100 cảnh sát bảo vệ phiên tòa xét xử vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 26/12, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên sẽ xét xử công khai vụ án Vì Văn Toán và đồng bọn sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên. Phiên tòa sẽ được xét xử lưu động tại sân vận động tỉnh Điện Biên, nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại phiên tòa, Công an tỉnh Điện Biên sẽ huy động 100 cảnh sát tham gia bảo vệ phiên tòa.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Thiếu tướng Sùng A Hồng - Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được xã hội và dư luận cả nước quan tâm. Việc đưa ra xét xử phải có sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, vì thế Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên có chủ trương, chỉ đạo về vấn đề xét xử, để quần chúng nhân dân thấy được tính chất nguy hiểm của các đối tượng. Việc xét xử lưu động là quyền của TAND tỉnh và đúng theo quy định của pháp luật. Công an Điện Biên sẽ huy động lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cùng lực lượng cảnh sát cơ động sẽ bảo vệ chặt chẽ tại phiên tòa”.
 
Thẩm phám Phạm Văn Nam - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên sẽ ngồi ghế Chủ tọa, điều hành phiên xét xử.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Điện Biên, 6/9 đối tượng của vụ án sẽ đối mặt với mức án tử hình.
Đối tượng Vì Văn Toán bị truy tố về tội Giết người theo điểm e, g, o, p khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự và tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, c, i khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Bùi Văn Công bị truy tố về tội Giết người theo điểm e, g, o khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; tội Hiếp dâm theo điểm c, d khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự; tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, c khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự; tội Cướp tài sản theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự và tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Vương Văn Hùng bị truy tố về tội Giết người theo điểm e, g, o, p khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; tội Hiếp dâm theo điểm c, i khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự; tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, c, i khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự và tội Cướp tài sản theo điểm h khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Phạm Văn Nhiệm bị truy tố về tội Giết người theo điểm e, g, o khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; tội Hiếp dâm theo điểm c, d khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự và tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, c khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Lường Văn Hùng bị truy tố về tội Giết người theo điểm e, g, o khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; tội Hiếp dâm theo điểm c, d khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự và tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, c khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Lường Văn Lả bị truy tố về tội Giết người theo điểm e, g, o khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự; tội Hiếp dâm theo điểm c, d khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự và tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điểm a, c khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Phạm Văn Dũng bị truy tố về tội Hiếp dâm theo điểm c, d khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Cầm Văn Chương bị truy tố về tội Hiếp dâm theo điểm c khoản 2 Điều 141 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Bùi Thị Kim Thu bị truy tố về tội Không tố giác tội phạm theo khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự.
 
Đối tượng Vì Văn Toán - chủ mưu vụ án sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên sẽ đối diện với mức án tử hình.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, thượng tá Vũ Trọng Thưởng - Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết: “Sau khi có lịch xét xử vụ án, được Ban Giám đốc giao nhiệm vụ, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã khảo sát địa điểm xét xử và tham mưu cho Ban Giám đốc có kế hoạch để bảo vệ phiên tòa. Đơn vị đã tham mưu cho Ban Giám đốc, huy động 100 cảnh sát hỗ trợ tư pháp, cơ động tham gia bảo vệ”.
Các địa điểm tại sân vận động tỉnh sẽ được lực lượng bảo vệ kiểm tra, rà soát chất nổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Hội đồng xét xử, bị cáo, người làm chứng, thân nhân bị hại và người dân đến dự phiên tòa.
Theo thượng tá Thưởng, đơn vị đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ an toàn tuyệt đối phiên tòa, không để người nhà bị cáo, thân nhân người bị hại tác động đến các bị cáo, cũng như Hội đồng xét xử. Làm tốt công tác phòng ngừa cháy nổ, xây dựng phòng ngừa các tình huống bất ngờ có thể xảy ra tại phiên tòa. Khó khăn lớn nhất của đơn vị là việc dẫn giải các bị cáo đến phiên tòa, vì 9 bị cáo được giam giữ tại 4 địa điểm khác nhau, phiên tòa lại kéo dài. Vì thế, đơn vị phải có phương án đảm bảo an toàn dẫn giải các bị cáo đến tòa.
Vinh Duy (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.