Ngã giá tiền tỉ để nâng điểm thi tại Sơn La

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Viện kiểm sát xác định trong 44 thí sinh được nâng điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại Sơn La, ngoài những trường hợp đã hối lộ 300-400 triệu đồng thì còn có những cuộc ngã giá tiền tỉ để sửa bài thi.

 

Bị can Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) - Ảnh: DANH TRỌNG
Bị can Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) - Ảnh: DANH TRỌNG


Ngày 7-5, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành cáo trạng vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh này. Cáo trạng được hoàn tất sau hơn 6 tháng TAND tỉnh trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại để làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ.

44 thí sinh được nâng điểm

Viện kiểm sát đã truy tố 8 người về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ gồm Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng chính trị tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng), Đặng Hữu Thủy (hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu).

4 người bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ là Hoàng Thị Thành (cán bộ Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai), Trần Văn Điện (giáo viên), Lò Thị Trường (lao động tự do) và Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, nguyên là phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La).

Riêng bị can Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn bị đề nghị truy tố thêm về tội nhận hối lộ.

Cáo trạng cáo buộc trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tổ chức tại Sơn La, 12 bị can vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh.

Bị can Trần Xuân Yến đã lợi dụng chức vụ, nhận thông tin cá nhân của 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga sửa bài thi, nâng điểm.

Ông Yến sau đó còn cho phép thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm là cấp dưới của mình tìm rút sửa bài thi, nâng điểm cho nhiều thí sinh.


 

Bị can Cầm Thị Bun Sọn - Ảnh: Công an cung cấp
Bị can Cầm Thị Bun Sọn - Ảnh: Công an cung cấp



Khi biết thông tin Bộ GD-ĐT lên kiểm tra, ông Yến sợ bị phát hiện nên đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hồng Nga sao lưu dữ liệu ra CD và tìm phần mềm trên mạng để xóa kết quả quét bài thi gốc trên máy tính. Ông Yến sau đó tiêu hủy chứng cứ để che giấu hành vi sai phạm.

Tương tự, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn… cũng dùng nhiều thủ đoạn để sửa bài thi, nâng điểm cho hàng chục thí sinh.

Bộ GD-ĐT chấm thẩm định đã hạ điểm của các thí sinh này. Người bị hạ nhiều nhất tới 26,55 điểm cho ba môn, điểm thực tế chỉ là toán 0 điểm, vật lý 0,25 điểm, tiếng Anh 0,2 điểm. 5 thí sinh bị hạ mỗi người trên 22 điểm.

Hối lộ tiền tỉ để nâng điểm

Thời điểm tháng 10-2019, khi vụ án được đưa ra xét xử, dư luận băn khoăn với kết luận điều tra cho rằng không có cơ sở xác định hành vi đưa và nhận hối lộ. TAND tỉnh Sơn La đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, đến nay những cuộc ngã giá tiền tỉ để "muốn điểm nào được điểm đó" đã được làm rõ.

Theo cáo trạng, ngày 26-8-2018, bị can Trần Văn Điện đến phòng làm việc của bà Nguyễn Thị Hồng Nga tại Sở GD-ĐT đặt vấn đề nhờ nâng điểm cho 4 thí sinh. Hai bên "ngã giá" mỗi trường hợp nâng điểm sẽ phải trả 230-350 triệu đồng.


 

Bị can Trần Văn Điện (giữa) - Ảnh: Công an cung cấp
Bị can Trần Văn Điện (giữa) - Ảnh: Công an cung cấp


Bị can Nga cùng Thủy và Sọn đã cùng nhau sửa bài thi, nâng điểm cho 4 thí sinh theo "đặt hàng" của ông Điện. Sau kỳ thi, ông Điện đưa cho bà Nga hơn 1 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định bị can Lò Văn Huynh đã thỏa thuận nhận của bà Lò Thị Trường 300 triệu đồng để giúp nâng điểm cho con trai. Ngoài ra, mặc dù không thừa nhận nhưng cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều kết luận đủ cơ sở xác định ông Huynh còn nhận của cựu thượng tá Nguyễn Minh Khoa 1 tỉ đồng để nâng điểm cho 2 thí sinh.

Cụ thể ngày 13-6-2018, ông Khoa đến nhà nhờ ông Huynh nâng điểm cho 2 thí sinh với số điểm 27 trở lên để trúng tuyển vào các trường công an nhân dân. Mỗi trường hợp ông Khoa "ngã giá" với ông Huynh 700 triệu đồng. Ông Khoa đưa trước cho ông Huynh 1 tỉ đồng.

Khi Cơ quan an ninh điều tra vào cuộc thì ông Khoa gọi điện cho vợ ông Huynh để "xin lại số tiền đã đưa". Tuy nhiên, số tiền này đã được gia đình giao nộp cho cơ quan điều tra.

Sau khi bị khởi tố bổ sung tội nhận hối lộ, bị can Huynh thay đổi lời khai phủ nhận việc thỏa thuận và cầm tiền của ông Khoa. Số tiền 1 tỉ đồng đã nộp cho cơ quan điều tra là tiền tiết kiệm và bán đất của gia đình.


 

Công an bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Khoa (người mặc áo sáng màu đi giữa) - Ảnh: Công an cung cấp
Công an bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Khoa (người mặc áo sáng màu đi giữa) - Ảnh: Công an cung cấp


Ông Khoa cũng khai chỉ đưa danh sách nhờ ông Huynh xem điểm, chứ không thỏa thuận và hối lộ để sửa bài thi, nâng điểm. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho rằng đủ căn cứ xác định ông Khoa đã đưa cho ông Huynh 1 tỉ đồng nhờ nâng điểm cho 2 thí sinh.

Bị can Cầm Thị Bun Sọn cũng bị cáo buộc cầm của bà Hoàng Thị Thành 400 triệu đồng để sửa bài thi cho một thí sinh.

Đặng Hữu Thủy cũng khai sau khi sửa bài thi, nâng điểm cho bốn thí sinh thì nhận 500 triệu đồng của ba phụ huynh, song đã trả lại. Hành vi của bị can Thủy có dấu hiệu của tội nhận hối lộ, song các phụ huynh không thừa nhận việc đưa tiền nên cơ quan điều tra xác định không có đủ chứng cứ quy kết.

 

Theo THÂN HOÀNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.