Xét xử vụ AVG: Kẻ nhận triệu USD, người 'kiếm ít tiền mua sữa cho con'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không biết gì về định giá doanh nghiệp, nhưng thẩm định viên của Công ty thẩm định giá AMAX vẫn nhắm mắt ký định giá AVG lên tới 16.500 tỉ đồng chỉ để... lấy ít tiền mua sữa cho con.

 



Sáng nay, 17.2, Hội đồng xét xử vụ án MobiFone mua AVG tiếp tục phần xét hỏi với các bị cáo là lãnh đạo của MobiFone và những người có liên quan. Trong đó, có 2 nhân vật khá quan trọng là Giám đốc Công ty thẩm định giá AMAX Võ Văn Mạnh và thẩm định viên Hoàng Duy Quang.

Bị cáo Hoàng Duy Quang khai trước tòa - Ảnh Sơn Vũ
Bị cáo Hoàng Duy Quang khai trước tòa - Ảnh Sơn Vũ


Mặc dù chỉ đóng “vai phụ” nhưng nút thắt AMAX rất quan trọng trong vụ án, khi công ty này đứng ra ký Báo cáo xác định giá trị Doanh nghiệp AVG số 256 ngày 5.8.2015; ký Chứng thư thẩm định giá số 256/TĐG-CT-AMAX ngày 5.8.2015.


Mục đích thẩm định giá làm căn cứ xem xét để quyết định việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dùng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp AVG khoảng 16.500 tỉ đồng. Trong khi trên thực tế, AVG lỗ luỹ kế, giá trị tài sản chỉ còn khoảng chưa đến 2.000 tỉ đồng.


Tại toà, thẩm định viên Hoàng Duy Quang khai mình là người tìm mối để AMAX ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp AVG với MobiFone để được hưởng 10% giá trị hợp đồng. Mặc dù, Quang không tham gia thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG nhưng vẫn ký với tư cách là thẩm định viên trong Chứng thư và Báo cáo xác định giá trị AVG để được hưởng thêm 5% giá trị hợp đồng.

 MobiFone sau đó đã thanh toán cho AMAX số tiền 440 triệu đồng tiền thẩm định theo hợp đồng và Quang đã được hưởng lợi 60 triệu đồng tiền hoa hồng, nộp thuế thu nhập cá nhân 6 triệu đồng, còn lại 54 triệu đồng Quang sử dụng cá nhân.

Quang thừa nhận, mình không có kinh nghiệm, năng lực gì trong lĩnh vực định giá doanh nghiệp. Biết việc ký chứng thư và báo cáo định giá AVG để MobiFone mua lại nhưng vẫn nhắm mắt ký khống.

“Bị cáo không có kinh nghiệm định giá về doanh nghiệp và chưa làm bao giờ. Do quy định của công ty khi ký khống thì được phần trăm hoa hồng nên bị cáo ký để kiếm thêm ít tiền mua sữa cho con”, Hoàng Duy Quang khóc trước toà.

Trước đó, tại toà, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận khoản tiền lên tới 3 triệu USD, còn cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD và cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhận 200.000 USD.

 

Theo Thái Sơn (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.