Ngày thứ 2 xét xử vụ án sai phạm ở BQLRPH Bắc Biển Hồ: Quanh co, chối tội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong ngày thứ 2 của phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Tuy nhiên, nhiều bị cáo đã quanh co, chối bỏ trách nhiệm. 
Bị cáo Nguyễn Đức-nguyên Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Biển Hồ được xét hỏi nhiều nhất với 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, ở cả 2 tội danh này, bị cáo Đức đều không thành khẩn khai báo, nhận tội mà quanh co, không đồng nhất các lời khai. Khi Hội đồng xét xử hỏi về số tiền hơn 472 triệu đồng không nộp vào ngân sách, ban đầu, bị cáo Đức khai nhận đã nhiều lần chỉ đạo kế toán là Đặng Văn Cườm mang nộp, tuy nhiên vì không đủ thủ tục nên Kho bạc không cho nộp, dẫn đến tình trạng trên. 
  Bị cáo Mã Phi Bình im lặng khi Hội đồng xét xử hỏi về việc bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.  Ảnh: L.V.N
Bị cáo Mã Phi Bình im lặng khi Hội đồng xét xử hỏi về việc bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: L.V.N
Sau đó, trước những truy vấn của Hội đồng xét xử cùng lời khai của bị cáo Cườm tại phiên tòa, bị cáo Đức đã thừa nhận do cơ quan thiếu kinh phí chi tiêu một số khoản nên đã “ứng” số tiền này để sử dụng rồi sẽ dùng nguồn khác “đắp” vào. Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi với bị cáo Đức: “Số tiền hơn 472 triệu đồng này, các bị cáo đã không có giấy tờ chứng minh được sử dụng vào việc gì, liệu rằng có việc sử dụng cho đơn vị hay tư lợi? Bị cáo khai sẽ bù lại số tiền không nộp nhưng tại sao đến năm 2017 phải để Thanh tra tỉnh kiểm tra mới phát hiện. Nếu không có việc thanh tra thì số tiền này sẽ ra sao, chắc chắn con số sai phạm sẽ còn lớn hơn nữa”. 
Đặc biệt, về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Đức đã làm các tài liệu chứng từ để hợp thức hóa một phần nguồn gốc đất rừng do đơn vị quản lý thành đất cá nhân để rồi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 16.726 m2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 122 triệu đồng. Trả lời Hội đồng xét xử về diện tích đất này, bị cáo Đức cho rằng mình mua từ ông Lê Đức Tải vào năm 1997, khi đó Đức chưa về công tác tại BQLRPH Bắc Biển Hồ.
Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giữ quyền công tố đã hỏi bị cáo Đức thì Đức trả lời sau này mới phát hiện đây là diện tích đất lâm nghiệp. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ rõ rằng, là một cán bộ lãnh đạo của BQLRPH Bắc Biển Hồ nhưng Đức đã không trung thực, khi phát hiện ra đất thuộc đơn vị Nhà nước quản lý nhưng đã không báo cơ quan có thẩm quyền để xử lý và trả lại mà vẫn tiếp tục sử dụng.
Về số tiền tham ô 15 triệu đồng từ tiền chi trả bồi thường đất, hoa màu thuộc công trình trạm biến áp 110 KV Mang Yang và nhánh rẽ cho BQLRPH Bắc Biển Hồ, bị cáo Cườm khai có nhận tiền còn Đức viết phiếu thu. Sau đó, Cườm đưa cho Đức 10 triệu đồng còn giữ cho mình 5 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Đứng cạnh Cườm tại phiên tòa, Đức một mực cho rằng không nhận số tiền trên và có nhắc nhở Cườm nộp đủ 15 triệu đồng vào ngân sách. “Bị cáo Cườm khai không đúng sự thật, có lần Cườm khai dùng số tiền này để mời tôi và anh Thu (ông Đặng Xuân Thu-Phó Trưởng BQLRPH Bắc Biển Hồ) đi nhậu rồi đi du lịch, giờ Cườm lại khai như vậy”-bị cáo Đức nói. 
Các bị cáo Ngô Văn Bằng-Chủ tịch UBND xã Trà Đa, nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú, TP. Pleiku; Mã Phi Bình-cán bộ địa chính xã Diên Phú khi được Hội đồng xét xử hỏi rằng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố các bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có oan không thì cả 2 đều im lặng. Sau đó, cả 2 chỉ thừa nhận có sai sót và cho rằng sai sót này là do Tưởng Tín-nguyên Trưởng BQLRPH Bắc Biển Hồ đã ký xác nhận vào 2 biên bản không tranh chấp và làm chứng với nội dung “đất khai hoang trước năm 1990, trồng cây các loại, không có tranh chấp” dẫn đến việc bà Mai Thị Ngọc Thỏa được cấp GCNQSDĐ đối với 2 thửa đất trong diện tích đất rừng do BQLRPH Bắc Biển Hồ quản lý, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 222 triệu đồng. 
“Bị cáo đã tin tưởng cán bộ chuyên môn về bộ hồ sơ trình cấp GCNQSDĐ và bị cáo nghĩ nếu hồ sơ có sai sót thì cấp trên sẽ chuyển trả về rà soát lại”-bị cáo Bằng vô tư trả lời. Hội đồng xét xử đã chỉ rõ sự thiếu trách nhiệm của các bị cáo Bằng, Bình và các bị cáo khác đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ để cho Đức và Thỏa hợp thức hóa nguồn gốc đất là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 
Hôm nay (8-11), phiên tòa dự kiến tiếp tục phần tranh luận và tuyên án. 
 LÊ VĂN NGỌC 

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.