc lá. Qua đó, nhiều hành vi vi phạm như bán hàng không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhập khẩu theo quy định đã được phát hiện, xử lý kịp thời”.
Ngày 29-5, qua kiểm tra, đội QLTT số 1 đã phát hiện tại điểm kinh doanh tạp hóa 118 Trần Nhật Duật (TP. Pleiku) bày bán 55 bao thuốc lá điếu các loại (hiệu Esse, Hero và Craven “A”) không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhập khẩu theo quy định. Đội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng. Trong các ngày 3 và 4-6, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản xử phạt chủ cơ sở kinh doanh 478 Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku) và cửa hàng tạp hóa Thanh Hoa (số 03 đường Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) lần lượt là 15 triệu đồng và 10 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự. 
Trước đó, vào ngày 26-4, qua nguồn tin báo, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Công an TP. Pleiku tiến hành kiểm tra tại một điểm bán cà phê ở địa chỉ 1165 Phạm Văn Đồng ( TP. Pleiku) phát hiện có 1.200 bao thuốc lá điếu nhập lậu (gồm 500 bao hiệu Esse và 700 bao hiệu Jet). Đội đã hoàn chỉnh hồ sơ, thông báo tìm chủ sở hữu nhưng hết thời gian thông báo cũng không có người nhận. Do đó, Đội đã tiến hành thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm đếm số thuốc lá lậu bị thu giữ. Ảnh: V.T
Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm đếm số thuốc lá lậu bị thu giữ. Ảnh: V.T
Tăng cường vận động cam kết và kiểm tra
Thông tin từ Đội QLTT số 1 cho biết, sau đợt cao điểm phòng-chống dịch Covid-19, đầu tháng 5-2020, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chủ động phương án kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý hành vi vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Từ đó đến nay, Đội đã kiểm tra và xử lý 7 vụ, xử phạt 52 triệu đồng và tịch thu 459 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Trên thực tế, việc mua bán thuốc lá điếu nhập lậu không diễn ra công khai song vẫn khá phổ biến. Anh Nhữ Văn Nhạ (đường Yết Kiêu, TP. Pleiku) cho hay: “Chỉ cần mình là khách mua thường xuyên thì những nơi bán thuốc lá ngoại nhập lậu sẽ cung cấp. Người hút loại này không nhiều, một phần do thói quen và giá bán của thuốc ngoại khá cao so với thuốc nội cùng chủng loại”.
Theo đánh giá của Đội trưởng Đội QLTT số 1, tình hình buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng thường chia nhỏ lượng hàng hóa và cất giấu tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa nên khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện số lượng không nhiều. Về các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Đội sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở để chủ động trong việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh, cửa hàng tạp hóa ký cam kết không buôn bán, tàng trữ thuốc lá nhập lậu. Đặc biệt là thường xuyên kiểm tra tại các điểm bán lẻ thuốc lá để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm.
VŨ THẢO 

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.